Tiếp cận mới về phát triển du lịch

VĨNH LỘC 02/07/2020 14:23

Làm mới sản phẩm, hướng về thiên nhiên cộng đồng, định danh lại thương hiệu… là một trong những mục tiêu mà du lịch Quảng Nam hướng đến sau đại dịch Covid-19.

Du lịch Quảng Nam cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng bền vững hơn. Ảnh: V.LỘC
Du lịch Quảng Nam cần thay đổi cách tiếp cận theo hướng bền vững hơn. Ảnh: V.LỘC

Thân thiện môi trường

Nhiều năm qua, du lịch Quảng Nam phát triển dựa trên nền tảng chính là 2 di sản văn hóa thế giới cùng những lợi thế về thiên nhiên, biển đảo. Trong đó, Hội An với không gian phố cổ chiếm khoảng 70% tổng lượng khách đến tham quan lưu trú toàn tỉnh. Từ sau đại dịch Covid-19, xu hướng du lịch của phần lớn du khách đã thay đổi theo hướng thích thiên nhiên và ít đến chỗ đông người.

Một khảo sát mới đây của Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) phối hợp cùng báo điện tử VnExpress tổ chức, kết quả cho thấy nhu cầu du lịch biển khá cao (67%), tiếp đến là du lịch thiên nhiên (56%). Cùng với đó, 36% khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh và 32% lựa chọn những nơi có an ninh an toàn.

Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, đây là xu hướng tất yếu trong những năm đến. Vì vậy, Quảng Nam phải xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù hướng tới mục tiêu kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Gắn với đó là các chương trình hành động như bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả và tái tạo tài nguyên; tuần hoàn chất thải; sử dụng sản phẩm hữu cơ, thân thiện; tuân thủ quy luật tự nhiên; giảm áp lực đến di sản…

“Du lịch xanh, thân thiện không chỉ giúp quản lý điểm đến, tạo ra các sản phẩm du lịch bền vững mà còn giúp phát triển du lịch trách nhiệm, trong đó việc quản lý nước, chất thải, giảm sử dụng nhựa một lần cũng chính là mở ra hướng đi mới, góp phần cải thiện sinh kế cho cộng đồng, bảo tồn giá trị di sản và văn hóa truyền thống; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” - ông Thanh phân tích.

Thực tế, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm không phải mới mẻ, nhất là trước những thách thức về biến đổi khí hậu đang ngày càng gay gắt như hiện nay. Thời gian qua, trong các chương trình hội thảo, tọa đàm về phát triển du lịch đều đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, trong tình hình hậu Covid-19, sự thay đổi về sản phẩm và cách tiếp cận về phát triển du lịch càng được quan tâm nhiều hơn nhằm phù hợp với thị  trường khách nội địa.

Cách tiếp cận mới

Mặc dù gây ra nhiều thiệt hại cho ngành du lịch, nhưng không thể phủ nhận hậu dịch Covid-19 cũng là thời điểm thích hợp để ngành du lịch Quảng Nam tái cơ cấu thị trường, sản phẩm, xem xét lại các chuỗi cung ứng, vấn đề sử dụng tài nguyên bền vững.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL, du lịch xanh, du lịch bền vững là mục tiêu đồng thời là giải pháp căn cơ đối với Quảng Nam trong tương lai, đồng thời cũng phù hợp với xu hướng phát triển của du lịch thế giới. “Du lịch bền vững sẽ là kim chỉ nam để xây dựng các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch Quảng Nam thời gian đến. Trong đó, ứng dụng công nghệ là một giải pháp bắt buộc, hiệu quả để ngành du lịch thay đổi, thích nghi với nhịp đập thị trường sau đại dịch Covid-19” - ông Hồng nói.

Trong hội thảo “Tái cơ cấu thị trường khách du lịch Quảng Nam” diễn ra mới đây, ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhìn nhận, đại dịch Covid-19 không chỉ tạo ra khủng hoảng mà cũng tạo ra cơ hội để thay đổi cách thức tiếp cận nhằm xây dựng lại ngành du lịch theo một cách thức khác, bền vững hơn, kiên cường hơn. Và, Quảng Nam, nơi tiên phong trong công tác bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững, chính là nơi thích hợp để thực hiện những nhiệm vụ này.

“Đây là dịp để các bên liên quan khảo sát lại chuỗi cung, nguồn năng lượng và cách thức quản lý rác thải. Đặc biệt là thời cơ để cập nhật kế hoạch quản lý khu di sản và hiện đại hóa các chiến lược. Riêng đối với du lịch đại trà đang không bền vững như trước thì đây là cơ hội để Quảng Nam thiết kế lại các sản phẩm du lịch và những trải nghiệm du lịch, làm cho những trải nghiệm du lịch đó hấp dẫn hơn với những vị khách luôn tìm kiếm những kỳ nghỉ đặc biệt tại những địa danh đặc biệt” - ông Michael Croft gợi ý.

Theo ông Michael Croft, đã đến lúc chú trọng vào phương thức tiếp cận du lịch mang lại giá trị cao, trong đó coi lượng khách du lịch quay lại và mức chi tiêu lớn là một chỉ số để đánh giá sự thành công của phát triển du lịch, chứ không phải với số lượng khách du lịch tăng lên. Cách tiếp cận này có thể giúp ổn định kinh tế và dễ dự báo về kết quả tăng trưởng kinh tế hơn, đồng thời giúp hạn chế những tác động tiêu cực từ ngành du lịch đối với xã hội và môi trường. Đổi lại, các chương trình nhấn mạnh vào các sản phẩm, trải nghiệm hay hình ảnh văn hóa mới sẽ làm tăng chất lượng du lịch.

VĨNH LỘC