Lối đi cho vùng tây bắc
Vùng tây bắc được xem như “vùng lõm kinh tế” của tỉnh, nơi vẫn còn nghèo khó mọi mặt bởi sự chia cắt của địa hình rừng núi và điều kiện kết cấu hạ tầng vừa yếu lại vừa thiếu. Khai thác tiềm năng, mở rộng không gian phát triển là xu hướng tất yếu để các địa phương tạo bứt phá.
Không để mất tài nguyên
Không ít cuộc hội thảo được tổ chức để bàn kế phát triển vùng tây bắc (gồm 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang). Có nhiều lý do để cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế đánh giá cao về địa bàn chiến lược, sức lan tỏa trong liên kết hành lang kinh tế đông - tây của vùng tây bắc. Là nơi xa xôi nhất của tỉnh, nhưng mấy năm gần đây vùng cao Tây Giang luôn tạo ra cảm giác gần gũi và thân thiện, nhất là với những ai ưa thích loại hình du lịch khám phá, muốn tìm hiểu một vùng đất giàu truyền thống văn hóa của người Cơ Tu.
Phát triển du lịch trên nền tảng lấy người dân, cộng đồng Cơ Tu làm chủ thể đã cho thấy sự thành công ban đầu của địa phương. Dựa vào rừng Trường Sơn trùng điệp, với khí hậu sinh thái dịu mát quanh năm, nhiều ngôi làng ở Tây Giang xây dựng được hình ảnh rất ấn tượng. Chẳng hạn như làng Aur, xã A Vương được ví von là “làng Singapore” giữa rừng Trường Sơn vì sạch, xanh, không có đồ nhựa và túi ny lon. Từ các bản làng nằm vắt vẻo trên non cao, đã ra đời nhiều điểm du lịch như làng truyền thống Cơ Tu, làng cổ Pơmu, Đỉnh Quế, điểm dừng chân Aliêng…
Ở vùng thấp hơn như huyện Đông Giang, các tập đoàn kinh tế lớn lên đầu tư phát triển du lịch sinh thái không còn là chuyện hiếm nữa. UBND huyện Đông Giang thông tin, hiện nay đã có Công ty CP Nông nghiệp sạch Phú Son triển khai dự án khu du lịch sinh thái suối khoáng nóng APăng, với diện tích 44,4ha; Công ty CP Khu du lịch sinh thái Hang Gợp thuộc Tập đoàn FVG đang đầu tư khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang tại xã Mà Cooih; Công ty CP Toàn cầu TMS đầu tư khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp tây Bà Nà; dự án khu du lịch sinh thái Trường Sơn - Sông Bung...
Sẽ là rất khó nếu để mỗi địa phương “tự bơi” khi làm du lịch, vì vậy tỉnh đã chủ trương mở rộng không gian phát triển du lịch lên vùng tây, vừa giảm áp lực cho di sản Hội An, Mỹ Sơn, Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm; đồng thời trao cơ hội cho vùng cao mạnh dạn phát triển loại hình du lịch trải nghiệm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, với vùng tây bắc phát triển mà không hoặc ít đánh đổi về môi trường thì đầu tư cho du lịch là sự lựa chọn phù hợp. Chính quyền tỉnh có chiến lược liên kết du lịch biển với du lịch núi, tạo ra sức hấp dẫn từ tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc của các huyện miền núi.
Có thể thấy, các dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái gần đây ở vùng tây bắc chủ yếu khai thác vẻ đẹp hoang sơ của rừng núi. Vì vậy, việc ít nhiều tác động vào thảm rừng tự nhiên để xây dựng một số hạng mục chắc chắn luôn được các cấp chính quyền, ngành chức năng lẫn chủ đầu tư xem xét một cách thận trọng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Hưng khẳng định, hầu hết diện tích đầu tư xây dựng hạng mục phát triển ở dự án Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang đều là trạng thái không có rừng, còn phần có rừng tự nhiên tuyệt đối không được tác động vào. Những diện tích đất rừng nằm trong phạm vi cho doanh nghiệp thuê sẽ được quản lý nghiêm ngặt. Thực tế, khi phát triển du lịch sinh thái ở vùng cao thì giữ được rừng mới là yếu tố quyết định hiệu quả của đầu tư.
Liên kết tổ chức sản xuất
Lợi thế của vùng tây bắc là có diện tích đất rừng tự nhiên rộng lớn, quỹ đất dồi dào, thuận lợi cho phát triển kinh tế rừng; đồng thời là trung tâm phát triển dược liệu của tỉnh; và sự đa dạng trong đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu. Rào cản chủ yếu của miền núi nói chung, vùng tây bắc nói riêng là các địa phương bị chia cắt, dân cư phân bố rải rác, đời sống nhân dân còn nghèo, sản xuất manh mún dẫn đến nông sản làm ra khó tìm đường tiêu thụ. Đơn cử, cây keo trồng thu hoạch bán ra thường xuyên bị mất giá so với các huyện trung du, chủ yếu do tốn kém chi phí vận chuyển. Đất đai không liên vùng, liên thửa khiến các địa phương gặp khó khăn trong hình thức tổ chức sản xuất quy mô công nghiệp.
Tại huyện Đông Giang, phát triển bảo tồn vùng dược liệu bản địa, liên kết trồng rừng gỗ lớn đang gặp rào cản từ các chính sách tích tụ đất đai bởi phần lớn đất lâm nghiệp đều chưa rõ ràng về địa vị pháp lý, trong khi nhà đầu tư gặp khó khăn trong liên kết tìm quỹ đất đủ lớn để hình thành vùng nguyên liệu đáp ứng sản xuất quy mô công nghiệp.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, vùng tây bắc trước mắt phải xúc tiến đầu tư du lịch, trồng rừng gỗ lớn và mở rộng diện tích trồng cây dược liệu. “Bà đỡ” cho người dân chính là phải có sự đầu tư của doanh nghiệp. Liên kết các hộ nông dân thành hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp.
PGS-TS.Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, vùng tây bắc Quảng Nam cần thiết phải phân bổ nguồn lực cải thiện hạ tầng giao thông kết nối với miền xuôi, với các đô thị lớn như Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ. Cụ thể hóa các chính sách về “tam nông” hỗ trợ phát triển các cây - con đặc sản bản địa thông qua sự dẫn dắt của doanh nghiệp.
Tại các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, thời gian qua có nhiều sản phẩm dược liệu, nông sản mang đậm dấu ấn vùng đang tiếp cận thị trường nhờ sự đầu tư của doanh nghiệp, nhưng các sản phẩm này vẫn còn bị giới hạn bởi thị trường tiêu thụ. Vì vậy, mở con đường giao thương hàng hóa chung bằng cách liên kết, xây dựng sản vật bản địa vùng, cùng với kết nối không gian hạ tầng giao thông… sẽ là “chìa khóa” mở rộng cánh cửa phát triển vùng tây bắc mạnh mẽ hơn.