Đề tài hiện đại trong ca kịch bài chòi

BẢO ANH 19/07/2020 04:46

Cùng với đề tài dân gian, Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn chú trọng dàn dựng nhiều vở diễn về đề tài hiện đại và đương đại, góp phần làm phong phú thêm kịch mục của đoàn, hướng đến phục vụ nhiều đối tượng khán giả khác nhau...

Cảnh trong vở “Nỗi đau tình mẹ” - một trong những vở diễn đề tài hiện đại của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Ảnh: Đoàn CKQN
Cảnh trong vở “Nỗi đau tình mẹ” - một trong những vở diễn đề tài hiện đại của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Ảnh: Đoàn CKQN

Nhiều vở diễn đề tài hiện đại

Cuối tháng 5 vừa rồi, Đoàn Ca kịch Quảng Nam tổ chức khởi dựng vở diễn mới mang tên “Vòng xoáy”. Nội dung vở diễn xoay quanh những xung đột, đối nghịch gay gắt và dữ dội giữa cái thiện và cái ác; về những áp lực, cám dỗ của quyền lực và đồng tiền đối với nhân cách, phẩm giá con người; về cuộc đấu tranh chống các loại tội phạm vừa bền bỉ, khó khăn vừa có cả mất mát của lực lượng công an...

Như vậy, với một loạt vở diễn khá đình đám và có tiếng vang như “Chuyện tình bên dòng sông Thu”,  “Nỗi đau tình mẹ”, “Những linh hồn sống”, “Lâu đài cát”, “Ký ức lửa”, “Trái tim đàn bà”,... vở diễn mới này lại góp phần làm cho đề tài hiện đại trong kịch mục của Đoàn ca kịch Quảng Nam tiếp tục tăng lên.

Theo nghệ sĩ Võ Thị Thu Mây - Trưởng đoàn Ca kịch Quảng Nam, việc tăng cường dàn dựng các vở diễn về đề tài hiện đại, đương đại nhằm làm phong phú, đa dạng hóa đề tài trong kịch mục của đoàn và không có nghĩa là đoàn có xu hướng “xa rời” các đề tài dân gian, truyền thống.

Bởi trên thực tế, nhiều năm qua đoàn vẫn phục dựng, dựng mới và tổ chức biểu diễn một số vở về các đề tài “cũ”, chẳng hạn như các vở “Thoại Khanh - Châu Tuấn”, “Nàng Xi ta”, “Chuyện tình trong vương phủ”, “Thủ Thiệm”... Thêm nữa, không hề có quy định nào nói rằng các đoàn nghệ thuật truyền thống thì chỉ nên/được dàn dựng và biểu diễn những vở diễn về đề tài dân gian, truyền thống.

Trước đây, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiều vở dân ca kịch bài chòi về cuộc chiến đấu đầy đau thương và anh dũng của nhân dân ta, về các tấm gương anh hùng liệt sĩ... cũng từng được dàn dựng, biểu diễn rất thành công; một số vở trong đó được xếp vào loại “kinh điển” và sau này còn được phục dựng. Nên lưu ý là, lúc bấy giờ những đề tài như thế đều là “đương đại”.

“Đề tài dân gian hay hiện đại không phải là vấn đề quyết định. Điều quan trọng là mình có thổi hồn ca kịch truyền thống vào vở diễn được hay không” - nghệ sĩ Thu Mây nói.

“Đến gần” khán giả hơn

Ngoài mục đích làm phong phú đề tài trong kịch mục, theo nghệ sĩ Võ Thị Thu Mây, việc tăng cường dàn dựng các vở diễn đề tài hiện đại, đương đại còn nhằm đáp ứng nhiệm vụ chính trị của đoàn, hướng đến phục vụ các đối tượng khán giả khác nhau và còn để bắt nhịp hơi thở cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, rất nhiều vấn đề được đặt ra, rất mới và nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của đại đa số người dân. Nếu không chuyển mình, không bắt nhịp, không đưa lên sân khấu những vấn đề ấy thì nghệ thuật sân khấu - cả truyền thống lẫn hiện đại - sẽ trở nên lạc hậu.

Thực tế cho thấy, nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian - trong đó có nghệ thuật ca kịch bài chòi truyền thống - đang ngày càng trở nên “ít phù hợp hơn” với cuộc sống đương đại, nhất là với giới trẻ. Do vậy, để “đến gần” khán giả, “kéo” khán giả đến với nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và sân khấu dân ca kịch bài chòi nói riêng, việc dàn dựng các vở diễn có đề tài hiện đại là cần thiết.

Đồng tình với quan điểm ấy, một nghệ sĩ từng là cán bộ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam, hiện đã nghỉ hưu, cho rằng khai thác, tìm kiếm, dàn dựng các vở dân ca kịch bài chòi có đề tài hiện đại là một xu thế tất yếu. Tuy nhiên, do đây là loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống hết sức đặc trưng nên khi đưa đề tài hiện đại vào sân khấu dân ca kịch bài chòi, phải dàn dựng thật khéo léo. Mọi thành tố làm nên vở diễn và của vở diễn phải có sự gần gũi, tương đồng với nghệ thuật dân ca bài chòi truyền thống.

Nghệ sĩ này nói thêm: “Vấn đề ở chỗ, khi dàn dựng các vở diễn đề tài hiện đại, phải làm thế nào giữ cho được cốt cách và những vẻ đẹp truyền thống độc đáo của nghệ thuật dân ca kịch bài chòi, đồng thời phải gần gũi với cuộc sống và khán giả hiện đại”.

BẢO ANH