Thăng Bình tập trung xây dựng nông thôn mới
Tại buổi làm việc với huyện Thăng Bình mới đây, xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu địa phương huy động các nguồn lực tập trung thực hiện.
Chuyển biến ở Bình Đào
Tại xã Bình Đào, vào những ngày này, người nông dân hối hả thu hoạch lá mùng năm để bán cho Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (HTX Bình Đào) theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm đã ký. Ông Đỗ Thư (tổ 1, thôn Trà Đóa 1) phấn khởi cho biết, với 5 sào trồng các loại lá mùng năm là hoắc hương, hoa khóm, tía tô, rẽ quạt, đậu sen... mùa này cho lãi ròng 70 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
“Lá mùng năm là nông sản khá đặc biệt của làng quê chúng tôi. Các loại cây dễ trồng, phù hợp với thổ nhưỡng nên canh tác thuận lợi. Thu nhập khá nhưng tiếc là các loại cây mùng năm chỉ canh tác 1 vụ/năm, bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 5 là thu hoạch” - ông Thư nói.
Tương tự, gia đình ông Nguyễn Tấn Hùng (tổ 1, thôn Trà Đóa 1) cũng có nguồn thu nhập gần 50 triệu đồng sau hơn 3 tháng trồng các loại cây lấy lá mùng năm. HTX Bình Đào bao tiêu sản phẩm nên ông Hùng yên tâm đầu ra, tập trung sản xuất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên diện tích chừng 10ha ở thôn Trà Đóa 1, người nông dân xã Bình Đào có nguồn thu nhập khá từ canh tác các loại cây trồng. Sau vụ trồng cây lấy lá mùng năm, các nông hộ chuyển sang trồng các loại rau củ quả như húng, dền, hành, ngò, đậu cô ve, dưa leo, mùng tơi, cải bẹ, cải cây...
Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của huyện Thăng Bình đạt 9.200 tấn (đạt 54% kế hoạch). Dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra chủ yếu ở xã Bình Giang. Đàn heo giảm mạnh do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 1.485 tỷ đồng (52% kế hoạch).
Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Bình Đào cho biết, trồng lá mùng năm, canh tác các loại rau củ quả là mô hình kinh tế khá hiệu quả, chính quyền địa phương khuyến khích người nông dân sản xuất, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM. Khi bắt tay xây dựng NTM, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhờ đó phong trào hiến đất làm đường được người dân hưởng ứng, lan tỏa, đường làng ngõ xóm ngày một khang trang, tươi tắn.
Nhờ phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân cộng với thực hiện tốt việc huy động, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án nên cơ sở hạ tầng, diện mạo làng quê Bình Đào ngày một khang trang. Hiện tại, địa phương hoàn thành tiêu chí cuối cùng là cơ sở vật chất văn hóa, hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM trong tháng 7 sắp tới. Khu dân cư NTM kiểu mẫu Trà Đóa 1 cũng đã hoàn thiện 10 tiêu chí.
Chú trọng thực hiện
Đến nay, toàn huyện Thăng Bình có 13/21 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Trên địa bàn 22 xã, thị trấn của Thăng Bình có 8 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2020, dự kiến 3 xã Bình Đào, Bình Hải, Bình Phục của huyện về đích NTM.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, theo lộ trình, năm nay Bình Phú sẽ hoàn thành xã NTM nâng cao nhưng do tiêu chí thu nhập khó đạt được nên đề xuất UBND tỉnh nới hạn sang năm 2021.
“UBND tỉnh nên chăng gia hạn thời gian đạt chuẩn huyện NTM của Thăng Bình sang năm 2023 vì các tiêu chí giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế còn nhiều việc phải hoàn thành” - ông Khiết nói.
Cũng theo ông Đoàn Thanh Khiết, hạ tầng thủy lợi có vai trò hết sức quan trọng trong xây dựng NTM nên đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam sớm triển khai gia cố tuyến kênh N22.5 và khắc phục một số tuyến kênh Phú Ninh bị sạt lở ở các đoạn qua xã Bình Phục, Bình Giang và Bình Chánh. Đến thời điểm này, tuyến kênh N22.1 bị xuống cấp trầm trọng, UBND huyện đã báo cáo với UBND tỉnh, đề xuất đưa vào dự án WB7 (dự án cải thiện nông nghiệp có tưới) để nâng cấp tuy nhiên đến nay chưa thực hiện được nên mong UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam nâng cấp, sửa chữa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu ghi nhận các đề xuất của huyện Thăng Bình đồng thời cho biết, UBND tỉnh sẽ giao sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu hỗ trợ địa phương khắc phục các điểm yếu, vướng mắc để triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được thuận lợi, thông suốt.
Huyện Thăng Bình cần huy động các nguồn lực để đa dạng loại hình kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị kinh tế thu được trên cùng diện tích sản xuất. Ở các vùng trung, vùng đông và vùng tây, nghiên cứu trồng các loại cây dược liệu hứa hẹn đem lại thành quả kinh tế cao.
Địa phương đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. Tỉnh đã có quy hoạch phát triển thủy sản vùng đông, Thăng Bình cần nuôi tôm lót bạt hiệu quả. Về đánh bắt hải sản, chú trọng khai thác hải sản xa bờ, giúp ngư dân làm giàu từ biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Để hỗ trợ đắc lực cho xây dựng NTM cũng như chuyển biến gương mặt làng quê, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) cần được huyện thực hiện hiệu quả.