Cẩn trọng với dịch bệnh mùa hè

XUÂN HIỀN 17/07/2020 04:26

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, nhất là bệnh tay chân miệng.

Chờ lấy phiếu khám bệnh tại Bệnh viện Bình An, huyện Duy Xuyên. Ảnh: X.H
Chờ lấy phiếu khám bệnh tại Bệnh viện Bình An, huyện Duy Xuyên. Ảnh: X.H

Phòng ngừa bệnh tay chân miệng

Thông tin từ hệ thống báo cáo giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận gần 11 nghìn trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc cả nước giảm 55,6%, số trường hợp nhập viện giảm 51,5%. Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc gia tăng trong các tuần gần đây như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội...

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do vi rút đường ruột gây ra; có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Đỉnh dịch thường rơi vào các tháng từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, cần dọn vệ sinh sạch sẽ môi trường trong và quanh nhà để muỗi không có chỗ ở và đẻ trứng, dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến, bỏ muối hoặc dầu vào chén nước kê chân tủ đựng chén, thay nước bình bông. Đề phòng muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ trong mùng kể cả ban ngày... Bệnh tay chân miệng lây nhiễm qua đường tiêu hóa; vì vậy cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng chủ yếu là giữ vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của ngành y tế.

Tại Quảng Nam, từ đầu năm đến nay ghi nhận 170 ca mắc rải rác tại 18 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết, bệnh tay chân miệng tại Quảng Nam từ đầu năm đến nay giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước (giảm hơn 50%). Do người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng bệnh, thêm nữa vì công tác vệ sinh môi trường được tổ chức và kiểm soát chặt chẽ từ dịch Covid-19, dẫn đến các tác nhân gây bệnh tay chân miệng được giảm thiểu đáng kể.

Tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam, số lượng trẻ em đến khám và nhập viện do tay chân miệng cũng như các dịch bệnh mùa hè không tăng đột biến như các năm, vẫn duy trì ở mức trên dưới 150 lượt khám/ngày.

Dịch bệnh mùa hè

Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngay sau khi Bộ Y tế có chỉ đạo, Sở Y tế và các trung tâm y tế trên địa bàn đã phối hợp với các huyện, thành phố đến các xã, phường trên địa bàn để phòng tránh các dịch bệnh xảy ra.

“Đặc biệt, cần cẩn trọng với những nơi trước đây đã từng có ổ dịch, nhất là dịch sốt xuất huyết thường xảy ra ở thời điểm này. Bệnh viêm màng não cũng dễ xảy ra khi trời nắng nóng quá mức. Chính vì vậy, việc tổ chức tuyên truyền triệt để được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất. Cần phải cung cấp kiến thức đầy đủ cho người dân để có thể phòng tránh cũng như xử lý kịp thời nếu bị bệnh” - ông Mai Văn Mười cho biết.

Trẻ em và người già có sức đề kháng kém, nên vào mùa nắng nóng có nguy cơ cao mắc một số bệnh nguy hiểm như tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp… cần được phòng ngừa.

Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC cho biết, người dân cần phải cẩn trọng với thời tiết này bởi nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh khá cao, đặc biệt đối với trẻ em. Hiện nay, số ca mắc SXH tại Quảng Nam cộng dồn đến tuần 28/2020 là 1.090 ca, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2019. Các huyện có số mắc cao là Điện Bàn (238 ca), Thăng Bình (220 ca), Hội An (187 ca), Duy Xuyên (186 ca). Theo đó, cần giữ cho trẻ được ở môi trường tốt nhất, cũng như phải giữ gìn vệ sinh cho trẻ thật tốt. Sở cũng yêu cầu các đơn vị y tế phải thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Y tế, đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác thực hiện phòng bệnh mùa nắng nóng ở từng đơn vị và phát huy hiệu quả công tác truyền thông trong thời gian này.

XUÂN HIỀN