Thị trấn ngã tư

TRUNG VIỆT 21/06/2020 12:23

Nhà báo Huỳnh Bảy đón tôi ngay ngã tư Hà Lam. Nắng chiều chát chúa. Tôi đứng đó chờ và nhớ có lần anh Nguyễn  Hữu Hiệp - nguyên Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói như thách: “Anh đố mi tìm, có chỗ mô ở tỉnh ni mà thị trấn trên đường quốc lộ có ngã tư như Hà Lam không?”. Lúc đó tôi không nghĩ chi, chỉ nhớ ở Hà Lam có một lần tôi nghe đố: “Đường về Bình Giang là đi mô?”. Ba chớp ba nhoáng mà… bụp liền “không về Bình Giang thì đi mô”, thì sẽ sập bẫy nói lái, bởi đáp án là “Đàng về… Bình Dương”, bởi hai xã này cận kề nằm trên một đường, tính từ quốc lộ 1 thì bắt đầu từ ngã tư Hà Lam chạy về.

Đường nội thị trung tâm Hà Lam.Ảnh: T.V
Đường nội thị trung tâm Hà Lam.Ảnh: T.V

Chuyện xưa, chuyện nay

Bao năm, tôi vẫn nhớ câu hỏi đó. Bữa trước có việc ngang qua đây, ông tài xế quen  “quất”  liền khi tôi nói Hà Lam chừ vẫn chưa lên thị xã: “Anh giỡn hay răng, lên lâu rồi mà, ở đây tôi có lạ chi, tôi biết từ hồi còn lái xe tham gia mấy cái hồ vùng tây”. Lão có vẻ ngạc nhiên và ấm ức khi biết khẳng định của mình là trật, rồi liên tu bất tận về bề dày và tiềm năng của một vùng đất mà sử sách đã không tốn ít bút mực ngợi ca, khi gõ google Hà Lam, Văn Thánh, Hà  Kiều, Tiểu La, Nguyễn Thuật… là biết. Rồi tiềm năng khi nó là điểm nối đông - tây ở một cái huyện dài nhất tỉnh, dân tình ở đây đâu có nghèo khó, cạn cợt nội lực, chưa nói hiếm có thị trấn nào ở tỉnh này có hồ Hà Kiều lãng đãng sen hồ. Mọi thứ còn đó mà, cho nên sao lạ quá hè? Câu đố của anh Hiệp, sau bao lần nghĩ về thị trấn mà anh Phùng Tấn Đông làm thơ thuở còn bia rượu vàng son đã không ít lần cao hứng “Bây giờ mới nói thiệt tình/Việt Nam chỉ có Thăng Bình là vui”, đặt cho tôi câu hỏi: Cứ cho là độc nhất vô nhị đi, nhưng ngã tư để làm chi, nếu cứ mãi là ngã tư?

Lạ, bởi mình không phải cư dân ở xứ này để thực sự chứng kiến bao trồi sụt nắng mưa, rồi cũng không có chuyện cần mà hỏi. Bén rễ ở đây ngót 30 năm, nên Huỳnh Bảy dõng dạc “tau rành’’. Tôi ngồi sau xe nghe anh thuyết minh để đưa đi ngó đường người ta mới mở. Ngay đầu cống bara phía dưới Hà Kiều, người ta phóng đường hai chiều về hướng nam. “Nó sẽ chạy tới đường Huỳnh Thúc Kháng ngay Cây Cốc, nhưng bị vướng chút đỉnh nên chưa hoàn thành’’ - anh nói. Đường rộng, như muốn bung ra phóng khoáng sau những nhấp nhô ken đặc nhà và người lâu nay mà chạy xe chút đỉnh là xong hết thị trấn. “Cũng có dự định đưa chợ Hà Lam hiện tại ra đây, phía ngay sau trường Thái Phiên”. Chạy tiếp đến Cây Cốc, quẹo theo hướng biển, cũng là 1 đoạn ngắn bị kẹt ngay tiếp giáp quốc lộ 1, trong khi đường này là đường 129 đã cơ bản xong nối về Bình Đào. Giải tỏa đền bù được đoạn này chỉ với 1 căn nhà, thì cái tên ngã ba Cây Cốc sẽ chỉ còn trong ký ức, mà nó thành ngã tư. Từ đây, chạy thẳng lên đường cao tốc. “Hà Lam sẽ có 3 ngã tư nối vùng đông, bởi có thêm 1 cái chạy xuống trường cảnh sát ngoài Bình Nguyên”.

