Tìm hướng đi cho du lịch Điện Bàn
(QNO) - Du lịch Điện Bàn nằm đâu trong tam giác du lịch với 2 thành phố Đà Nẵng - Hội An? Vấn đề được đặt ra trong buổi tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch Điện Bàn giai đoạn 2021 - 2025” chiều 8.7. Tuy nhiên, câu hỏi dường như vẫn chưa có lời giải.
Vướng cơ chế, thủ tục
Sở hữu nhiều lợi thế về tự nhiên, nhân văn, đặc biệt nằm trên con đường di sản kết nối đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, nhưng suốt nhiều năm phát triển du lịch Điện Bàn khá hạn chế.
Báo cáo từ Phòng VH-TT thị xã Điện Bàn cho thấy, từ năm 2015 - 2019 tốc độ tăng trưởng khách du lịch tại địa phương khá chậm. Nếu như 2015 thị xã đón hơn 31 nghìn lượt khách lưu trú, thì 5 năm sau chỉ tăng thêm khoảng 10 nghìn lượt, đạt 41 nghìn lượt vào năm 2019.
Tại buổi tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch Điện Bàn giai đoạn 2021 - 2025”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng phòng VH-TT thị xã Điện Bàn thừa nhận, mặc dù thời gian qua nhiều hạng mục du lịch đã được đầu tư nâng cấp, đưa vào hoạt động như Khu bãi tắm Hà My, Bảo tàng Điện Bàn, Khu du lịch nhà vườn Triêm Tây, Nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, Nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, Nhà lưu niệm Tổng đốc Hoàng Diệu... nhưng hiệu quả vẫn khiêm tốn.
Nguyên nhân của những hạn chế trên xuất phát từ công tác quy hoạch du lịch còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác đầu tư cho tuyên truyền, quảng bá chưa đúng mức, nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng và sản phẩm du lịch chưa tương xứng; sản phẩm du lịch nghèo nàn. Các điểm tham quan di tích lịch sử chủ yếu mới dừng lại ở hoạt động giáo dục truyền thống địa phương, chưa trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhận thức của người dân địa phương về phát triển du lịch còn thấp; liên kết vùng chưa được chú trọng…
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, đây là những tồn tại, hạn chế mà du lịch Điện Bàn đối mặt nhiều năm qua. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ trên chính là vướng mắc về cơ chế, thủ tục đầu tư. Hậu quả, một số dự án ven biển, làng nghề vướng giải phóng mặt bằng không thể triển khai được.
“Doanh nghiệp rất sẵn sàng, họ sắp hàng chờ, chỉ cần xong thủ tục là đầu tư ngay. Nhưng ngặt một số thủ tục khó thể tháo gỡ được mặc dù Điện Bàn luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Hà nói.
Tìm cách tháo gỡ
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, Điện Bàn phải xây dựng hướng đi khác biệt với các địa phương lân cận để tạo lợi thế trong cạnh tranh, nhất là thời điểm hậu Covid-19 khi xu hướng du lịch đã thay đổi. Vì vậy, vấn đề cốt lõi của Điện Bàn bây giờ là xây dựng sản phẩm du lịch như thế nào để tạo sự khác biệt. Nếu không có kế hoạch cụ thể sẽ rất khó khăn.
“Nếu chúng ta xác định Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn là vùng lõi thì Điện Bàn phải là điểm du lịch vệ tinh. Do đó phải xây dựng sản phẩm không trùng lặp, hướng tới tăng cường du lịch trải nghiệm, lưu trú; phải xây dựng Điện Bàn trở thành một điểm đến thực thụ chứ không chỉ là điểm viếng thăm của du khách như lâu nay” - ông Thủy gợi ý.
Để làm được điều này, cần thúc đẩy các lợi thế về bãi biển, ruộng đồng, nông thôn và sông Cổ Cò; xây dựng các bãi biển Hà My, Viêm Đông, Thống Nhất thành các khu vực “kinh tế đêm” biến thành vạch nối hoàn hảo cho vệt du lịch Đà Nẵng và Hội An.
“Điện Bàn có một dư địa lớn về nông nghiệp để phát triển các sản phẩm cốt lõi như famstay, homestay, du lịch nông nghiệp, vườn trồng hoa màu hữu cơ… Đây là các sản phẩm dễ làm, chi phí đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn nhanh nên chúng ta có thể tập trung phát triển được. Ngoài ra, cũng cần chú trọng tạo ra các sản phẩm trên tuyến sông Cổ Cò như du thuyền, lưu trú trên thuyền…” - ông Thủy gợi ý thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, với vị trí nằm trên trục tam giác phát triển du lich với 2 địa phương Đà Nẵng - Hội An, vô tình tạo nên cái khó cho địa phương, thậm chí gây lúng túng cho Điện Bàn suốt thời gian qua, nhất là trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng không giống Hội An cũng không giống Đà Nẵng.
“Sắp tới Điện Bàn sẽ tổ chức một hội thảo hoặc hội nghị về du lịch, tại đây chúng tôi sẽ mời các ngành chức năng của tỉnh và UBND tỉnh tham dự nhằm tháo gỡ những nút thắt về cơ chế, thủ tục. Cái nào thuộc về Điện Bàn thì thị xã sẽ xử lý sớm, cái nào thuộc về thẩm quyền của sở, ban ngành, UBND tỉnh thì sẽ đề nghị tỉnh cho chủ trương để thực hiện, có như vậy mới phát triển được du lịch Điện Bàn chứ như hiện nay thì khó” - ông Hà chia sẻ.