Đổi thay diện mạo nông thôn Quế Hiệp
Nhờ tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn xã Quế Hiệp (Quế Sơn) có sự đổi thay rõ rét, đời sống người dân được nâng cao đáng kể.
Nông thôn khởi sắc
Ông Trần Quốc Toàn - Bí thư Chi bộ thôn Nghi Sơn cho biết, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), 5 năm qua người dân đã tự nguyện hiến gần 7.000m2 đất, tháo dỡ vật kiến trúc để thi công 3 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 448m và 4 tuyến đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 950m. Đồng thời đóng góp kinh phí và nhân công làm mới sân bóng chuyền, cầu lông bằng bê tông, xây dựng 2 cổng chào, bắt 2 tuyến đường điện thắp sáng đường quê…
Ông Toàn chia sẻ: “Nhờ sự đồng thuận, chung sức của người dân mà diện mạo thôn Nghi Sơn ngày càng khởi sắc. Hiện nay, hơn 80% các tuyến đường trên địa bàn thôn đã được mở rộng và bê tông hóa; hơn 80% hộ dân xây dựng nhà kiên cố. Hệ thống thiết chế văn hóa được củng cố và hoàn thiện”.
Theo ông Trần Hữu Ninh - Bí thư Đảng ủy xã Quế Hiệp, 5 năm qua địa phương đã huy động được hơn 42 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, trong đó nhân dân đóng góp 4,8 tỷ đồng. Theo đó, xã đã tiến hành bê tông hóa thêm 6,2km đường giao thông nông thôn và hơn 6km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 15km kênh mương; nâng cấp cầu Bìn Nin, cầu Sông Cái, trường mẫu giáo phân hiệu thôn Trung Hạ và Lộc Thượng, các phòng chức năng và hội trường của Trường THCS Quế Hiệp, tượng đài nghĩa trang liệt sĩ…
Xã Quế Hiệp cũng tập trung vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường ĐH05, ĐH07, ĐH16 qua địa bàn xã với tổng chiều dài hơn 6,5km. Công tác bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng. Mặt trận và các đoàn thể trong xã đã xây dựng được nhiều tuyến đường tự quản, vận động người dân phân loại rác thải tại nhà...
“Trong quá trình xây dựng NTM, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, xã Quế Hiệp có hơn 600 hộ dân tự nguyện hiến hơn 55.000m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông. Đến nay, xã đã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM” - ông Ninh nói.
Kinh tế phát triển
Ông Trần Anh Toàn cho biết, cùng với chú trọng phát triển nông - lâm nghiệp, xã Quế Hiệp cũng tập trung nâng cao giá trị các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn. Toàn xã hiện có hơn 30 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề như may mặc, mộc dân dụng, cơ khí... Đặc biệt, nhà máy gạch Tuynel đóng chân tại thôn Lộc Thượng hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động với mức thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Nhờ thực hiện nhiều giải pháp trong phát triển kinh tế nên đời sống người dân địa phương được nâng cao đáng kể. Năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 35 triệu đồng, tăng 8 triệu đồng so với năm 2015. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của Quế Hiệp chỉ còn 4,25%, giảm 11,55% so với năm 2015.
Từ năm 2006 đến nay, ông Đinh Hữu Hoàng (thôn Nghi Sơn) đầu tư phát triển mạnh cây keo lai hom theo hướng thâm canh để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, với 5ha rừng keo nguyên liệu, mỗi năm ông Hoàng khai thác bán ra thị trường khoảng 1ha và thu về hơn 70 triệu đồng. Với nguồn thu nhập khá cao từ cây keo, ông Hoàng có điều kiện xây mới nhà cửa, sắm sửa tiện nghi trong gia đình. Có thể thấy, nông dân trên địa bàn xã đã tận dụng lợi thế đất gò đồi, tích cực triển khai mô hình trồng rừng thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Trần Anh Toàn - Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, hiện toàn xã có 2.700ha rừng sản xuất, tập trung chủ yếu ở thôn Nghi Sơn. Bình quân mỗi năm, người dân khai thác và bán khoảng 350ha, thu về không dưới 24 tỷ đồng. Giá trị thu nhập từ kinh tế rừng chiếm hơn 50% tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương.
Xã Quế Hiệp hiện có 291ha đất trồng lúa, nhờ chú trọng đầu tư khâu thủy lợi nhằm đảm bảo nguồn nước tưới và đưa các loại giống mới vào sản xuất nên năng suất lúa không ngừng tăng. Riêng vụ đông xuân 2019 - 2020, năng suất lúa bình quân của xã đạt hơn 58 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ha so với năm 2015. Thời gian gần đây, chính quyền địa phương tập trung xây dựng và triển khai thực hiện đề tài khoa học phục tráng giống nếp đắng tại thôn Lộc Thượng. Cùng với đó, hỗ trợ 70 triệu đồng để người dân mở rộng diện tích trồng loại nếp đắng đặc sản bản địa này lên 20ha.
“Cây nếp đắng có giá trị kinh tế khá cao, bình quân mỗi vụ người nông dân thu lời hơn 4 triệu đồng/sào. Năm 2019, nếp đắng đã được công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Thời gian tới, xã Quế Hiệp sẽ tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã mở rộng diện tích sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung, bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm để nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Toàn nói.