Chuyển mình trên từng lĩnh vực

NGUYỄN SỰ - THÀNH CÔNG 21/07/2020 04:28

Trong 5 năm qua, nhờ nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, lĩnh vực kinh tế và xây dựng nông thôn mới của huyện Hiệp Đức tạo được bước chuyển rõ nét. Từ đó, đời sống nhân dân cải thiện đáng kể, diện mạo nhiều làng quê từng ngày khởi sắc.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tìm hiểu tình hình sản xuất tại một công ty may mặc đóng chân trên địa bàn xã Bình Lâm. Ảnh: S.C
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tìm hiểu tình hình sản xuất tại một công ty may mặc đóng chân trên địa bàn xã Bình Lâm. Ảnh: S.C

Dấu ấn kinh tế

Ông Phan Nghị - Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Hiệp Đức cho biết, bên cạnh ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của huyện thường xuyên tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến và hỗ trợ nhà nông đưa nhiều loại giống lúa mới vào gieo sạ. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay nông dân Hiệp Đức liên tục được mùa. “Riêng vụ đông xuân vừa qua, toàn huyện canh tác 1.353ha lúa, năng suất bình quân đạt gần 58 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với cách đây 5 năm” - ông Nghị nói.

Trong 5 năm qua, bình quân hằng năm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của Hiệp Đức đạt 8,75%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện ước đạt 37,13 triệu đồng.

Thời gian qua, huyện Hiệp Đức cũng tích cực hỗ trợ nông dân phát triển mô hình chăn nuôi bò theo phương thức hàng hóa và xem đây là lối mở trong phát triển kinh tế hộ.

Ông Phan Phước Nhường ở thôn Trà Linh Đông (xã Hiệp Hòa) chia sẻ: “Hiện gia đình tôi nuôi 40 con bò, trong đó 70% là bò nái sinh sản. Những năm qua, hằng năm tôi xuất bán khoảng 18 - 20 bò con, thu về 270 - 300 triệu đồng”. Tính đến thời điểm này, Hiệp Đức có khoảng 300 mô hình chăn nuôi bò đàn và hầu hết mang lại nguồn thu nhập khá.

Ông Nguyễn Tấn Nghiệp - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, với lợi thế đất lâm nghiệp lớn và được tiếp cận nhiều kênh vốn nên những năm qua người dân địa phương tập trung phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế rừng. Hiện nay, toàn huyện có hơn 18.000ha rừng nguyên liệu, trong đó có 845ha rừng gỗ lớn sản xuất theo chứng chỉ FSC. Mỗi năm nông dân khai thác bán ra thị trường khoảng 3.000ha và bình quân mỗi héc ta đạt giá trị 60 - 70 triệu đồng.

Đáng ghi nhận, huyện vừa thu hút được 2 doanh nghiệp lớn là An Việt Phát, Hào Hưng Hiệp Đức vào lập dự án hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn theo chứng chỉ FSC với quy mô 15.000ha và xây dựng các nhà máy chế biến sâu những sản phẩm từ gỗ rừng trồng với số vốn đầu tư hơn 1.795 tỷ đồng.

Những năm gần đây, Hiệp Đức tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: S.C
Những năm gần đây, Hiệp Đức tập trung phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để tạo việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: S.C

Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng, ông Trần Thọ - Trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng Hiệp Đức cho biết, ước tính năm 2020 giá trị sản xuất của ngành đạt khoảng 632 tỷ đồng; trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng hằng năm đạt 17,44%, vượt 3,44% so với nghị quyết đề ra. Về thương mại - dịch vụ, năm 2020, tổng giá trị sản xuất ước đạt hơn 761 tỷ đồng. Từ năm 2015 đến nay, bình quân hàng năm tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành đạt 7,96%...

Nông thôn khởi sắc

Thời điểm này, cán bộ và nhân dân xã Bình Sơn (Hiệp Đức) tất bật chuẩn bị cho lễ ra mắt xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), dự kiến tổ chức vào ngày 31.7.

Ông Hồ Xuân Lanh - Chủ tịch UBND xã Bình Sơn cho biết, năm 2011 khi triển khai thực hiện mô hình NTM, trong 19 tiêu chí, địa phương chỉ đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch. Từ năm 2011 - 2019, xã huy động xấp xỉ 50 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng. Với nguồn vốn trên, địa phương tiến hành bê tông hóa hơn 20km giao thông nông thôn và giao thông nội đồng, kiên cố hóa hơn 10km kênh mương, thi công 2 cây cầu dân sinh, xây mới 2 điểm trường của Trường Mẫu giáo Ánh Hồng, xây dựng các phòng chức năng tại Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Trãi, xây dựng nhà văn hóa xã và 5 nhà văn hóa thôn...

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân đồng thuận cao nên cuối năm 2019 Bình Sơn hoàn thành 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, sớm hơn một năm so với lộ trình đặt ra. Nhờ phát triển mạnh lĩnh vực kinh tế nên đời sống người dân không ngừng cải thiện. Năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Sơn đạt 38,06 triệu đồng, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2015; hiện nay tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 4,02%, giảm 20% so với cách đây 5 năm” - ông Lanh chia sẻ.

Ông Nguyễn Như Công - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, không kể xã Quế Bình đã sáp nhập với thị trấn Tân An để thành lập mới thị trấn Tân Bình, hiện nay toàn huyện có 10 xã thực hiện mô hình NTM. Với đặc thù của địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công cuộc xây dựng NTM ở Hiệp Đức đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2011 đến nay, nhờ nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn, Hiệp Đức đã đầu tư hơn 419,6 tỷ đồng cho chương trình NTM. Trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 hơn 203,6 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 hơn 216 tỷ đồng. Đến nay, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của một xã xây dựng NTM ở Hiệp Đức là 14,45 tiêu chí (không còn xã nào đạt dưới 8 tiêu chí). Hiệp Đức đã có 5/10 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM gồm Bình Lâm, Quế Thọ, Hiệp Thuận, Bình Sơn, Hiệp Hòa.

NGUYỄN SỰ - THÀNH CÔNG