Bảo tồn rùa biển Cù Lao Chàm
Vùng biển Cù Lao Chàm từng được biết đến là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển, nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây sự xuất hiện của loài này ngày càng hiếm hoi. Bảo tồn rùa biển trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm phục hồi và phát triển loài sinh vật này.
Cứu hộ rùa
Sáng qua 14.7, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thả về môi trường tự nhiên khu vực Bãi Bấc (Cù Lao Chàm) cá thể rùa thuộc loài vích sau 5 tháng được chăm sóc và điều trị tại Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển.
Đây là con vích được ngư dân xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) phát hiện trong tình trạng kiệt sức. Sau khi tiếp nhận thông qua Chi cục Thủy sản Quảng Nam, Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển tiến hành kiểm tra kỹ thuật và làm các xét nghiệm y tế, kết quả cho thấy cá thể này bị tắt cổ họng do ăn dầu thải, không có khả năng tiếp nhận thức ăn. Sau 5 tháng được chăm sóc đặc biệt, cá thể vích đã hồi phục hoàn toàn, đồng thời tăng 3,5kg (lên 13,5kg so với ban đầu).
Giữ nguyên trạng khu vực Bãi Bấc để bảo tồn rùa
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, từ năm 2017 địa phương xây dựng quy hoạch ưu tiên giữ nguyên trạng khu vực Bãi Bấc (dài khoảng 600m) để bảo tồn rùa biển. Các hoạt động kinh doanh buôn bán khu vực này đã được tính toán, bố trí ở một nơi khác, kể cả hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản gần đó cũng sẽ bị hạn chế. Thành phố từng bước chuyển đổi sinh kế cho người dân nhằm tạo điều kiện tốt nhất để phục hồi hệ sinh thái rùa biển, cũng như các giá trị tài nguyên Cù Lao Chàm hiện nay và những năm tới.
Trong những năm gần đây, hiện tượng rùa biển bị mắc lưới ngư dân xảy ra ngày càng nhiều tại Cù Lao Chàm và các huyện ven biển của tỉnh. Theo số lượng thống kê của Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng tại Cù Lao Chàm khoảng 30 cá thể rùa biển bị mắc lưới được cộng đồng hiến tặng, 2/3 trong đó bị chết và được sử dụng làm tiêu bản phục vụ công tác truyền thông, giáo dục, các cá thể còn lại được thả về môi trường tự nhiên.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, rùa biển đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đại dương và bãi biển. Tại Việt Nam, hiện có 5 (trong số 7 loài rùa biển trên thế giới) là vích, đồi mồi, đồi mồi dứa, quản đồng và rùa da, hầu hết đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa cao.
“Trước đây, các địa phương ven biển Quảng Nam trong đó có Cù Lao Chàm được biết đến là sinh cảnh sống và sinh đẻ của các loài rùa biển vì có các hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú như san hô, cỏ biển và các bãi cát ven đảo. Nhưng trong vòng 20 năm trở lại đây, các khu vực này không còn ghi nhận sự xuất hiện của rùa biển lên bờ đẻ trứng, một trong những nguyên nhân tác động chính là sự phát triển của du lịch, cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên thay đổi khiến môi trường sinh đẻ của rùa bị tác động” - ông Vũ chia sẻ.
Phục hồi hệ sinh thái rùa biển
Từ năm 2016, TP.Hội An tiến hành quy hoạch lại các phân vùng chức năng biển cho Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, nhằm bảo tồn rùa biển và một số loài sinh vật biển khác, trong đó ưu tiên quy hoạch khu vực biển phía đông bắc Cù Lao Chàm (Bãi Bấc, đảo Hòn Lao, đảo hòn Dài, hòn Lá...) làm khu vực bảo tồn biển nghiêm ngặt các hệ sinh thái biển. Đồng thời một Trạm Cứu hộ động vật hoang dã được thiết lập tại khu vực biển Bãi Bấc để phục vụ cho mục đích cứu hộ những cá thể rùa biển, cá heo… Đặc biệt, đơn vị cũng tiến hành thực hiện giải pháp bảo tồn chuyển vị trứng rùa biển từ Vườn Quốc gia Côn Đảo về quản lý, ấp nở và thả về đại dương.
Tháng 8.2017, Ban Quản lý Khu sinh quyển và Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm tiến hành vận chuyển đợt đầu tiên 450 trứng rùa biển đã được ấp khoảng 40 ngày từ Côn Đảo đưa về Cù Lao Chàm. Mặc dù cự ly vận chuyển xa nhưng tỷ lệ trứng nở vẫn đạt hơn 95%. Đến nay, hơn 2.000 trứng rùa từ Côn Đảo đã được chuyển về ấp nở tại Cù Lao Chàm với tỷ lệ trứng nở thành công hơn 90%. Cù Lao Chàm trở thành nơi đầu tiên ở Việt Nam thực hiện bảo tồn chuyển vị đối với loài rùa biển. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Vũ thừa nhận, do chưa có công nghệ và kinh phí theo dõi rùa sau khi thả về biển nên hiện vẫn không thể thống kê tỷ lệ sống của rùa con ấp nở sau khi thả về biển suốt 3 năm qua.