Câu hỏi của tôi, là tại sao Hà Lam không lên được thị xã theo định hướng và chủ trương của tỉnh, dù huyện và thị trấn phấn đấu miệt mài, khi cùng Huỳnh Bảy đi từ đường Huỳnh Thúc Kháng bật ra hướng bắc, từ sau tết đến giờ có thêm một đường mới, là Nguyễn Thuật. “Tau hỏi mi, rứa theo mi, quan điểm về lên hạng của mi răng?”. “Đó là một cách thay thế tên gọi trong giấy tờ mà thôi. Đổi thay không, lên hay xuống, thì cốt lõi duy nhất vấn đề: Dân sống có tốt hơn không? Vấn đề là có mục tiêu để bứt phá chính mình, chứ không thể ngủ yên trong nhà chật miết được, và nó đòi hỏi một yêu cầu gay gắt: Tầm nhìn của cán bộ”.

Ngã ba Cây Cốc sẽ thành ngã tư.Ảnh: T.V
Ngã ba Cây Cốc sẽ thành ngã tư.Ảnh: T.V

Tại Hà Lam, nhà cửa đường sá bao năm vẫn túm tụm trong khuôn viên mấy con đường. Phó Văn phòng UBND huyện Trần Văn Vinh, nói: “Muốn mở đường, không dễ, bởi đụng đến đền bù, ngân sách huyện thì có hạn, nhưng từ 2018  đến nay, huyện quyết tâm lắm. Nhiều khu dân cư phía nam, bắc ở tổ 4 và 8 đã mở ra... Khu đường mới phóng về hướng nam có khu dân cư, hai bên sẽ được khai thác quỹ đất thương mại, nhưng phải thực hiện theo quy định, là đấu thầu xây lắp và đất. Có đường là ngân sách huyện bỏ ra để mở. Có một vấn đề lịch sử để lại, là nhiều khi bí quá mà làm, nên quy hoạch không nghĩ được là tương lai sẽ phải khác đi”. Nhưng anh Huỳnh Bảy không chịu: “Nhiều khi vướng nhiệm kỳ, người ta khó làm, nhưng cái chính vẫn là không tư duy lớn, không nhìn xa. Nên nhớ, hồi ông Nguyễn Xuân Phúc còn làm Phó Chủ tịch tỉnh đã ký văn bản định hướng Hà Lam phát triển về hướng nam, tới chừ đã 20 năm rồi nghe. Hồi ông Năm Trai làm chủ tịch, đã đưa sân vận động ra Cây Cốc…’’.  Đất đai, có thể sinh lời ra tiền bạc khi đổi tên gọi đi liền quy hoạch mở ra, nâng cấp, sẽ kéo theo dịch vụ các mặt phát triển, từ đó mới thúc đẩy làm ăn tịnh tiến. Hà Lam là trung tâm của phát triển, nhưng ngó lại, nó là động lực kích thích những nơi khác, gắn kết ra sao? Yếu. Nói thẳng là thế. Trên kia, Bình Quý đã và đang vươn mình lên. Dưới kia, khi Vinpearl vào, thì vùng đông sôi động mấy năm qua rồi.

Bao giờ lên thị xã?

Câu trả lời tại sao, thì phải tìm tiêu chí nào không đạt. Thông tin đưa ra, là không được công nhận đô thị loại 4 năm 2020 theo như nghị quyết, bởi quy mô dân số chỉ đạt 4.56 điểm (quy định tối thiểu là 6.0). Nhưng rà 4 tiêu chí còn lại về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mật độ dân số, tỉ  lệ phi nông nghiệp, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị, thì cũng chỉ đạt trung bình và tối thiểu, cộng hết lại  chỉ đạt 76,89 điểm/100. Huyện phấn đấu để đạt, trong đó đặc biệt chú ý trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị. Đương nhiên, đất có lành thì chim mới đậu, người kéo đến, gắn bó và định cư, lúc đó dân số mới tăng lên.

