Làm nhà giả gỗ ở Nam Trà My: Hạn chế tác động vào rừng
Làm sao để vừa hoàn thành công tác di dời, bố trí, sắp xếp dân cư ổn định, vừa không để bà con tác động vào rừng? Đây là bài toán khó mà nhiều địa phương vùng cao Quảng Nam đang loay hoay tìm cách tháo gỡ.
Tại huyện Nam Trà My, từ đầu năm đến nay, địa phương triển khai làm nhà giả gỗ cho nhiều hộ dân. Cách làm này phù hợp với chủ trương đóng cửa rừng của Chính phủ, cũng như văn hóa làng của đồng bào Ca Dong, Xê Đăng.
Làm điểm ở Trà Mai
Nhìn bên ngoài, nhà của bà Hồ Thị Hoa ở làng Tăk Chươm, xã Trà Mai (Nam Trà My) cũng giống như bao ngôi nhà sàn của người Ca Dong. Nhưng, chất liệu thì lại hoàn toàn khác biệt. Tường được đóng bằng gỗ thông, mái lợp bằng tôn cách nhiệt, móng nhà được đổ trụ bê tông, sàn nhà được đan bằng nứa già ở rừng, còn khung nhà và lan can được làm bằng sắt. Tổng trị giá căn nhà 60m2 này khoảng 80 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 50 triệu, phần còn lại do gia đình và bà con trong xóm đóng góp.
Về ở được 3 tháng nay, bà Hoa cho biết cảm thấy thoải mái hơn so với ngôi nhà cũ. Rót nước mời khách, bà Hoa vui vẻ cho biết: “Nhà nước hỗ trợ mình làm nhà ở như thế này rất mát, không còn nóng nực như trước kia. Nhà cũng ít dùng gỗ rừng, giờ trong làng cũng có nhiều bà con đang làm như mình. Vui vì có nhà mới, ổn định cuộc sống rồi”.
Nhà bà Hoa là một trong 25 ngôi nhà được xã Trà Mai chọn thí điểm phương pháp làm nhà theo hình thức thay thế vật liệu gỗ truyền thống. Mỗi ngôi nhà có diện tích bình quân 60m2 và làm theo mô hình nhà sàn Ca Dong. Theo phương pháp mới này, một ngôi nhà hoàn thành sẽ có tổng chi phí 80 triệu đồng; trong đó, xã Trà Mai kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại người dân tự nguyện đóng góp thêm.
Ông Châu Minh Nghĩa - Chủ tịch UBND xã Trà Mai cho biết, trước đây, việc làm nhà theo phương thức cũ của bà con cần khối lượng gỗ rất lớn, từ 5 - 10m3 gỗ/căn nhà. Như vậy, nếu 1.137 hộ trong diện sắp xếp, di dời đều làm nhà, thì số lượng gỗ khai thác là rất lớn, sẽ dẫn đến chuyện người dân tác động vào rừng, thậm chí phá rừng trái phép. Do vậy, khi huyện Nam Trà My có chủ trương thay đổi vật liệu trong làm nhà, xã đã tuyên truyền vận động và làm mẫu tại làng Tăk Chươm. Với quy mô, cách làm như hiện tại thì khối lượng gỗ của mỗi một căn nhà chỉ từ 1 - 1,5m3 và được sử dụng bằng gỗ thông, giảm việc tác động vào rừng của bà con nhân dân.
“Trước mắt, chúng tôi sẽ huy động các nguồn hỗ trợ để làm nhà theo phương pháp thay thế vật liệu mới ở làng Tăk Chươm, phục vụ cho công tác phát triển du lịch cộng đồng tại đây. Sau Tăk Chươm, sẽ tiến hành họp rút kinh nghiệm và nhân rộng ra 4 khu dân cư còn lại trên địa bàn xã” - ông Nghĩa cho biết.
Nhân rộng trên toàn huyện
Ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My cho biết, địa phương đang tiến hành quy hoạch, sắp xếp 224 khu dân cư xuống còn 115 khu dân cư. Theo đó, nhu cầu làm nhà mới của hàng nghìn hộ dân Ca Dong, Xê Đăng là rất lớn. Vì vậy, việc thay thế vật liệu trong làm nhà, vừa hạn chế tối đa tác động vào rừng, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa nhà ở của đồng bào, như cách làm ở xã Trà Mai là phù hợp, đang được huyện rút kinh nghiệm và triển khai trên diện rộng.
Trước mắt, huyện Nam Trà My giao cho 10 xã chọn 2 hộ gia đình để làm nhà theo phương pháp thay thế vật liệu gỗ truyền thống. Các địa phương đều đã bắt tay vào làm nhà cho dân, bước đầu bà con đồng thuận rất cao. Làm nhà theo phương pháp mới này, nếu tính toán hợp lý, chọn nguyên liệu đảm bảo thì tuổi thọ của mỗi căn nhà sẽ từ 8 đến 10 năm. Tuy nhiên, cái khó nhất của địa phương là kinh phí đối ứng để làm nhà của người dân còn hạn chế. Mỗi căn nhà không dùng gỗ truyền thống sẽ cần thêm từ 40 đến 50 triệu đồng để hoàn thiện, trong khi số hộ nghèo ở Nam Trà My đang có nhu cầu làm nhà là rất lớn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, cách làm nhà theo phương pháp thay thế vật liệu gỗ của Nam Trà My, Sở NN&PTNT nhận thấy rất phù hợp với chủ trương đóng cửa rừng hiện nay của Chính phủ, cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác quản lý bảo vệ rừng. Sở NN&PTNT đang xây dựng đề án để hỗ trợ kinh phí 40 triệu đồng cho người dân làm nhà theo phương pháp mới. Nếu đề án này được HĐND tỉnh thông qua thì việc làm nhà không dùng gỗ của bà con dân tộc thiểu số ở miền núi sẽ thuận tiện hơn.