Phúng lốp
Dân Nha Trang, nói đến “Phúng lốp” rất nhiều người biết. Người thì biết ông có biệt tài “thiết kế hòn non bộ hết chỗ chê”, nhưng đa số biết đến ông do ông sở hữu và “chế biến” nhiều sản phẩm từ lốp xe nhất, nhiều đến mức Tổ chức Kỷ lục vừa trao bằng xác lập Bộ sưu tập sản phẩm làm từ lốp phế liệu có số lượng nhiều nhất Việt Nam.
Nguyễn Văn Phúng (59 tuổi) sinh tại Huế nhưng sống ở Nha Trang từ nhỏ. Nghe ông giới thiệu quê quán mới biết chứ nếu chỉ nghe giọng thì rất khó đoán quê ông ở đâu, bởi gặp dân “trọ trẹ” ông sẽ nói giọng Huế nhưng gặp người Quảng là ông nói “giọng Quảng rặt ri”. Tài thế cho nên, ông Phúng làm những việc vừa khác người lại vừa hơn người. Gia đình ông có cái gene trội là… mê sưu tầm những thứ không giống ai. Người anh kề ông, bác sĩ Nguyễn Văn Xáng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, người cũng được Tổ chức Kỷ lục châu Á trao chứng nhận “người sở hữu nhiều bút nhất châu Á”!
Hành trình trở thành “vua lốp”
Hẹn hò năm lần bảy lượt mới gặp được “kỳ nhân” này tại hóc bà tó xã Phước Đồng, cách Nha Trang 15 cây số về phía tây nam. Lúc thì ông bảo đang ở Quảng Ninh, khi thì vừa đến Phú Quốc. Hỏi ông đi đâu mà như chim vậy? Ông bảo “tôi đi làm… hòn non bộ”. Làm hòn non bộ là một cách nói rút gọn chứ kỳ thực là ông Phúng đi thiết kế “đường đi lối lại”, trong đó có hòn non bộ cho các khu resort của những đại gia trên khắp cả nước. Nói thế để biết, con người này “không phải dạng vừa đâu”. Vừa tài hoa nhưng cũng chịu khó “cày bừa” như nông dân chứ ông không chảnh chọe gì. “Tôi học trường thủy lợi nhưng lại làm “thợ đụng” mới sống nổi. Nhà đông anh em, lại được cha mẹ cho đi học cả, mình không làm “thợ đụng” thì cũng khó nuôi thân và giúp đỡ anh em trong nhà để ai cũng có cơ hội “nuôi chữ” đến cùng như bây giờ. Anh Xáng là anh cả nhưng học bác sĩ những 6 năm nên có muốn giúp em út thời ấy cũng khó” - ông Phúng phân trần cho cái chuyện hành nghề “tréo ngoe” của mình.
Ông đưa chúng tôi lên ngôi nhà trên ngọn cây thị để… uống trà, phần là để thuận hóng gió cho mát mẻ, phần cũng muốn gián tiếp giới thiệu một công trình “ngoài lốp” nhưng quái chiêu này. Ông nói: “Như cây thị trên trăm tuổi này tôi cũng mua nó trong một lần đi làm “thợ đụng” đấy. Nhưng đụng khắp chỗ, cuối cùng đọng lại cái thứ này” - vừa nói ông vừa chỉ tay về phía cuối vườn rồi “lia” một vòng khắp lượt. Nhìn theo cánh tay ông chỉ, trùng trùng điệp điệp lốp xe hiện ra trong mắt khách.
Nguyễn Văn Phúng hồi tưởng: “Gần 40 năm trước, tôi từ Huế vô Nha Trang định cư. Trong một lần đi làm “thợ đụng”, thấy mấy người trong Nam hỏi mua lốp xe cũ. Sực nhớ Nha Trang là “vựa” lốp xe cũ, người ta vất lăn lóc khắp nơi, tại sao mình không mối lái? Tôi kết nối với nhóm người này và thành “đại lý” lốp phế liệu cho họ”. Ông Phúng đã đến với lốp xe cũ một cách tình cờ như thế để rồi, gần 40 năm sau, ông thành “vua lốp”.
Thăm “vương quốc lốp”
Mối lái chừng 10 năm, ông Phúng thấy “không ăn” với kiểu mua đi bán lại này. “Số lốp cũ ấy, người ta mua về để “chế biến” đủ các kiểu. Nhưng kiểu gì thì lốp xe cũ vẫn là loại rác khó tiêu hủy. Tại sao không biến chúng thành một dạng khác, vừa không gây ô nhiễm môi trường lại vừa có ích? Tôi cứ day dứt mãi với câu hỏi ấy rồi đi đến quyết định không mua đi bán lại lốp xe cũ nữa mà biến chúng thành những thứ “đồ chơi” theo cách của mình”. Ông Phúng nuôi ý nghĩ đó suốt trong một thời gian dài vì ý tưởng thì tốt nhưng triển khai nó ra hình ra dáng là điều không dễ vì đòi hỏi phải có “mặt bằng” nhất định. Thế rồi năm 2005, ông quyết định dịch chuyển chỗ ở, bỏ phố về vùng quê sát chân núi thuộc xã Phước Đồng này để định cư lâu dài, cũng đã để thi triển ý tưởng “chơi với lốp”.
