Tín dụng chính sách xã hội: Thúc đẩy giảm nghèo bền vững

VIỆT NGUYỄN 16/07/2020 06:24

Hôm qua (15.7), Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22.11.2014 (Chỉ thị 40) của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho rằng, Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa.

Tín dụng CSXH giúp hộ nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình an cư. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Tín dụng CSXH giúp hộ nghèo trên địa bàn huyện Thăng Bình an cư. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Vào cuộc mạnh mẽ

Theo Phó Bí thư Thường Tỉnh ủy Lê Văn Dũng, Chỉ thị 40 đã tác động mạnh mẽ đối với hoạt động tín dụng CSXH của tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, qua đó nâng cao năng lực hoạt động của tín dụng CSXH. UBND tỉnh, các địa phương đã bố trí nguồn vốn ngân sách ủy thác Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam bổ sung nguồn vốn, giúp các hộ nghèo, gia đình chính sách tiếp cận vốn ưu đãi, thúc đẩy mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương tín dụng CSXH của Đảng và Nhà nước để các tầng lớp nhân dân tiếp cận.

“Tín dụng CSXH tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung đang góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Nam sẽ lãnh đạo quyết liệt hơn nữa trong triển khai Chỉ thị 40, bố trí vốn, đưa tín dụng CSXH đến với rộng khắp địa bàn, người dân” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam được tặng Bằng khen của Ban Kinh tế Trung ương; bà Pơ Loong Thị Lai, A Ting Thị Phương Nhung và Zơ Râm Thị Linh được tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Chỉ thị 40 rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với chính sách thiết yếu, kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất. Hằng năm, chính quyền huyện Đại Lộc chuyển 200 - 400 triệu đồng/năm đến Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện để giúp hộ nghèo, các đối tượng chính sách tiếp cận.

Hiện nay, toàn huyện có dư nợ tín dụng CSXH là 336 tỷ đồng, chất lượng tín dụng tốt, duy trì ổn định. Với nguồn vốn lớn và mạng lưới phục vụ sâu rộng, tín dụng CSXH trên địa bàn đã phát huy hiệu quả. Theo đó, giúp 16.159 lượt khách hàng được vay vốn, giúp 5.708 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 1.650 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn, hơn 800 lao động được tạo việc làm mới, xây dựng được 7.860 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây mới gần 260 ngôi nhà cho hộ nghèo.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Ông Lê Hùng Lam - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng CSXH, tăng 4 chương trình so với trước khi có Chỉ thị 40 với tổng dư nợ đạt 4.986 tỷ đồng, hơn 131 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Tăng trưởng tín dụng trong hơn 5 năm qua là 1.772 tỷ đồng (tăng hơn 55%). Tín dụng CSXH được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

Hơn 5 năm, đã giải ngân 7.502 tỷ đồng với gần 241 nghìn lượt hộ vay. Chất lượng tín dụng CSXH được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh đã giảm từ 0,3%/tổng dư nợ vào cuối năm 2014 xuống còn 0,12%/tổng dư nợ tại thời điểm hiện nay. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04%, vốn Nhà nước giao ngày càng phát huy hiệu quả.

Quảng Nam đề xuất Chính phủ cân đối đủ nguồn lực để thực hiện tốt các chương trình tín dụng CSXH như bố trí nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm đáp ứng nhu cầu trong nhân dân; nâng mức cho vay đối với chương trình hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn lên tối đa 100 triệu đồng/hộ. Cùng với đó, cho phép tiếp tục thực hiện chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo khi hết thời hạn quy định. Các bộ, ngành khi xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách có liên quan đến tín dụng CSXH cần phối hợp đồng bộ, tính toán bố trí đủ nguồn lực để kịp thời triển khai thực hiện, giúp Ngân hàng CSXH thực hiện tốt các chính sách tín dụng mới.

VIỆT NGUYỄN