Nam Giang: Đột phá hạ tầng, phát huy lợi thế

CÔNG TÚ 09/07/2020 04:32

Triển khai các nhiệm vụ đột phá về hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Giang luôn chủ động thực hiện các phần việc và đã gặt hái được những thành tựu đáng ghi nhận.

Đường vào trung tâm hành chính huyện Nam Giang tại thị trấn Thạnh Mỹ được đầu tư khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ
Đường vào trung tâm hành chính huyện Nam Giang tại thị trấn Thạnh Mỹ được đầu tư khang trang. Ảnh: CÔNG TÚ

Điểm sáng hạ tầng

Nhớ lần tác nghiệp tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của xã La Êê vào một ngày tháng 3.2011, chúng tôi phải “bươn” trên con đường đất nhão nhoẹt, vũng sâu đầy nước, băng qua con dốc đứng nguy hiểm, trơn trượt. Cự ly di chuyển từ quốc lộ 14D (xã La Dê) vào trung tâm xã La Êê dài chỉ chừng 10 cây số, nhưng phải mất hơn 1 giờ đồng hồ sau mới tới nơi. Ngày vui hôm đó, cuộc chia tay ngậm ngùi cũng diễn ra khi Nghị quyết 03/NQ-CP của Chính phủ về thành lập xã Chơ Chun trên cơ sở tách ra từ xã La Êê chính thức được công bố. Như vậy, ngay từ lúc “ra riêng”, Chơ Chun vốn chẳng có đường đất đủ rộng chạy đến nơi định vị trung tâm xã mới, chứ chưa nói chuyện kiên cố hóa mặt đường.

Nhiều năm sau này, câu chuyện xã “6 không”, thiếu điện, đường, trường, trạm, nước sạch và trụ sở làm việc kiên cố cứ đeo bám mãi... Bây giờ trở lại, diện mạo Chơ Chun “lột xác” hoàn toàn với hạ tầng thiết yếu được đầu tư căn bản, mở ra bao vận hội mới cho đồng bào vùng biên xa xôi. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - ông A Viết Sơn chia sẻ, các xã trên địa bàn huyện nay đều có đường ô tô kiên cố đến trung tâm; đường ô tô cũng đã đến 90% số thôn.

Là một trong 3 nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ 2015 - 2020, việc kiến thiết cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới được Nam Giang ưu tiên cải thiện 7 nhóm công trình: kênh mương, thủy lợi; giao thông; trường học; thiết chế văn hóa, thể thao; trạm xá xã; hạ tầng trung tâm hành chính mới huyện; các xã xây dựng nông thôn mới. Tổng nguồn vốn đã thực hiện 737,698 tỷ đồng, tăng so với nhiệm kỳ trước 317,698 tỷ đồng.

Thành quả từ nỗ lực trên tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân giao thương hàng hóa, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống; đảm bảo sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa - thể thao được xây dựng phục vụ tốt hơn điều kiện dạy và học; tạo điều kiện và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cộng đồng; phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, rèn luyện thể chất và tinh thần cho nhân dân.

Ông A Viết Sơn cho biết, điểm nhấn quan trọng phải kể đến là sự định hình của trung tâm hành chính huyện. Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh cùng nỗ lực của địa phương, để hôm nay hệ thống giao thông nội bộ, hàng loạt công trình làm việc của các cơ quan, đơn vị đã khang trang, đáp ứng nhu cầu đón tiếp, phục vụ nhân dân, góp phần thay đổi bộ mặt thị trấn Thạnh Mỹ.

Khai thác thế mạnh

“Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện xác định và đồng sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện cho được 3 nhiệm vụ đột phá, đó là xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và hỗ trợ giảm nghèo cho người dân; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện, xã. Trong đó, nhiệm vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi đã có bước chuyển rất tích cực” - ông Lê Văn Hường, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang chia sẻ.

Đối với lĩnh vực này, Nam Giang chú trọng vào việc rà soát, lựa chọn các loại cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao, khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng để chuyển đổi cơ cấu, đưa vào sản xuất thay thế cho các loại cây, con truyền thống có giá trị kinh tế thấp, kết hợp hỗ trợ phát triển sản xuất gắn liền với thị trường đầu ra. Bằng nguồn lực lồng ghép từ các chương trình và ngân sách huyện, địa phương đã hỗ trợ người dân các loại giống cây ăn quả, cây dược liệu (ba kích tím, đinh lăng), keo Úc, bò và heo cỏ địa phương với kinh phí 43,6 tỷ đồng. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Để từ đây, mô hình phát triển cây ăn quả được triển khai tại 2 xã La Dê và Tà Bhing với 6ha bưởi da xanh và 0,8ha bơ đang sinh trưởng tốt. Ngoài ra, có hơn 1.336ha cao su đại điền trồng tại một số xã được chăm sóc và khai thác hiệu quả, tạo việc làm cho 1.117 lao động trực tiếp.

Theo ông A Viết Sơn, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có bước phát triển cả về số lượng và giá trị sản lượng tạo ra. Đến nay, Nam Giang đã thực hiện quy hoạch, xây dựng hạ tầng từng bước hình thành các cụm công nghiệp thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ) và Cà Đăng (xã Tà Bhing). Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề tìm hiểu đầu tư, trong đó có 7 doanh nghiệp được cấp phép. Chiếm 36,57% trong cơ cấu kinh tế của huyện, thương mại - dịch vụ - du lịch có bước phát triển khá ấn tượng mức tăng bình quân 24,5%/năm.

Ngoài trồng rừng gỗ lớn, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái được chú trọng đầu tư phát triển để “đón đầu” chuỗi liên kết vùng tây bắc Nam Giang - Đông Giang - Tây Giang. Huyện đã xác định rõ quan điểm đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa địa phương và ngược lại, lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa để phục vụ cho du lịch.

Đến Nam Giang, du khách có thể lựa chọn sản phẩm du lịch sinh thái thác G’răng, hay du lịch văn hóa tại làng dệt thổ cẩm Cơ Tu thôn Za Ra (Tà Bhing), xem các đội cồng chiêng biểu diễn, thưởng thức dịch vụ ẩm thực cơm lam, bánh sừng trâu, gà nướng ống, rượu tà vạt... Để khi du khách rời chân khỏi mảnh đất này, những ký ức đẹp sẽ lưu giữ mãi trong tâm trí và hẹn trở lại vào một ngày không xa.

CÔNG TÚ