Thú thật là nghe danh ông Phúng đã lâu, cũng biết ông là “vua lốp” nhưng tôi thật sự “choáng” khi đặt chân đến “vương quốc lốp” của ông. Choáng không phải vì số lượng lốp, có đến vài ba ngàn chiếc lốp chứ không ít, lốp chất thành núi trong vườn nhà, mà choáng là từ các sản phẩm được chủ nhân “chế tác”.
Bước qua khỏi cổng khu vườn, “kính chào quý khách” là những con vật khổng lồ, từ voi, hổ, rồng cho đến những con vật bé nhỏ như rắn, ếch… tất tật đều làm từ lốp xe. Khu này dành cho bọn trẻ, nhưng sang khu vực khác là thấy một rừng khí tài quân dụng như gươm đao, máy bay, tên lửa cho đến các loại pháo… tất tật cũng từ lốp mà ra. Nhưng tôi đặc biệt ấn tượng là các vật dụng như bàn, ghế, đến cả bình ly chén tách cũng từ lốp. Bàn tay tài hoa của chủ nhân in lên từng đường nét của từng vật dụng. Công phu thì dĩ nhiên rồi, nhưng “nhìn” sao cho ra vật dụng mà mình muốn để “lái” cái lốp xe cũ theo ý của mình, đó mới là kỳ tài.
“Không phải gặp lốp gì cũng khuân về đâu anh. Tôi phải hình dung trong đầu, chiếc lốp ấy sẽ sử dụng để làm loại vật gì phù hợp thì mới mua về”. Nghe ông “khoe” cách mua lốp, bà Lan vợ ông chen ngang: “Bữa trước có chiếc máy cày chạy ngang qua trước nhà, ổng chạy đuổi theo nói với theo bác tài: “Cho tui hỏi chút xíu thôi?”. Thì ra là ổng “đặt hàng” bác tài cái bánh lốp máy cày vì thấy nó quá khủng. Chắc là ổng sẽ làm một “thứ gì đó” chỉ có ổng biết”. Thế đấy, cứ như người “lên đồng” khi thấy “lốp lạ” vậy.
Những sản phẩm “không giống ai”
Khi thấy sản phẩm từ lốp trong vườn nhà đã kha khá, ông Phúng quyết định không “chơi một mình” mà giới thiệu cho mọi người cùng thưởng lãm. Ông biến khu vườn ấy thành chỗ để trẻ con vui chơi những ngày nghỉ. Các cháu có thể bắt gặp những con thú kỳ quái từng xem qua phim ảnh tại khu vườn này. “Chủ yếu là để các bà các chị đến selfie “nuôi phây” chứ tiền bán cà phê buổi sáng chỉ đủ nuôi mấy cháu giúp việc trong nhà tôi thôi. Tôi vẫn đi làm “hòn non bộ” nếu như ai đó yêu cầu”.
Nói vậy chứ “làm hòn non bộ” cũng chỉ là để nuôi khát vọng “chơi với lốp” của người đàn ông này. “Làm các loại máy bay, tên lửa hoặc những con vượn khổng lồ này thì không khó mấy vì mình không phải “lộn lốp”, tức lộn trái chiếc lốp ra. Nhưng làm những bộ ấm chén hay hồ lô lớn thì chiếc lốp cần phải lộn trái bên trong ra. Để lộn được một chiếc lốp xe to như bánh máy cày hoặc loại lốp se siêu trọng thì cần đến… 15 thanh niên khỏe mạnh, “đè” chiếc lốp ra như thợ hoạn trâu vậy” - ông Phúng giải thích về công phu khi làm các loại sản phẩm. “Ví như chiếc ghế anh ngồi, chiếc bàn chúng ta uống nước đây cũng được làm từ lốp xe đấy”.
Nghe ông Phúng nói, tôi giật thột, nhìn kỹ thì ra là… lốp xe. Ông “ngụy trang” bằng màu sắc, đường nét khéo đến mức, nếu gia chủ không giới thiệu thì khách nào biết đang ngồi trên chính sản phẩm từ lốp của chủ nhân. Ngoài việc làm một ngôi nhà trên cây thị trăm tuổi, ông Phúng còn tự mình làm một “cung điện” khác, chả giống ai. “Cung điện” hai tầng được làm bằng… mút xốp, dĩ nhiên bên trong là cốt thép nhưng rất khó đoán ra nó được chủ nhân xây bằng vật liệu gì. Một tay ông Phúng tự làm “cung điện” này khiến cho nhiều kiến trúc sư “lão luyện” cũng phải trầm trồ thán phục.
“Tôi đang mua thêm đất mở rộng khu vườn để trồng cây bonsai cho mấy ông già có chỗ… uống trà ngồi ngắm”. Ông Phúng lại khoe với khách. Tôi nghĩ, con người ấy thì làm chi chả được!