Nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật
Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC) vừa phối hợp với Ban Quản lý dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình đưa vào sử dụng nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Viện trưởng ACDC cho hay: “Nhà trung chuyển là mô hình cuối cùng của cả một chuỗi phục hồi chức năng cho bệnh nhân khuyết tật. Theo đó, người khuyết tật, bệnh nhân là người khuyết tật có thể thực hành các hoạt động hàng ngày để sống một cách độc lập khi trở về ngôi nhà của mình. Đồng thời có thể tự di chuyển từ xe lăn vào giường, nấu ăn, tắm giặt, vệ sinh, với sự hỗ trợ rất ít từ người chăm sóc. Mô hình này được xây dựng tại Trung tâm Y tế huyện nên sẽ mang tính bền vững cao vì được sử dụng 100% công suất và có sự chi trả của bảo hiểm y tế”.
Nhà trung chuyển được xây dựng với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua dự án “Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật” do ACDC thực hiện. Nhà trung chuyển tại Quảng Nam được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Y tế huyện với diện tích 80m2, ngay cạnh khu vực tập và điều trị phục hồi chức năng, thuận tiện cho bệnh nhân và người khuyết tật tập luyện và phục hồi. Để đảm bảo người bệnh có thể tiếp cận tối đa, nhà trung chuyển đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về y tế và kỹ thuật xây dựng. Các hoạt động thực hiện trong nhà trung chuyển tập trung vào thực hành thành thục chức năng sinh hoạt cơ bản mà trước đó đã được tập luyện tại khoa phục hồi chức năng như di chuyển, tự mặc quần áo, ăn uống, nấu ăn, vệ sinh cá nhân và các hoạt động tham gia cộng đồng khác.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay: “Đây là nhà trung chuyển đầu tiên của Quảng Nam. Mong rằng dự án triển khai hiệu quả, sau đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Thời gian đến, Trung tâm Y tế huyện phải tiến hành đầu tư, bổ sung những hạng mục, công trình mới để phục vụ tốt hơn cho người dân có nhu cầu”.
Bà Võ Thị Tình (khu phố 9, thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) bị bệnh khớp lâu nay, di chuyển vất vả. Vậy mà sau 4 đợt điều trị tại nhà trung chuyển dành cho người khuyết tật (mỗi đợt kéo dài 10 ngày), hiện bà Tình đã có thể di chuyển, đi lại thuận tiện hơn. Bà chia sẻ: “Khi chưa có nhà trung chuyển, bản thân tôi không biết cách luyện tập để bệnh tật có thể thuyên giảm. Bây giờ được nhập viện vào đây, mỗi ngày tôi đều cố gắng luyện tập các động tác như đạp xe, đi bộ lên các bậc thang. Nhờ vậy, tôi đã cải thiện được 30% sức khỏe”.
Còn ông Nguyễn Văn Lượm (thôn Châu Lâm, xã Bình Trị) bị liệt cả hai tay, đi nhiều nơi, các bác sĩ ở bệnh viện khuyên ông nên luyện tập để phục hồi dần, nếu không sẽ phẫu thuật. “Vào nhà trung chuyển được 30 ngày, tôi được các y, bác sĩ hướng dẫn luyện tập những động tác khó mà bấy lâu chưa thực hiện. Tôi đã đặt ra mục tiêu cố gắng luyện tập dù kéo dài thời gian lâu hơn nữa, chỉ mong đôi tay hoạt động lại bình thường” - ông Nguyễn Văn Lượm nói.