Võ sĩ đấu chúa sơn lâm

LÊ VĂN CHƯƠNG 28/06/2020 06:03

Người đấu với hổ. Thế hệ bây giờ đôi khi xem đó là chuyện hoang đường. Nhưng trong quá khứ, có nhiều võ sĩ dám đương đầu và diệt được hổ dữ. Chuyện đương đầu với hổ còn được ghi chép trong cuốn Xứ Đông Dương của Toàn quyền Paul Doumer. Chuyện võ sĩ An Nam đấu với hổ cũng được ghi chép trong cuốn sách Những môn võ bí truyền trên thế giới.

Võ sư Bùi Tá Ngọc bên bức phù điêu chúa sơn lâm.Ảnh: L.V.C
Võ sư Bùi Tá Ngọc bên bức phù điêu chúa sơn lâm.Ảnh: L.V.C

1. Đoàn người đi dưới vách núi thì hổ lần theo ở vách núi trên đầu và lâu lâu ông hổ khua lá cây rơi xuống đầu, đó là chuyện về hổ được nhiều cán bộ từng tham gia bộ đội trước năm 1975 kể lại. Cách đây không lâu, vào khoảng những năm 50 - 60 của thế kỷ trước, rừng núi vẫn còn bạt ngàn, hoang vu, nhiều nơi chưa từng in dấu chân người. Vì vậy chúa sơn lâm hung dữ và muông thú có thể bò về tận miền xuôi và áp sát những khu vực con người đang sinh sống. Đi dọc các huyện miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi… nếu ngồi nói chuyện với các cụ già trên 80 tuổi thì sẽ nghe kể về câu chuyện đấu sĩ diệt hổ dữ chỉ còn được truyền miệng.

Để có thể sinh tồn trong không gian luôn bị đe dọa bởi hổ dữ, người dân ngoài việc sáng tạo ra các loại bẫy để bắt hổ thì còn sáng tạo ra các đòn thế để đánh diệt hổ, bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Hàng ngàn pha người đấu hổ trên khắp đất nước hầu như chỉ được truyền miệng, lưu truyền từ làng này sang làng khác. Riêng trong cuốn sách “Những môn võ bí truyền trên thế giới” nguyên tác tiếng Anh, tác giả John F. Gilbey đã ghi chép việc tận mắt chứng kiến pha đấu kinh hoàng giữa người và hổ tại chợ Bến Thành. 

Võ sư Trần Thống chia sẻ vài đòn thế tránh né và tìm vũ khí đánh trả hổ. Ảnh: L.V.C
Võ sư Trần Thống chia sẻ vài đòn thế tránh né và tìm vũ khí đánh trả hổ. Ảnh: L.V.C

Sự kiện trên được ghi lại vào ngày 30.3.1912, đúng dịp chợ Bến Thành được nhà thầu Pháp Brossard et Maupin tổ chức khánh thành. Nhân dịp này, người Pháp đã bắt một con hổ về và mời võ sĩ đến đấu. Võ sĩ Võ Thị Vuông còn gọi là Năm Vuông năm đó 20 tuổi và được người cha cử đi thay mình. Khi hổ xông vào vồ, nữ võ sĩ này đã lách qua lách lại nhanh như một chiếc bóng và đồng thời sử dụng lao sắt nhọn đánh trả. Nếu người yếu vía thì chỉ cần đứng gần hổ, hoặc chỉ nghe tiếng gầm là đã bủn rủn tay chân. Nhưng nữ võ sĩ này vẫn bền bỉ tránh né, đâm liên tục nhiều nhát để triệt tiêu sức mạnh của hổ. Mãi đến 12 giờ trưa thì hổ kiệt sức và cô gái đã tung mũi lao vào yết hầu, xuyên xuống tim làm hổ đổ gục.

2. Ở xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn còn lưu truyền câu chuyện bẫy hổ thời những năm sau ngày thống nhất (1975). Người dân ở đây còn nghèo nên phần nhiều sống trong ngôi nhà có tường làm bằng gỗ ghép. Có những tấm gỗ mới chắc chắn, nhưng cũng có nhiều ngôi nhà tường gỗ đã mục. Đêm đêm hổ mò về làng bắt súc vật và gầm gừ khiến dân làng khiếp sợ. Ông Phạm Bá Doãn là một tay săn hổ đã đặt bẫy lồng để bắt hổ, sau đó sáng chế ra một chiếc kẹp sắt có đặt nguồn sáng để dẫn dụ hổ vào đúng lối bẫy chờ sẵn. Bẫy đã sập được nhiều con hổ lớn, nên từ đó người dân có được cuộc sống bình yên trở lại.

Có rất nhiều tài liệu nói về cuộc giao đấu giữa người và hổ. Phổ biến nhất là câu chuyện về nữ tướng nhà Tây Sơn Bùi Thị Xuân đã gặp Trần Quang Diệu trên đường đến tòng quân cho Tây Sơn bị hổ chặn đường. Trần Quang Diệu và hổ quần nhau một sống một chết. Nữ tướng nhìn thấy tráng sĩ này đang bị hổ áp đảo nên đã rút kiếm xông vào trợ chiến và đâm chết hổ dữ. Câu chuyện chỉ mô tả bao quát như vậy, còn chiêu thức như thế nào thì ít người đề cập.

Thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn tìm hiểu thực hư chuyện người đấu hổ, tôi tìm đến võ sư Trần Thống ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và bất ngờ nghe ông miêu tả kỹ về đòn thế để chiến với hổ. Ông Thống là một võ sư, đạt đến tứ đẳng Taekwondo. Ông cho biết, trong môn võ Taekwondo của Hàn Quốc không dạy về đòn thế này. Những ngón đòn đả hổ ông thọ giáo từ các võ sư khác trên bước đường học nghề.

Ông kể, dựa vào một nhược điểm của hổ là nó chỉ nhìn tới chứ không quay đầu được, khi võ sĩ giáp chiến với hổ thì không nên đối đầu và phải sử dụng nhu thuật, tránh né, chạy quanh gốc cây. Sử dụng cây đánh trả hổ thì đánh vào phần sống lưng từ giữa lưng về phía đầu thì hổ mới mau bị liệt. Khi gặp thuận lợi thì đu nhanh lên cây, hổ đứng dưới gốc chờ lâu quá, bị đói bụng nên phải bỏ đi. Nếu có người làng ở gần đó thì báo hiệu đập liên hồi vào thùng thiếc để hổ hoảng sợ chạy vào rừng. Còn về đòn thế lưu truyền rằng nằm ngửa, chống mác nhọn lên trời để đâm vào hạ bộ khi hổ bay qua thì ông Thống cho rằng đó là thế rất khó thực hiện.

3. Trong hệ thống các bài quyền của Bình Định có bài võ nổi tiếng là bài Quyền ba chân hổ. Võ sư Hà Trọng Ngự, truyền nhân của môn phái kể lại rằng, hơn 200 năm trước có người tiều phu vào rừng đốn củi bị hổ vồ hụt. Ông đã sử dụng đòn xóc gánh củi để chiến đấu với con hổ dữ để bảo vệ mạng sống. Con hổ này chỉ có 3 chân, từng bị đả thương nên hung dữ hơn bình thường. Chiếc đòn xóc này liên tục giáng đòn vào sườn, lưng, nhưng hổ vẫn không đuối sức. Khi đã kiệt lực, người tiều phu này sử dụng thế ngồi xuống, chống đòn xóc thẳng lên trời và hổ đã thua người tiều phu khi vồ xuống đầu xóc nhọn đó.

Sau khi thoát chết, người tiều phu này đã minh họa toàn bộ sự hung hãn của hổ thành đòn thế của một bài võ lạ có tên gọi là Quyền ba chân hổ. Các võ sinh khi đi bài quyền này thì đòi hỏi thân pháp vừa uyển chuyển, vừa đầy sức mạnh như một con hổ rình rập và vồ mồi. Trong bài quyền này, từ những động tác đầu tiên, võ sĩ đã đảo thân pháp qua trái, sang phải kèm theo những cú vồ ngũ trảo từ trên xuống dưới, đánh thốc từ dưới ngược lên, thân pháp đảo qua phải thì ngũ trảo móc ngược qua trái. Tư thế giống hổ nhất là võ sĩ bay người lên không trung rồi phủ xuống bằng đòn song trảo, ngũ trảo, vồ, vờn, chụp, xé.

Trong sử sách của các môn phái võ cổ truyền Việt Nam cũng ghi lại nhiều câu chuyện đả hổ, nội dung thậm chí còn hay hơn cả chuyện của Võ Tòng đả hổ của Trung Quốc. Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có nguồn gốc từ võ Tây Sơn ghi chép lại chuyện 2 võ sư là Võ Văn Ất và Võ Văn Giá từng 10 lần đấu với hổ dữ. Vũ khí của 2 võ sư này là trường côn được làm từ lõi cây mật cật. Nhiều lần hổ mò về làng, lần nào 2 ông cũng được mời đến để diệt hổ. Có lần, hổ vừa về đến nơi thì 2 võ sư chơi đẹp, chỉ 1 chọi 1. Ông Giá ra đấu, đánh vài đòn thì hổ giả vờ nằm ngửa và giơ 4 chân lên trời. Đó là thế trâu vần, giả chết để bất ngờ bật dậy vồ trọn con mồi. Hai bên vần nhau vài tiếng đồng hồ và kết cục là hổ dữ chết dưới trường côn của ông Ất.

Từ xưa đến nay, có rất nhiều bài quyền, đòn thế, môn phái có tên gọi liên quan đến từ hổ. Điều đó không chỉ có nghĩa là ví đòn thế có sức mạnh như hổ, mà có thể vì liên quan đến lai lịch của võ sĩ trong môn phái. Thời trước, võ sĩ nào từng một lần địch với hổ, có thể là cuộc chạm trán bất đắc dĩ thì cũng sẽ được người đời nhắc tên, thán phục, ca tụng. Vì sự xả thân đó sẽ mang lại sự an lành cho xóm làng và cứu rỗi sinh mạng nhiều người.

LÊ VĂN CHƯƠNG