Điện Bàn: Phát huy thế mạnh, tạo động lực phát triển
Thực hiện nhiệm vụ đột phá gắn phát huy thế mạnh của địa phương, Điện Bàn đã đạt nhiều thành quả trong phát triển kinh tế - xã hội. Để làm tốt hơn thế nữa, thị xã cần phải khắc phục hạn chế, đồng thời tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía.
Khắc phục tồn tại
Vùng đông Điện Bàn được biết đến là nơi gia tăng dân số cơ học rất nhanh, do đó phòng học thiếu hụt trầm trọng. Để giải quyết bài toán trên, thị xã kết nối nguồn lực đầu tư xây dựng trường mới, làm mới nhiều phòng học, phòng chức năng... Đơn cử, tại phường Điện Ngọc, dự án mở rộng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong dự kiến hoàn thành vào tháng 8 năm nay sẽ bổ sung 24 phòng học.
Tính chung 5 năm qua, Điện Bàn huy động và sử dụng nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn với tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 17.391 tỷ đồng (bình quân tăng 13%/năm). Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng với tổng giá trị sản xuất ước thực hiện năm 2020 đạt 36.380 tỷ đồng, gấp 2,04 lần so với năm 2015 (bình quân đạt 11,52%/năm). Thu nhập bình quân đầu người cải thiện đáng kể, nay đạt 58,35 triệu đồng. Lĩnh vực văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng được địa phương chú trọng triển khai đạt kết quả…
Để phát huy thế mạnh sẵn có, Điện Bàn kiến nghị tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT603B; làm đường vành đai Bắc Quảng Nam trên cơ sở đường ĐH7.ĐB nối dài về hai phía biển và kết nối với Đại Lộc, Hòa Vang; xây cầu qua sông Thu Bồn tại xã Điện Quang (cầu Ông Đốc), mở rộng cầu Phong Thử trên tuyến ĐT609. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc nạo vét sông Cổ Cò gắn với xây dựng các cầu qua sông, thu hút đầu tư hình thành các sản phẩm DL khu vực sông này. Quy hoạch, mở các tuyến giao thông thủy để tăng cường năng lực giao thông gắn với phát triển DL...
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Trần Úc thẳng thắn nhìn nhận, quá trình chuyển mình của địa phương còn nhiều tồn tại. Chẳng hạn, nguồn lực cho phát triển công nghiệp (CN) địa phương gặp khó khăn; hạ tầng các cụm CN chưa hoàn thiện, khó thu hút nhà đầu tư vì thiếu mặt bằng sạch. Nắm lợi thế trong mối liên kết đô thị Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An, song thương mại - dịch vụ - du lịch (DL) lại phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Đáng chú ý, công tác lập và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập. Thực trạng vừa đề cập bộc lộ rõ sau khi các dự án nằm trong đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (do Ban Quản lý phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, trực thuộc UBND tỉnh quản lý trước đây) được chuyển giao về cho thị xã quản lý, buộc địa phương phải tập trung giải quyết. Ngoài ra, nhiều vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư khiến dự án đầu tư kéo dài. Tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến giải tỏa, bồi thường đất đai có xu hướng tăng.
Cần thêm đột phá
Ông Trần Úc cho biết, để phát huy thế mạnh sẵn có và khắc phục tồn tại, bất cập, thời gian tới thị xã ưu tiên xây dựng, triển khai thực hiện nghiêm quy hoạch chung xây dựng đô thị Điện Bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (chuẩn đô thị loại 3) theo hướng phát triển xanh, bền vững. Nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, CN. Để đạt mục tiêu này, thị xã phấn đấu hoàn chỉnh hạ tầng (kể cả hệ thống xử lý nước thải) và “lấp đầy” các cụm CN An Lưu, Thương Tín trong 5 năm tới.
Cạnh đó, tạo bước đột phá cả về quy mô và chất lượng dịch vụ bằng việc huy động nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng DL, kết nối không gian giữa các điểm DL gồm tuyến ven biển, ven sông Thu Bồn; hợp tác xây dựng sản phẩm và hệ thống tuyến điểm DL chung Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Mỹ Sơn. Bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện Đề án phát triển DL của thị xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, các xã khu vực Gò Nổi đang hướng xây dựng thành vùng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với DL sinh thái làng quê.
Đặt quyết tâm làm tốt quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, Điện Bàn sẽ xây dựng quy hoạch, kế hoạch và quản lý việc sử dụng đất theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện và kiểm soát chặt chẽ quy trình, thủ tục thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo đúng pháp luật cũng như yêu cầu phát triển của địa phương. Bên cạnh đó, thị xã sẽ cố gắng đầu tư xây dựng nhà máy xử lý bằng công nghệ lò đốt hiện đại gắn với thực hiện tốt việc thu gom, phân loại rác tại nguồn.
Theo chủ trương chung của tỉnh, địa phương còn phối hợp để làm nhà máy xử lý nước thải khu vực vùng đông nhằm phục vụ cho đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Địa phương chủ động ứng phó biến đổi khí hậu ngay trong quy hoạch, đầu tư dự án và trong từng chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, nhất là sản xuất nông nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị từ thị xã đến cơ sở, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.