Xác lập thương hiệu du lịch Quảng Nam

VĨNH LỘC 09/07/2020 09:34

Vừa tròn 60 năm ngày truyền thống, một quãng thời gian đủ dài để ngành du lịch Việt Nam từ sơ khai vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của đất nước, và trong hành trình phát triển chung đó có sự đóng góp của ngành du lịch Quảng Nam.

Du lịch Quảng Nam đã xác định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ành: V.LỘC
Du lịch Quảng Nam đã xác định vị trí trên bản đồ du lịch Việt Nam. Ành: V.LỘC

Định vị điểm đến

Năm 1997, Sở Thương mại và du lịch Quảng Nam được thành lập, khởi đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, du lịch Quảng Nam chỉ thật sự “bùng nổ” khi Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới (năm 1999). Lượng khách gia tăng đột biến với tỷ lệ bình quân hàng năm 20 - 25%; nhiều loại hình du lịch hấp dẫn gắn với biển đảo, miền núi, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, di sản, du lịch nông nghiệp, làng nghề… được hình thành; một số sản phẩm đặc trưng như “Đêm phố cổ”, “Phố không có tiếng động cơ”, “Một ngày làm nông dân”, “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo”... góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Quảng Nam.

Năm 2019, Quảng Nam đón 7,79 triệu lượt khách tham quan, lưu trú, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 6.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội khoảng 14.570 tỷ đồng. Từ năm 1999 - 2019, quy mô khách đến Quảng Nam tăng 25 lần; số lượng cơ sở lưu trú từ khoảng 300 phòng lên 14.670 phòng (2019) với đầy đủ loại hình lưu trú từ biệt thự du lịch, homestay đến khách sạn 5 sao… Tổng số khách du lịch đến Quảng Nam đứng thứ 2/8 tỉnh, thành vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đặc biệt, khách quốc tế đến Quảng Nam luôn dẫn đầu các tỉnh, thành vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL, đạt được kết quả trên là quá trình dài nỗ lực của các cấp ngành liên quan, nhất là hiệu quả của các giải pháp, chính sách được ban hành kịp thời, qua đó tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy các hoạt động du lịch Quảng Nam phát triển. Từ năm 1999, Tỉnh ủy Quảng Nam đã xác định du lịch là ngành quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế địa phương.

Năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành du lịch đến năm 2015 định hướng đến năm 2020, đồng thời tranh thủ các nguồn lực cho đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ du lịch. Nổi bật là dự án cầu Cửa Ðại và tuyến đường ven biển Ðà Nẵng - Hội An kéo dài vào Núi Thành, góp phần tạo đột phá mạnh mẽ cho du lịch phía nam của tỉnh. Nhiều dự án vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp ven biển như Nam Hội An, Vinpearl Land, Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng… được hình thành, bước đầu giúp dịch chuyển các hoạt động du lịch vào phía nam của tỉnh.

“Ngành du lịch đã không ngừng phát huy vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp để xây dựng Quảng Nam trở thành điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện, hấp dẫn, đồng thời lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp nhằm thu hút khách đến tham quan, lưu trú” - ông Hồng chia sẻ.

Giữ vững thương hiệu

Quá trình phát triển du lịch Quảng Nam, bên cạnh những thành công cũng đối diện nhiều thách thức. Sự mất cân đối du lịch vùng miền, vướng mắc về chính sách, nhàm chán sản phẩm… đã đặt ra bài toán cần giải quyết. Tại TP.Hội An, áp lực từ du lịch lên hạ tầng giao thông, môi trường, xã hội trở nên gay gắt hơn.

Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: V.L
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: V.L

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An, quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách, trật tự văn minh đô thị là những vấn đề trọng tâm mà Hội An thường xuyên chú trọng. “Thời gian tới, Hội An đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng, dịch vụ đón khách gắn với phân luồng, điều tiết giao thông vào khu trung tâm phố cổ và các điểm đến; mở rộng không gian du lịch; ưu tiên phát triển du lịch văn hóa gắn với di sản, du lịch biển đảo, du lịch trải nghiệm và trách nhiệm với môi trường…” - ông Sơn nói.

Ngoài ra, thành phố cũng đang nghiên cứu khai thác tiềm năng thế mạnh về văn hóa ẩm thực, tâm linh, tín ngưỡng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe... nhằm đa dạng sản phẩm phục vụ khách. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm có giá trị tăng cao, lựa chọn thị trường khách chất lượng, gắn với phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, trong tình hình cạnh tranh khách giữa các địa phương hậu Covid-19 như hiện nay, việc định vị thương hiệu điểm đến rất quan trọng. Do đó, sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai như tái cơ cấu thị trường và sản phẩm; xem xét lại các chuỗi cung ứng, vấn đề sử dụng tài nguyên; đặc biệt triển khai những giải pháp, chính sách hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp nhằm phục hồi và thúc đẩy du lịch phát triển.

Quảng Nam xác định du lịch bền vững, du lịch xanh sẽ là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch thời gian tới. Trong đó, phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp, nghiên cứu khai thác loại hình du lịch tàu biển; phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm, hội nghị, sinh thái, các sự kiện thể thao kết hợp du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xây dựng giải pháp để ngành du lịch thay đổi, thích nghi với thị trường sau đại dịch Covid 19.

VĨNH LỘC