Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, “giải cứu” tăng trưởng

TRỊNH DŨNG 16/07/2020 16:23

(QNO) - Nhanh chóng tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn vốn đầu tư công tối đa, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng được luận bàn tại phiên họp trực tuyến giải ngân vốn đầu tư công do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 16.7.

.
Chính phủ họp trực tuyến về giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: chinhphu.vn

Giải ngân yếu

Không phải đợi đến bây giờ mà ngay từ những ngày đầu tháng 4, giữa cơn đại dịch Covid-19 đang bùng phát làm chao đảo, suy yếu nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, kế hoạch “giải cứu” cho tăng trưởng kinh tế của nguồn vốn này vẫn không thể đạt như kỳ vọng. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng than phiền tiến độ, số vốn giải ngân tăng so cùng kỳ năm 2019, nhưng tỷ lệ 6 tháng qua vẫn thấp so với yêu cầu.

Theo ước tính của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 33,9% kế hoạch (hơn 159.397 tỷ đồng), tăng 5,34% so cùng kỳ năm ngoái, bao gồm: vốn trong nước đạt 37,55% kế hoạch (hơn 145.270 tỷ đồng), vốn nước ngoài đạt 12,52% kế hoạch (gần 7.062 tỷ đồng), vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 25,85% kế hoạch (hơn 7.065 tỷ đồng). Thống kê cho thấy chỉ có 3 bộ, cơ quan Trung ương và 9 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 50%; 33 bộ, cơ quan Trung ương và 3 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 20%, thậm chí có đến 7 bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 5%.

Không chỉ Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận mà Chủ tịch UBND các tỉnh, thành (từ giải ngân cao 80% như Tiền Giang, 50% như Đồng Nai đến giải ngân thấp như Đà Nẵng) đều cho rằng giải ngân chậm do yếu giải phóng mặt bằng, chính sách thay đổi, năng lực chủ đầu tư, nhà thầu. Các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu không muốn thanh toán vốn nhiều lần.

Vướng mắc về thể chế, thủ tục đầu tư, yếu giải phóng mặt bằng khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh: TRỊNH DŨNG
Vướng mắc về thể chế, thủ tục đầu tư, yếu giải phóng mặt bằng khiến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp. Ảnh: TRỊNH DŨNG

Không chỉ nguyên nhân đã cố hữu nhiều năm kể trên, một nguyên nhân khác cũng đã gây ách tắc khiến tiến độ giải ngân chậm. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, niên độ ngân sách nhà nước 1 năm. Giao kế hoạch vốn đầu năm, cuối năm quyết toán nên kế hoạch thực hiện, thi công xây dựng công trình, dự án đều phụ thuộc vào kế hoạch vốn. Việc triển khai chuẩn bị đầu tư, xây dựng kế hoạch đấu thầu, thi công… mất nhiều thời gian mới có khối lượng thanh toán. Kế hoạch đấu thầu được phê duyệt đầu năm thì phải đến giữa năm mới lựa chọn được nhà thầu, ký hợp đồng và việc tạm ứng vốn hợp đồng hay giải ngân khối lượng thực hiện thường xuyên xảy ra vào thời điểm cuối năm.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại dịch Covid-19 lẫn năm 2020 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công trung hạn, nên các bộ, ngành Trung ương, địa phương phải vừa hoàn thành dự án, vừa hoàn tất thủ tục dự án khởi công mới, chuẩn bị dự án cho 2021 - 2025 đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Sẽ có chế tài xử lý giải ngân chậm

Tăng trưởng GDP quý II chỉ 0,36%. Giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là mục tiêu lớn, quan trọng và là giải pháp then chốt để hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2020. Theo Chính phủ, kế hoạch “thượng đỉnh” là phải tháo gỡ kịp thời các rào cản, khó khăn, vướng mắc, khơi thông điểm nghẽn để đưa vốn đầu tư công vào nền kinh tế.

Một trong những giải pháp lưỡng toàn là xem xét kế hoạch giải ngân, cam kết của các chủ đầu tư đối với tiến độ giải ngân của từng dự án. Nếu giải ngân không đạt tiến độ, xem xét, điều chuyển vốn cho dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án, thậm chí điều chuyển chủ đầu tư, ban quản lý. Các chủ đầu tư, những người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án. Kết quả này được xem là một trong những tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành công việc được giao của từng cán bộ, công chức. 

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho hay, giải ngân thấp do lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân dẫn đến không phân bổ được hết vốn kế hoạch (27.000 tỷ đồng). Trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa bảo đảm minh bạch, công bằng… Chuẩn bị đầu tư dự án không kỹ, phải điều chỉnh thiết kế, tăng chi phí, gia hạn thời gian thực hiện, kể cả nhiều dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ (ODA)... “Cần khắc phục ngay những điểm yếu cố hữu này, tập trung giải ngân được 90% thì mới góp phần vào tăng trưởng” - Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đầu tư công là cứu cánh. Sẽ giải quyết nhiều việc làm, thu nhập người lao động, thúc đẩy tăng trưởng. Phải giải ngân hết hơn 630.000 tỷ đồng trong năm nay. Không thể đổ lỗi cho khách quan. “Tại sao cũng cơ chế, chính sách đấy, nhưng có địa phương giải ngân thấp, có địa phương giải ngân cao? Có phải do quan liêu, tiền có mà không xài được? Lần này phải có chế tài mạnh, xử lý để chấm dứt tình trạng giải ngân chậm. Các ngành, địa phương phải chủ động ban hành kế hoạch, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng dự án. Không để vốn đọng, nợ đọng và xử lý việc thủ tục bị đọng nhiều năm không gỡ được” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương cần lựa chọn những dự án lan tỏa tác động đến phát triển kinh tế - xã hội thì tập trung đầu tư vốn. Không phải đợi đến 6 tháng, mà hằng tháng cần họp HĐND các địa phương để xem xét tiến độ, thúc đẩy giải ngân. Kiên quyết xử lý các bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong việc thực thi công vụ. Cần phải công khai, minh bạch với dân trong các phương án đầu tư và giải quyết thỏa đáng chế độ cho người dân. Ngoài ra, công khai trên báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình giải ngân của từng địa phương tốt, xấu, yếu, mạnh để có chế tài xử lý.

TRỊNH DŨNG