Châu Âu trong cuộc chạy đua chinh phục không gian
(QNO) - Cuộc đua chinh phục không gian đang nóng lên. Liên minh châu Âu (EU) sẽ thúc đẩy các vụ phóng tên lửa, vệ tinh và thám hiểm nhằm theo kịp chương trình không gian của Mỹ và Trung Quốc.
Trong những thập kỷ qua, EU nỗ lực xây dựng các chương trình tiếp cận vào không gian một cách độc lập với các nhà tiên phong Mỹ và Nga để thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ.
Nổi bật phải kể đến thành công phát triển tên lửa đẩy Ariane hay hệ thống định vị toàn cầu Galileo của EU - đối thủ của hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Trong đó, tên lửa Ariane ra đời cách đây 40 năm cho phép châu Âu giữ vai trò độc lập trong cuộc đua hàng không vũ trụ.
Vào đầu năm nay, EU thông báo sẽ đầu tư 200 triệu euro cho việc phát triển hệ thống tên lửa Ariane-6 và hỗ trợ các công ty công nghệ vũ trụ có quy mô vừa và nhỏ.
Sự xuất hiện gần đây của đối thủ SpaceX - tập đoàn công nghệ khai phá không gian (Mỹ) với các tên lửa có thể tái sử dụng, cũng như việc tàu thăm dò của Trung Quốc hạ cánh xuống vùng khuất của mặt trăng vào cuối năm ngoái càng tạo thêm tính cấp bách cho EU trong cuộc đua chinh phục không gian.
Ngày 28.6 vừa qua, Ủy viên EU phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton nói với Reuters: “Không gian là một trong những điểm mạnh của châu Âu và chúng tôi tự mình có thể tăng tốc trong chương trình không gian”. Ông Thierry Breton cũng cho biết, lần đầu tiên ngân sách EU sẽ được sử dụng để hỗ trợ công nghệ mới để phóng tên lửa, bao gồm cả tên lửa tái sử dụng.
Qua đó, EU sẽ lần đầu tiên ký thỏa thuận trị giá 1 tỷ euro với Arianespace - công ty cổ phần của Pháp chuyên khai thác các hệ thống phóng của Cơ quan không gian EU với các đơn đặt hàng để phát triển chương trình không gian, công nghệ phóng mới.
Ông Breton cho hay SpaceX thiết lập các tiêu chuẩn cho các bệ phóng, vì vậy phát triển Ariane-6 là một bước cần thiết trong cuộc đua đó. Nhưng đây không phải là mục đích cuối cùng: EU phải bắt đầu nghĩ về Ariane-7.
Ông Breton cũng mong đợi Ủy ban EU sẽ cung cấp 16 tỷ euro cho chương trình không gian trong ngân sách tiếp theo, trong đó có Quỹ không gian châu Âu trị giá 1 tỷ euro để thúc đẩy các khởi nghiệp không gian…
Cạnh đó là việc triển khai một thế hệ vệ tinh mới được cho “hiện đại nhất thế giới”, có thể cung cấp các tín hiệu chính xác hơn hay có đường truyền truy cập internet tốc độ cao cho tất cả người châu Âu. EU bắt đầu làm việc với hệ thống quản lý không gian để tránh va chạm với các vệ tinh và các vật phẩm khác trên quỹ đạo.
Mới đây, EU hoãn việc phóng vệ tinh Sentinel-6 đến tháng 11.2020 do đại dịch Covid-19. Đây là một phần của chương trình Copernicus theo dõi bầu khí quyển và mực nước biển dâng cao. Các nhà khoa học của Cơ quan vũ trụ châu Âu nhấn mạnh rằng giám sát biến đổi khí hậu bằng công nghệ vũ trụ là rất quan trọng để đạt được tính trung lập các bon vào năm 2050.
Tại châu Âu, ngành công nghiệp vũ trụ sử dụng 230 nghìn việc làm và tạo ra 8 tỷ euro trong sản xuất thiết bị, 60 tỷ euro bằng cách bán dữ liệu và dịch vụ.