Quy hoạch xây dựng khu du lịch quốc gia Cù Lao Chàm: Nhiều tiêu chí không phù hợp
Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (Quyết định phê duyệt số 2350/QĐ-TTg ngày 24.12.2014 của Thủ tướng Chính phủ), định hướng năm 2020 Cù Lao Chàm (cùng 8 khu khác) sẽ trở thành khu du lịch quốc gia. Tuy nhiên, tới nay mục tiêu trên khó thành hiện thực.
Khó đạt
Theo quy hoạch nêu trên, đến năm 2020 tầm nhìn 2030 Chính phủ sẽ tập trung đầu tư phát triển 9 khu du lịch quốc gia, gồm: Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Sơn Trà, Bà Nà (Đà Nẵng), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Bắc Cam Ranh (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận) và Mũi Né (Bình Thuận).
Tại Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP.Hội An), thời gian qua nhiều nguồn lực từ các chương trình Biển Đông hải đảo, nông thôn mới và ngân sách Hội An… đã ưu tiên đầu tư phát triển xã đảo theo định hướng du lịch sinh thái bền vững, đạt được một số kết quả. Tuy vậy, mục tiêu xây dựng Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia dường như còn khá xa vời.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương – Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp thừa nhận, rất khó đạt được mục tiêu trên, mặc dù các công trình hạ tầng, cầu cảng, điện đường trên đảo không ngừng được hoàn thiện.
Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31.12.2017 về quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch nêu rõ, điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ chất lượng cao, đồng bộ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500 nghìn lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300 nghìn lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó cơ sở lưu trú phải được công nhận hạng từ 4 sao trở lên.
Theo bà Hương, việc xây dựng khu du lịch quốc gia Cù Lao Chàm được xã xác định là lộ trình dài, ưu tiên hiện nay vẫn là phát triển Cù Lao Chàm theo hướng sinh thái bền vững. “Theo quy định, khu du lịch quốc gia một năm phải đón ít nhất 500 nghìn lượt khách, trong khi chúng ta đang khống chế số khách tham quan đảo mỗi ngày 3.000 lượt, chưa kể cơ sở hạ tầng trên đảo hiện vẫn chưa hoàn thiện, cho nên về căn bản Cù Lao Chàm chưa sẵn sàng cho mục tiêu này. Vấn đề hiện nay là phải giải quyết hài hòa bài toán bảo tồn và phát triển của khu dự trữ sinh quyển, hướng tới xây dựng Cù Lao Chàm trở thành điểm đến hấp dẫn, làm căn cơ để tính đến chuyện khác lớn hơn” - bà Hương chia sẻ.
Cần tiêu chí riêng
Có thể thấy, với đặc thù của một khu dự trữ sinh quyển thế giới, rất khó để Cù Lao Chàm trở thành khu du lịch quốc gia nếu không có những tiêu chí chuyên biệt.
Ông Nguyễn Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho rằng, Chính phủ nên có tiêu chí riêng cho Cù Lao Chàm, bởi với những quy định của khu du lịch quốc gia thì Cù Lao Chàm khó thể đáp ứng được, nhất là các tiêu chí về hạ tầng, giao thông, dịch vụ, lượng khách, cơ sở lưu trú…
“Với những khu du lịch khác, điều này khá thuận lợi, nhưng nếu áp dụng cho Cù Lao Chàm thì chưa phù hợp vì phải tuân thủ quy chế bảo vệ nghiêm ngặt theo các công ước quốc tế và những quy định của Nhà nước đối với khu dự trữ sinh quyển và khu bảo tồn biển. Thiết nghĩ các cơ quan chuyên môn thẩm quyền cần nghiên cứu tiêu chí phù hợp để xây dựng Cù Lao Chàm thành khu du lịch quốc gia nhưng vẫn đảm bảo những yêu cầu của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Thời gian qua, Hội An đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị UBND tỉnh kể cả đề nghị Sở VH-TT&DL, Viện Quy hoạch (Bộ VH-TT&DL) nhưng đến nay vẫn chưa thấy phản hồi” - ông Lanh nói.
Theo ông Lanh, việc xây dựng Cù Lao Chàm thành khu du lịch quốc gia là cần thiết nhưng nếu không giải quyết được khung tiêu chí thì khó thể triển khai các bước tiếp theo. Ngoài ra, cũng đến lúc các bên liên quan cần phân định rõ chức năng bảo tồn và phát triển Cù Lao Chàm, khu vực nào là quốc phòng, khu nào bảo vệ sinh quyển, khu nào phát triển kinh tế nhằm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư phát triển Cù Lao Chàm.
“Chúng ta bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên nhưng bảo tồn như thế nào? Đừng nghĩ xây dựng bê tông là không bảo tồn, vấn đề là xây dựng nó sao cho hợp lý, vì nếu Cù Lao Chàm phát triển theo hướng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp thì phải có những dịch vụ cao cấp, vấn đề quan trọng ở đây là nhà quy hoạch phải tính toán như thế nào để không phá vỡ tác động đến môi trường sinh thái và đa dạng sinh học” - ông Lanh nói.