Giá đất ở Hà Lam cao hơn Tam Kỳ từ lâu rồi, đến nay vẫn cao hơn. Với tôi, đó là điều lạ lùng. Người ta lý giải, là hồi trước đây quy hoạch cứ như con kiến mà bò cành đa…, dân tình chủ yếu chiếm mặt đường Tiểu La trung tâm huyện, nên giá ngất ngưỡng; thêm vài ba năm trước vùng đông sốt đất, bùng nổ dây chuyền lên tới huyện, nên cứ vù vù.  Cứ luận giản đơn như dân gian, là chỗ nớ rõ ràng là ngon. Soi xét Hà Lam với Nam Phước, Vĩnh Điện, có thua chi đâu.  Anh  Bảy nói như năn nỉ: “Đi với anh, sẽ thấy cái ni hay lắm”. Chạy  vòng vèo một đoạn lại ra chỗ Cây Cốc đi Hiệp Đức, ngang qua nghĩa địa. “Ai ở Hà Lam chết cũng chôn ở đây. Nghĩa địa ni có tên là Xoáy Trâu, tuổi cũng đã 100 năm rồi, không thể thống kê được bao nhiêu mồ mả đã chôn cất. Vậy câu hỏi đặt ra là, đô thị loại mấy cũng được, nhưng không giải quyết được bài toán môi trường, là thất bại”. Anh nói  thêm vài ý về tứ cận của Hà Lam, tôi hình dung nghĩa địa này nằm ngay trong lòng thị trấn. “Không sai, vậy có lối thoát cho chuyện này không? Đáp án là có”. Xe chạy vô con đường ngoằn ngoèo bạc hà, cỏ dại trên đất dốc. Tôi ăn nhậu, đi về Hà Lam đếm không hết lần, nhưng đây là lần đầu tôi lên đồi này, có tên là đồi 42. “Nhiều người thức thời,  dù không cho nhưng họ đã và vẫn chôn người chết ở đây. Hãy quy hoạch đây thành nghĩa trang nhân dân, sạch sẽ, ngăn nắp, chứ đừng như ở Xoáy Trâu nữa. Bây giờ phát triển đô thị mà không chú ý môi trường xanh-sạch-đẹp, thì coi như sai bài rồi”.

Phát  triển một địa phương, đòi hỏi lắm thứ, trong đó có một cái mà tôi nhớ miết khi đọc đâu đó, rằng nhiều quan chức ở mình thiếu tư duy chuyên nghiệp về phát triển đô thị. Xin lỗi nếu đụng chạm ai đó, nhưng ở đời, muốn hết dốt thì phải học, chỉ có xấu hổ khi giấu dốt. Chính vì muốn phát triển, cho nên nhiều đô thị lớn người ta tổ chức thi để tìm thiết kế quy hoạch tốt nhất cho đô thị tương lai. Điều này, buộc phải có sự đồng lòng, dẹp ích kỷ, tự ái và dám khát vọng đổi mới. Chỉ có cách đó mới có chiếc áo mới khác, nhưng cái đích cần hơn là thân thể hình hài trở nên nở nang, dồi dào năng lượng tích cực hơn. Không có một tiêu chí nào hơn chuyện làm ăn, sinh sống của dân tình ngày một tốt hơn. Không một đô thị nào đáng sống, nếu thực sự người ở đó không thở dài vì bị bức màn sặc sỡ che lấp, phủ dụ.

Chắc chắn Hà Lam sẽ lên thị xã, nhưng phải làm sao, khi lên thị xã rồi, khi dân đóng thuế nhà, bán buôn sẽ cao hơn, đồng bạc đi ra từ túi họ không ngao ngán rằng, bao năm cũng chừng ni, lên thị xã hay lên vũ trụ cũng chừng ni… Ngã ba đường thường hàm nghĩa đặt trước sự chọn lựa lối đi, chứ ngã tư là vô tư, thoải mái. Khi dân đủ lực để chọn lựa một không gian sống, làm ăn,  lúc đó câu trả lời có mấy ngã tư, dễ òm…

TRUNG VIỆT