Không chủ quan với bệnh bạch hầu

CHÂU NỮ 06/07/2020 10:35

Mặc dù từ đầu năm đến nay Quảng Nam chưa xảy ra trường hợp mắc bệnh bạch hầu, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp ở một số tỉnh thành trong nước, ngành y tế Quảng Nam chủ động công tác phòng ngừa.

Tiêm vắc xin phòng bạch hầu mũi 3 tại Duy Xuyên. Ảnh: TRƯỞNG HOA
Tiêm vắc xin phòng bạch hầu mũi 3 tại Duy Xuyên. Ảnh: TRƯỞNG HOA

Bác sĩ Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế cho biết, sở đã yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh bạch hầu. Đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm bệnh để lấy mẫu xét nghiệm, chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để trường hợp mắc (nếu có), tránh lây lan dịch bệnh.

Tiêm vắc xin ngừa bạch hầu miễn phí cho trẻ dưới 7 tuổi

Tin từ Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, Bộ Y tế dự kiến triển khai tiêm miễn phí vắc xin ngừa bạch hầu cho trẻ dưới 7 tuổi bị sót hoặc tiêm thiếu mũi này, để tăng tác dụng bảo vệ của vắc xin. Những năm qua, trẻ em trên toàn quốc được tiêm miễn phí mũi “5 trong 1” có bạch hầu là trẻ dưới 2 tuổi, nhưng do đây vẫn là bệnh lưu hành, khi tỷ lệ tiêm chủng giảm hơn, đối tượng dễ bị tác động lại là trẻ lớn. Vì thế, Việt Nam đang nghiên cứu bổ sung mũi tiêm bạch hầu cho trẻ em. Ngoài 3 mũi tiêm cơ bản, sẽ khuyến cáo tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi và 7 tuổi.

“Sở Y tế chỉ đạo chú trọng công tác truyền thông phòng chống dịch và tiêm chủng trên địa bàn; phối hợp ngành giáo dục triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh cũng như chủ động dự phòng đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị, vật tư… để đảm bảo công tác phòng chống dịch và điều trị, điều trị dự phòng, xử lý môi trường trong trường hợp có dịch xảy ra” - bác sĩ Nguyễn Văn Hai nói.

Bác sĩ Trần Văn Kiệm - Giám đốc CDC Quảng Nam thông tin, ngoài tổ chức tiêm nhắc vắc xin bạch hầu mũi 3 cho người dân xã Duy Nghĩa và Duy Hải (Duy Xuyên) trong tháng 6 vừa qua, CDC chỉ đạo 18/18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tăng cường triển khai vắc xin có thành phần bạch hầu, ho gà, uốn ván trong tiêm chủng mở rộng; chú trọng rà soát đảm bảo trẻ em dưới 1 tuổi tiêm đủ 3 liều vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Quảng Nam phấn đấu đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt chỉ tiêu 95%.

“Tiêm chủng đầy đủ, phát hiện sớm, điều trị kịp thời giúp phòng chống hiệu quả bệnh bạch hầu. CDC Quảng Nam chỉ đạo rà soát và tổ chức tiêm bù cho trẻ trên 1 tuổi chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ vắc xin phòng các bệnh nêu trên trong tháng 7 và 8.2020” - bác sĩ Kiệm nói.

Tại các huyện miền núi, công tác tuyên truyền phòng chống dịch đã và đang được tăng cường. Bác sĩ Đặng Xuân Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn cho biết, trong phiên giao ban với các trạm y tế xã vào cuối tuần qua, lãnh đạo đơn vị yêu cầu các trạm y tế rà soát toàn bộ công tác tiêm chủng trên địa bàn. Phát hiện trường hợp có biểu hiện sốt, ho, đau họng hoặc khàn tiếng, phải kiểm tra kỹ lưỡng, nếu nghi ngờ phải báo trung tâm để cử người giám sát và kiểm tra.

Khuyến cáo phòng chống bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết. Bệnh có những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, người dân cần đưa trẻ tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu: ComBe Five hoặc DPT-VGB-Hib (SII), Td (uốn ván - bạch hầu) đầy đủ, đúng lịch (khi trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ được 18 tháng tuổi). Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng)

CHÂU NỮ