Tây Giang phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết
Tây Giang đã và đang tích cực triển khai nhiều chương trình, việc làm cụ thể giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Hiệu quả từ nhiều cách làm
Năm 2013, Huyện ủy Tây Giang ban hành Nghị quyết số 14 về xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở đó, các ngành, địa phương cụ thể hóa bằng chương trình hành động như xây dựng quy ước, hương ước gắn liền với các tiêu chí không vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, không ép gả cưới khi con chưa đủ tuổi vị thành niên… Nhiều địa phương đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ, quy ước thôn, khu dân cư, thành lập Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ Mẹ chồng nàng dâu, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, Câu lạc bộ Không tảo hôn…
Các ngành tăng cường lồng ghép hoạt động truyền thông phòng chống tảo hôn vào thực hiện chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, góp phần tích cực xây dựng đời sống văn hóa..., đời sống của người dân ngày một thay đổi. Các cấp hội phụ nữ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nâng cao nhận thức cho chị em về vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, từ đó các chị, các mẹ là người trực tiếp răn đe, khuyên nhủ con em mình.
Tại những buổi tuyên truyền liên quan, các cấp, ngành chú trọng nội dung giáo dục trẻ về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; sức khỏe sinh sản vị thành niên, hậu quả, những hệ lụy tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; thế nào là tình bạn đẹp, tình yêu trong sáng; quan niệm về tình bạn khác giới, hậu quả, hệ lụy của tình yêu trong trường học; nâng cao nhận thức, kiến thức về bình đẳng giới… Từ những cách làm này, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở Tây Giang giảm đáng kể so với trước đây. Nếu như năm 2016 có 12 cặp tảo hôn, sang năm 2017 giảm còn 6 cặp, đến năm 2018 giảm 4 cặp...
Dù đã đạt được nhiều tiến bộ, nhưng theo bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tây Giang, không phải một sớm một chiều có thể giảm ngay, chấm dứt được nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Không riêng huyện Tây Giang, các huyện có số đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đều gặp khó khi giải quyết vấn đề này.
“Cũng bởi do nhiều nơi vẫn còn phong tục hứa hôn, sự hạn chế tiếp cận kiến thức pháp luật của người dân, việc thiếu kỹ năng sống, thông tin về sức khỏe sinh sản đối với học sinh. Mặt khác, sự phát triển mạnh đời sống xã hội, mạng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, lối sống thiếu lành mạnh của một bộ phận thanh thiếu niên” - bà Nem nói.
Cần giải pháp đồng bộ
Trước những khó khăn trong công tác tuyên truyền vận động, nhiều trường học linh hoạt sáng tạo thành lập mô hình trường học không tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thành lập Ban tư vấn tâm lý học đường. Có trường đưa công tác ngăn ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thành một trong các nội dung hoạt động trọng tâm của năm học, là trách nhiệm của toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Bà Arất Mai Tình - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang cho biết, những năm qua, tỷ lệ bỏ học của học sinh nữ khá lớn, cụ thể năm học 2015 - 2016 có 49 em, năm học 2016 -2017 giảm còn 42 em, năm học 2017 - 2018 lại tăng lên 46 em, đến năm học 2018 - 2019 giảm còn 26 em. Trong số học sinh nữ bỏ học, nguyên nhân từ tảo hôn chiếm khoảng 20%.
“Để ngăn ngừa, chấm dứt vấn nạn này, nhà trường lồng ghép nội dung pháp luật về hôn nhân, gia đình, vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào chương trình giảng dạy môn học Giáo dục công dân và môn Sinh học; thường xuyên tổ chức cuộc thi, các buổi tuyên truyền, sinh hoạt ngoại khóa… Qua đó, học sinh hiểu hậu quả tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, và biết cách phòng tránh, tiến tới góp phần cùng địa phương bài trừ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống” - bà Tình chia sẻ.
Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, các cấp, các ngành từ huyện đến thôn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng chống tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chú trọng việc thực thi nghiêm minh theo pháp luật; khắc phục tư tưởng né tránh, bao che hoặc thiếu gương mẫu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Huyện quyết tâm chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trực tiếp đến các thôn, khu dân cư. Lồng ghép nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thực, mặt tiêu cực của nạn tảo hôn vào hoạt động giao lưu văn hóa, tổ chức lễ hội, các hội nghị của đoàn thể, hoạt động ngoại khóa trong trường học, các câu lạc bộ tuyên truyền pháp luật. Đồng thời bồi dưỡng đội ngũ làm cộng tác viên tuyên truyền có đủ kiến thức, kỹ năng phối hợp tuyên truyền vận động ngay từ gia đình, dòng tộc, bà con thân cận trong thôn, khu dân cư.