Hỗ trợ y tế cho chuyên gia nhập cảnh
Tạo điều kiện cho các chuyên gia, người lao động tay nghề cao, nhà quản lý nhập cảnh làm việc trên địa bàn tỉnh, song vẫn phải đảm bảo các quy định nghiêm ngặt trong phòng chống dịch Covid-19 là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại buổi làm việc với các sở, ban ngành liên quan vào chiều 23.6 vừa qua.
An toàn với dịch bệnh
Với mục tiêu chung sống an toàn với dịch bệnh và thúc đẩy điều chỉnh tích cực đời sống xã hội, phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời phòng, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 ra cộng đồng, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh đã bàn bạc, lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan đến quy trình đón các chuyên gia, người lao động tay nghề cao, nhà quản lý nhập cảnh làm việc trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá, thời gian qua, dù đã làm tốt trong các khâu phòng chống dịch, từ đón tiếp, đưa vào khu cách ly, chăm sóc tại khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm… song tinh thần “chống dịch như chống giặc” vẫn đang được quán triệt hết sức nghiêm túc.
“Dù mọi hoạt động đã trở lại bình thường, kể cả các quán bar, karaoke đã mở cửa trở lại, nhưng không có nghĩa là xem nhẹ yếu tố phòng chống dịch. Thúc đẩy phát triển kinh tế, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng những giải pháp phòng ngừa vẫn phải được ưu tiên, thực hiện song song. Việc tính toán, xây dựng quy trình hỗ trợ y tế cho các chuyên gia, người lao động tay nghề cao, nhà quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc trên địa bàn tỉnh phải bám sát tinh thần đó” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.
Ông Trần Văn Kiệm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh khẳng định, thành quả thời gian qua đã được ghi nhận, song không vì thế mà lơ là, bởi chỉ cần chủ quan ở bất kỳ một khâu nào, cũng có thể dẫn đến nguy cơ lây lan, nhất là lây lan ra cộng đồng.
Trong đợt tiếp nhận công dân Việt Nam về từ Nhật Bản vừa qua, rất may chúng ta đã kịp thời cách ly đối với hai bệnh nhân có kết quả dương tính và các ca tiếp xúc gần nên đã ngăn chặn kịp thời, kiểm soát tốt tình hình.
Trong ngày 24.6 tiếp nhận thêm hơn 300 người về từ Nhật Bản, việc cách ly, xét nghiệm và những khâu liên quan vẫn phải được duy trì chặt chẽ. Hiện nay, các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, là thời điểm rất cần những chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà quản lý người nước ngoài trở lại làm việc, do đó phải tính toán xây dựng, hoàn thiện quy trình này, chuẩn bị tốt nhất cho thời gian sắp đến.
Ưu tiên cách ly tập trung
Hướng dẫn tạm thời của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh về quy trình đón các chuyên gia, người lao động tay nghề cao, nhà quản lý người nước ngoài nhập cảnh làm việc tại Quảng Nam đề cập 4 bước, từ công tác chuẩn bị đến hoạt động ở khu cách ly. Trong đó, phân nhiệm rõ từng đơn vị, sở ngành liên quan, dự lường các tình huống phát sinh khi đoàn nhập cảnh không có biểu hiện/có biểu hiện triệu chứng bệnh; di chuyển đến nơi cách ly, xử lý rác thải, khử khuẩn phương tiện vận chuyển, thông báo, giải thích với các thành viên nhập cảnh về việc lấy mẫu xét nghiệm.
Tại cơ sở cách ly tập trung, người nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm ít nhất 2 lần, do CDC tỉnh thực hiện. Đề xuất cách ly tập trung tại Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V được nhiều sở ngành thống nhất, bởi sẽ giảm thiểu các yếu tố dịch tễ, đồng nhất trong việc huy động các lực lượng, đảm bảo khâu bảo vệ, chăm sóc, vệ sinh môi trường…
Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chia sẻ, qua theo dõi, việc đưa về cách ly ở các khách sạn hoặc khu cách ly tại doanh nghiệp sẽ không đảm bảo tốt quy định về phòng chống dịch, trong khi Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân V đã có sẵn lực lượng, trang bị, quy chế hoạt động và các lực lượng, lại ở tương đối cách biệt khu dân cư, sẽ tốt hơn cho việc phòng chống dịch.
Đồng quan điểm với Đại tá Nguyễn Hữu Nghĩa, ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay, đưa vào khu cách ly tập trung thay vì trưng dụng khách sạn làm khu cách ly còn góp phần giảm bớt gánh nặng về nhân vật lực chăm sóc cho người cách ly, cũng như tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của các khách sạn này trong thời điểm đẩy mạnh khôi phục kinh tế.
Ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động - việc làm Sở LĐ-TB&XH đề nghị bổ sung thêm nhóm trường hợp là giám đốc điều hành, bởi theo Luật Doanh nghiệp, nhóm này không thuộc “nhà quản lý”, nhưng lại rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, ông Tứ đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động đăng ký danh sách sớm đối với Sở LĐ-TB&XH để tạo điều kiện tốt nhất cho việc rà soát, báo cáo. Sở LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Sở Y tế kiểm tra các khu cách ly của doanh nghiệp nếu được đồng ý cho doanh nghiệp tổ chức cách ly nhóm thuộc diện này.
Đồng ý với đề xuất của các sở, ngành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân yêu cầu Sở Y tế - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh - phối hợp với các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện quy trình hỗ trợ y tế cho nhóm các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà quản lý (bổ sung thêm nhóm các giám đốc điều hành) người nước ngoài nhập cảnh làm việc tại địa bàn tỉnh.
“Các doanh nghiệp, nhà máy sẽ rất cần sự hỗ trợ của nhóm các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao… người nước ngoài nhập cảnh, do đó cần chuẩn bị phương án đón tiếp, cách ly phù hợp, vừa song hành mục tiêu phòng chống dịch vừa giúp khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sau đợt cao điểm giãn cách. Mọi khâu phải được thực hiện nghiêm ngặt, tuyệt đối không chủ quan lơ là, Sở Y tế thường xuyên báo cáo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 tỉnh để có những hướng dẫn kịp thời trong việc thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhấn mạnh.