Hệ lụy xe quá tải
Đang cao điểm mùa xây dựng, xe tải chạy khắp nơi, ngược xuôi trên nhiều tuyến đường để vận chuyển nguyên vật liệu, thiết bị thi công các công trình. Quan sát cho thấy, phương tiện chở vật liệu quá tải trọng vẫn chạy, cùng với đó là hành vi cơi nới kích thước thành, thùng xe diễn biến phức tạp.
Ghi nhận tuyến đường ĐT609, đoạn nối giữa Đại Lộc với Điện Bàn mới hoàn thành nâng cấp, mở rộng chưa lâu thì nay đã bị nứt nẻ ở nhiều vị trí. Người dân bức xúc lên tiếng, đây rõ ràng là hậu quả của những chuyến xe chở xi măng xuyên đêm có tổng tải trọng lên đến hàng trăm tấn.
Còn ban ngày, hàng nghìn lượt xe tải chở cát từ các mỏ ở Đại Lộc nhìn thấy “ngọn”, cộng với nước từ trong cát chảy xuống càng khiến cho mặt nền dễ hư hỏng. Cung đường quốc lộ 14H không phải là ngoại lệ với xe từ các mỏ vật liệu ở Đại Lộc, Duy Xuyên chạy qua làm nền, mặt đường nứt gãy, cát rơi vãi ô nhiễm môi trường.
Tại nhiều địa phương khác, các mỏ vật liệu cũng là nơi xuất hành của xe quá tải. Tài xế bất chấp quy tắc an toàn giao thông (ATGT) đã phóng nhanh kiếm chuyến, bóp còi inh ỏi làm cho người đi xe máy phải giật mình, dẫn đến không giữ vững được tay lái.
Nhà chuyên môn cho biết, xe quá tải là cách nói ngắn gọn của xe quá trọng tải. Trọng tải được hiểu là khả năng chịu nặng tối đa cho phép về mặt kỹ thuật của phương tiện vận chuyển. Trọng tải của xe được công bố trong tài liệu kỹ thuật của xe. Việc xử phạt xe vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) được dựa trên giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe. Người có thẩm quyền sẽ xem xét giấy chứng nhận này để có căn cứ ra quyết định xử phạt xe quá tải. Phân tích về hệ lụy, việc để xe chở quá tải thường xuyên sẽ khiến cho xe nhanh bị hao mòn, xuống cấp, mất ATGT nghiêm trọng; về lâu dài gây hư hỏng các tuyến đường khi liên tục bị “cày nát”.
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định đối với lỗi xe ô tô chở hàng vượt trọng tải thì chủ xe cũng phải chịu trách nhiệm song song với tài xế. Theo điều 24 và điều 30 của nghị định này, lái xe chở quá tải 10 - 30% sẽ bị phạt tiền 800 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, chủ xe bị phạt 2 - 4 triệu đồng. Lái xe chở quá tải hơn 30 - 50% bị phạt tiền 3 - 5 triệu đồng, riêng chủ xe bị phạt 6 - 8 triệu đồng. Tài xế bị phạt tiền 5 - 7 triệu đồng nếu chở quá tải hơn 50 - 100%, trong khi đó chủ xe bị phạt nặng hơn với 14 - 16 triệu đồng. Trường hợp chở quá tải hơn 100 - 150% sẽ phạt tiền lái xe 7 - 8 triệu đồng, chủ xe 16 - 18 triệu đồng; chở quá tải hơn 150% thì mức phạt 8 - 12 triệu đồng đối với lái xe, 18 - 20 triệu đồng đối với chủ xe.
Mức phạt nêu trên là đối với chủ xe là cá nhân, còn chủ xe là tổ chức bị phạt gấp đôi. Ngoài bị phạt tiền, tài xế còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 5 tháng. Có thể nói, mức phạt quy định là rất cao nhưng nhiều người vẫn bất chấp, cố tình vi phạm. Vì vậy, lực lượng chức năng cần quyết liệt vào cuộc tuần tra, xử lý, góp phần đảm bảo ATGT hiệu quả.