Đại Lộc hướng đến du lịch nông nghiệp, làng quê
Là huyện giàu tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch khi sở hữu nhiều di tích, thắng cảnh, song việc khơi thông các tiềm năng du lịch tại Đại Lộc chưa đạt hiệu quả cao.
Tiềm năng lớn
Đại Lộc sở hữu nhiều tài nguyên thiên nhiên đẹp hoang sơ; trong đó, thắng cảnh Khe Lim, hồ Khe Tân và Suối Mơ đã nằm trong danh mục khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định số 154/QĐ-UBND năm 2017 của UBND tỉnh). Đây là nơi tiếp biến và lưu giữ nhiều giá trị của các nền văn hóa nổi tiếng: Sa Huỳnh, Chămpa, Đại Việt với nhiều di chỉ, di tích văn hóa - lịch sử thể hiện bề dày của vùng đất.
Huyện có 2 di tích lịch sử cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Vùng đất này lưu giữ nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo vùng miền, là xứ sở của nhiều lễ hội dân gian và lưu giữ các làng nghề truyền thống. Đến cuối năm 2019, Đại Lộc có 24 cơ sở kinh doanh lưu trú, trong đó có 1 cơ sở kinh doanh khách sạn, 23 cơ sở kinh doanh nhà nghỉ và một số nhà trọ bình dân với tổng số phòng là 144 phòng. Trên địa bàn có hàng chục quán ăn, nhà hàng lớn với nhiều loại hình ẩm thực, đặc sản vùng miền...
Theo ông Nguyễn Hữu Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, địa phương còn có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch khi là vùng cửa ngõ đi vào TP.Đà Nẵng về phía Tây Nam; nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, tiếp giáp với những vùng đất có 2 di sản văn hóa thế giới là Hội An và Mỹ Sơn. Song, du lịch Đại Lộc vẫn còn những tồn tại, hạn chế, lượng khách đến còn ít, doanh thu từ du lịch thấp, dịch vụ đơn điệu. Nhiều dự án du lịch được phê duyệt song tiến độ triển khai còn chậm, ì ạch.
Đại Lộc đang tập trung đầu tư củng cố lại toàn diện 3 điểm du lịch sinh thái: Khe Lim, hồ Khe Tân và Suối Mơ, tạo điểm nhấn cho du lịch Đại Lộc. Địa phương khuyến khích các chủ cơ sở du lịch bố trí xây dựng các bungalow nhỏ, cơ động, thích hợp với nghỉ dưỡng, phát triển một số hạt nhân loại hình homestay... Tiếp tục tôn tạo và phát huy các điểm đến, các di tích văn hóa - lịch sử, tâm linh, gắn với các tour du lịch. Khuyến khích phát triển các cơ sở ăn uống, dịch vụ đầu tư các món ăn mang hương vị vùng miền đặc trưng...
Nhìn từ du lịch nông nghiệp
Làng cũ Phương Trung (Đại Quang) nằm ven sông Vu Gia rất phù hợp để hình thành vùng cây ăn quả gắn với phát triển du lịch sinh thái. Một vài vườn mẫu đã và đang hình thành, một vài địa điểm đã mở ra đón khách tại đây song dịch vụ, sản phẩm du lịch còn đơn điệu.
Ông Đoàn Tám - Chủ tịch UBND xã Đại Quang chia sẻ: “Xã tiếp tục vận động người dân cải tạo vườn tạp, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả thêm cả chục héc ta theo quy hoạch (hiện khoảng 10ha), vận động dân tôn tạo cảnh quan, trồng hoa, cây cảnh. Xã cũng tích cực hỗ trợ nhân dân hình thành tổ hợp tác trồng cây ăn quả, xây dựng chuỗi giá trị. Hy vọng, mô hình sẽ tạo điểm nhấn cho ngành du lịch huyện trong những năm tới. Xã xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025”.
Ngoài ra, vùng trồng cây ăn quả gắn với suối nước nóng Thái - Chấn Sơn; vườn trồng cây ăn quả gốc Nam Bộ gắn với du lịch nhà vườn của Hợp tác xã Hồ Lộc, vườn dừa Đại Hiệp... là những điểm thu hút đông du khách tham quan, mua nông sản sạch, tận hưởng không khí làng quê. Song nhìn chung, dịch vụ ở các điểm này còn sơ sài, chưa chú trọng đến việc đầu tư, khai thác, chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chưa phát huy đặc trưng ẩm thực vùng miền giữ chân du khách.
Ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXI của huyện giai đoạn 2015 - 2020 cũng đặt ra mục tiêu từng bước phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, đưa lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Nghị quyết đã xây dựng chuyên đề về phát triển du lịch, từ đó nhiều hội nghị xúc tiền đầu tư, tọa đàm về phát triển du lịch đã được tổ chức, cũng là cơ hội quảng bá để du khách, nhà đầu tư biết nhiều về Đại Lộc.
“Thực tiễn cho thấy, tiềm năng, lợi thế từ loại hình du lịch sinh thái làng quê gắn với vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở tích tụ ruộng đất, vừa gắn việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với du lịch sinh thái làng quê là rất lớn. Huyện sẽ tiếp tục xây dựng các nghị quyết chuyên đề, gắn phát triển nông nghiệp, cụ thể là những vùng trồng rau củ quả, vùng trồng cây ăn quả, trồng hoa, sản phẩm làng nghề với phát triển du lịch, chính thức đưa vào chương trình, mục tiêu cụ thể trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và nâng lên tầm cao mới. Tích cực đôn đốc triển khai các dự án du lịch đã được phê duyệt trước đó; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, tìm kiếm các nhà đầu tư có nguồn lực để tạo bước đột phá cho du lịch huyện” - ông Nguyễn Công Thanh nói.