Phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Giang: Vẫn còn nhiều nút thắt

CÔNG TÚ 29/06/2020 12:57

Những khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Đông Giang như chưa có trạm biến áp đảm bảo nguồn điện, cơ chế chính sách giảm nghèo chưa sát thực tế... rất cần sự quan tâm vào cuộc tháo gỡ từ các cấp, ngành có thẩm quyền.

Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang khi đưa vào vận hành sẽ thiếu điện trầm trọng. Ảnh: C.T
Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang khi đưa vào vận hành sẽ thiếu điện trầm trọng. Ảnh: C.T

Gặp khó về điện

“Nguồn điện các huyện Đông Giang và Tây Giang đang sử dụng hiện nay được kéo từ Trạm biến áp (TBA) Thạnh Mỹ 110kV với đường dây duy nhất 35kV-AC95 dài 56km (không có đường dây dự phòng), công suất 5MVA. Do đó, chất lượng điện không ổn định và bây giờ đã dùng hết công suất rồi” - ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói.

Lý giải vì sao cả 2 địa phương phải dùng chung TBA Thạnh Mỹ ở tận Nam Giang, lãnh đạo Đông Giang cho biết do trên địa bàn chưa có TBA 110kV riêng. Thời gian qua, huyện nỗ lực kêu gọi, xúc tiến thu hút, nhiều doanh nghiệp đã và đang tìm đến đầu tư một số dự án tầm cỡ về du lịch (DL) như: Khu DL sinh thái Cổng trời Đông Giang, khu DL suối khoáng nóng A Păng, khu DL cao cấp Tây Bà Nà, khu DL Trường Sơn Sông Bung, khu phức hợp FIVITEL Prao… Ông Đỗ Tài  - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho hay, chỉ tính riêng “Cổng trời Đông Giang”, nhu cầu sử dụng điện để phục vụ quá trình vận hành của khu DL này đã cần đến công suất 5,5MVA. Nhưng với thực trạng như hiện nay, việc cung ứng điện cho các khu DL nói trên là bất khả thi.

Được biết, tháng 6.2019, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã có văn bản gửi Tổng Công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) kiến nghị đầu tư TBA 110kV Đông Giang. Gần một tháng sau, EVNCPC có văn bản yêu cầu PC Quảng Nam làm việc với các khách hàng đã được UBND tỉnh cấp phép đầu tư để tìm hiểu nhu cầu sử dụng điện và ký hợp đồng đầu tư cấp điện theo quy định. Trong hợp đồng đầu tư nêu rõ công suất, sản lượng điện và thời gian đưa vào sử dụng từng giai đoạn. Trên cơ sở công suất, sản lượng điện theo hợp đồng nêu trên, phụ tải hiện tại và dự báo phụ tải các năm đến, PC Quảng Nam lập phương án cấp điện, báo cáo Sở Công Thương, UBND tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch TBA 110kV Đông Giang (nếu cần đầu tư TBA). Sau khi quy hoạch được phê duyệt, EVNCPC sẽ xem xét đầu tư TBA theo quy định.

Ông Nguyễn Đức Huy - Trưởng phòng Kinh tế và hạ tầng Đông Giang cho hay, tháng 11.2019 UBND tỉnh đã cho phép Sở Công Thương tổ chức lập hồ sơ bổ sung quy hoạch đường dây và TBA 110kV Đông Giang vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh giai đoạn 2016 - 2025 có xét đến năm 2035 - Quy hoạch phát triển hệ thống điện 110kV đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Sau đó, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, TBA 110kV Đông Giang vẫn chưa thành hình.

Còn nhiều trăn trở

Theo ông Đỗ Tài, nếu không sớm thi công lắp đặt TBA 110kV trên địa bàn Đông Giang, các dự án đầu tư không thể đưa vào hoạt động thì bao nhiêu công sức, kỳ vọng vào sự lột xác nhanh, toàn diện của địa phương miền núi này sẽ khó đạt hiệu quả. Làm việc với đoàn công tác của tỉnh vừa qua, huyện tiếp tục bày tỏ kiến nghị rất cần sự quan tâm làm TBA 110kV nêu trên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở KH-ĐT, các ngành liên quan và huyện Đông Giang kiểm tra, lập hồ sơ thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, tham mưu báo cáo UBND tỉnh quyết định.

Thực tế cho thấy, đối tượng thuộc diện mới tách hộ, hộ yếu thế, hộ nghèo, cận nghèo chưa có đất ở, đang ở chung với cha mẹ hoặc ở nhà tạm bợ, sống quần cư trong cộng đồng ở Đông Giang còn nhiều. Do đó, việc cho chủ trương mở rộng để họ được hưởng lợi cơ chế phục vụ mục đích giãn dân, sắp xếp chỉnh trang khu dân cư theo chương trình nông thôn mới là cần thiết.

Theo ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, muốn vậy cấp trên cần điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí sắp xếp ổn định dân cư theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để triển khai thực hiện. Cũng liên quan đến cơ chế chính sách, hộ nông dân biết làm ăn, có khát vọng vươn lên chưa tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Nhà nước. Đối tượng được hưởng lợi chủ yếu tập trung vào hộ nghèo, cận nghèo trong khi năng lực phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo của họ bị hạn chế. Để tháo gỡ bất cập ấy, Đông Giang kiến nghị tỉnh trong quá trình xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nên mở rộng đối tượng nhằm tạo điều kiện cho hộ biết sản xuất, kinh doanh và nỗ lực vươn lên tiếp cận được nguồn vốn.

Địa phương miền núi này còn nhiều trăn trở về quản lý, sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản… Câu chuyện đất chồng lấn vùng giáp ranh giữa xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) với xã Tư của huyện Đông Giang chưa mở được “nút thắt” là một ví dụ. Để giải quyết dứt điểm các nội dung liên quan, lãnh đạo huyện Đông Giang cho biết vừa qua đã kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục làm việc với TP.Đà Nẵng. Thuộc lĩnh vực khoáng sản, việc thi công công trình trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các hạng mục công ích khác đang gặp trở ngại do thiếu nguồn nguyên liệu. Do đó, lãnh đạo huyện cho rằng Sở TN-MT cần sớm tham mưu cơ chế, thủ tục rút gọn đối với khai thác cát, sỏi, đất san lấp tại các điểm nhỏ, lẻ có khối lượng dưới 1.000m3. Có như vậy, các địa phương mới có thể được tiếp cận sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ thuận lợi, lại tiết kiệm nhiều chi phí.

CÔNG TÚ