Việt Nam nằm trong nhóm phục hồi sản xuất nhanh nhất châu Á
(QNO) - Theo hãng tin tài chính Bloomberg, các chỉ số của các nhà quản lý mua hàng sản xuất của châu Á trong tháng 6 xuất hiện những tia hy vọng phục hồi ở hầu hết nền kinh tế khu vực.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan - những quốc gia và vùng lãnh thổ sản xuất hàng đầu khu vực cải thiện đôi chút nhưng vẫn ở dưới mức 50 - tức ranh giới giữa sự co cụm và mở rộng.
Trong khi đó, sản lượng nhà máy ở Việt Nam và Malaysia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 1 và tháng 12, trước khi dịch bệnh Covid-19 do vi rút corona gây ra lan rộng trong khu vực. Bloomberg cho biết, PMI của Việt Nam là 51,1.
PMI của Indonesia tăng gần 11 điểm - mức tăng cao nhất kể từ ít nhất là năm 2011 nhưng vẫn dưới 50. Ấn Độ cũng đi theo một quỹ đạo tương tự, tăng mạnh từ tháng 5 nhưng vẫn giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp.
PMI của Caixin Trung Quốc - một chỉ số tập trung nhiều hơn vào các công ty định hướng xuất khẩu nhỏ hơn, tăng trong tháng 6 lên 51,2 từ mức 50,7. Một báo cáo khác từ Trung Quốc vừa được công bố cho thấy, PMI chính thức cho hoạt động của nhà máy Trung Quốc tăng từ 50,6 trong tháng 5 lên 50,9 trong tháng 6, được hỗ trợ từ nhu cầu bên ngoài. Một số nền kinh tế như Australia trải qua sự phục hồi mạnh mẽ ban đầu khi giãn cách xã hội được nới lỏng.
Kinh tế trưởng Bloomberg Economics châu Á - Chang Shu cho biết, thị trường tài chính tăng điểm trong quý II nhờ vào việc mở cửa trở lại, nới lỏng giãn cách xã hội trên toàn cầu, sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và tái tạo tiêu dùng.
Tuy nhiên, thất bại trong việc kiểm soát sự bùng phát vi rút corona mới ở nhiều quốc gia, bao gồm Mỹ đã kìm chế sự phục hồi của PMI. Như Nhật Bản vẫn còn bị ảnh hưởng rất sâu.
Hơn nữa, xuất khẩu trong khu vực đang hướng đến kết quả tồi tệ trong nhiều năm trở lại đây, ngay cả khi việc nới lỏng để mở đường cho sự phục hồi dần dần.
Bloomberg Economics dự báo kinh tế toàn cầu suy thoái 4,7% trong năm nay. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vừa dự báo tăng trưởng kinh tế của châu Á ở mức âm 1,6% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19 ngày càng tăng.
Do vậy, GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam đạt mức tăng trưởng 1,81%, được các chuyên gia kinh tế quốc tế khen ngợi Việt Nam như một điển hình ở châu Á trong tăng trưởng kinh tế.