Trong cuộc đua thời 4.0

HOÀNG LY 21/06/2020 12:20

Những người làm báo đang chứng kiến cuộc “rượt đuổi” chưa từng có trong lịch sử nghề nghiệp: các cơ quan báo chí rượt đuổi, cạnh tranh thông tin; báo chí nói chung rượt đuổi với mạng xã hội; bản thân các tòa soạn và các nhà báo phải vượt lên chính mình để không tụt hậu…

Phóng viên Báo Quảng Nam online tác nghiệp tại một sự kiện liên quan dịch Covid-19 tháng 4.2010. Ảnh: PH.VINH
Phóng viên Báo Quảng Nam online tác nghiệp tại một sự kiện liên quan dịch Covid-19 tháng 4.2010. Ảnh: PH.VINH

Hơn mười năm trước, cơ quan nào sở hữu cũng lúc tờ báo in và trang báo điện tử thì phóng viên thấy hạnh phúc, “đất đai” nhiều, cày ải mê mải… Khái niệm cạnh tranh thông tin lúc bấy giờ đơn giản là ai, báo nào đưa tin sớm hay có yếu tố độc quyền, còn bây giờ thì khái niệm ấy không thể hiểu theo một cách đơn giản như vậy. Nhà báo và các cơ quan báo chí phải cạnh tranh tứ bề trong xu thế khá nhiều thách thức từ bên ngoài đời sống nghề nghiệp.

Chuyển đổi số

So với mươi năm trước, giờ đây mạng xã hội đang tạo ra quá nhiều thay đổi đối với con người. Mỗi người dùng facebook, youtube, twitter, zalo… đều tự do xuất bản nội dung tức thì theo cách thấy, cách cảm của họ. Báo chí trong bối cảnh này vừa tận dụng, vừa phụ thuộc mạng xã hội, bởi không thể nào cạnh tranh nỗi trong cuộc đua với hàng triệu triệu tài khoản “nhà báo công dân” có thể xuất bản mọi lúc, mọi nơi.

Cuộc đua thứ hai đến từ sự tiến bộ quá nhanh của công nghệ. Báo chí đang đứng trước một kiểu độc giả khác với độc giả truyền thống, thông tin đến với họ không bằng cách thông thường như lâu nay, mà phải là sự kết hợp cùng lúc nhiều sản phẩm truyền thông đa phương tiện như video, audio, đồ họa… trên nền tảng công nghệ hiện đại, bạn đọc ngày càng sở hữu nhiều công cụ nghe nhìn thông minh hơn. Trong bối cảnh này, các cơ quan báo chí buộc phải tính toán đầu tư cả về hạ tầng công nghệ, kỹ thuật và thay đổi cả về cơ chế vận hành để không bị bỏ lại phía sau.

Gần như mọi tờ báo đều đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CMS) với những kỹ thuật tối ưu, với đội ngũ kỹ thuật lành nghề nhất nhưng chỉ trong thời gian ngắn lại phải tìm cách cải tiến, thay đổi cho kịp với đồng đội. Báo chí không chỉ làm ra nội dung phục vụ công chúng, định hướng dư luận xã hội mà phải giải quyết bài toán về kinh tế báo chí. Với báo chí Việt Nam, đã có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm cấp bộ, ngành trung ương với hàng trăm cơ quan báo chí lớn đều chưa đi đến kết quả rõ ràng về việc tạo ra mô hình kinh doanh mới, một hệ sinh thái mới giữa các “đại gia” công nghệ để cùng báo chí làm tốt sứ mệnh của mình.

Phóng viên Báo Quảng Nam online đưa tin một ATM gạo ở Tam Kỳ tháng 4.2020.Ảnh: P.V
Phóng viên Báo Quảng Nam online đưa tin một ATM gạo ở Tam Kỳ tháng 4.2020.Ảnh: P.V

Một cuộc đua nữa diễn ra trong chính các tòa soạn báo và nhà báo. Những khái niệm mới về tòa soạn hội tụ, báo chí đa phương tiện, vận dụng trí tuệ nhân tạo trong xuất bản báo chí… không còn là khái niệm mới lạ nữa mà đã thực sự ứng dụng tùy thuộc điều kiện của mỗi cơ quan báo chí. Phóng viên, biên tập viên cũng tự thay đổi thói quen công việc để đáp ứng yêu cầu của tòa soạn, lúc trước họ chỉ quen viết bài, chụp ảnh gửi về biên tập viên xử lý; thì giờ đây họ phải làm nhiều việc hơn, từ quay phim, dựng phim, xử lý âm thanh, nếu am hiểu đồ họa còn có thể tham gia sâu vào khâu thiết kế đối với các tác phẩm chuyên biệt; tự tay mình dàn trang ban đầu trên hệ thống CMS…

Tòa soạn các báo phải đặt ra vấn đề chuyển đổi số trong cuộc đua này từ việc tổ chức lại cơ sở dữ liệu từ trước đến nay để phục vụ chính mình trong tương lai, rồi phải chuyển đổi mô hình vận hành tòa soạn cho phù hợp với xu thế mới; tìm kiếm đối tác truyền thông, đổi mới để tiến tới phương thức truyền thông chuyên nghiệp, tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Cải tiến từng ngày

Sẽ có bạn đọc đặt câu hỏi rằng Báo Quảng Nam đang đứng đâu trong “cuộc đua” ấy? Báo Quảng Nam từ nhiều năm qua đã vận hành và đầu tư mạnh mẽ cùng lúc hai loại hình báo chí truyền thống - tức báo in và loại hình báo chí hiện đại - tức báo điện tử. Trong khi báo in ngày càng phát triển theo chiều sâu với nhiều chuyên đề chất lượng cao được tổ chức thường xuyên, đầu tư công phu, thì báo điện tử hướng tới việc tận dụng và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ nhằm nâng cao chất lượng thông tin, độ nhanh nhạy và tính tiên phong.

Báo Quảng Nam thời gian qua đã đầu tư thích đáng trong việc trang bị phương tiện tác nghiệp sớm và đồng bộ cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; cùng với trang bị cho đội ngũ kỹ thuật xuất bản. Từ chỗ báo in xuất bản cách nhật, khi chuyển sang xuất bản liên tục hằng ngày trong tuần, Ban Biên tập Báo Quảng Nam đã thay đổi thói quen làm việc của hầu hết bộ phận: phóng viên phải thực hiện nội dung ngay trong cuộc họp, nộp tin bài ngay sau khi cuộc họp kết thúc; tòa soạn phải giao ban vào mỗi sáng hàng ngày để kịp thời định hướng tuyên truyền, tổ chức nội dung cho số báo ngày hôm sau; lên kế hoạch xuất bản cụ thể, chi tiết đối với từng thời điểm, sự kiện. Việc dàn trang báo in được thực hiện trên các phần mềm chế bản chuyên dụng, đảm bảo thẩm mỹ, chính xác và nhanh chóng.

Năm 2005, từ một trang tin điện tử ra đời, làm nhiệm vụ cập nhật nội dung thông tin từ báo in; chỉ vài năm sau, tờ báo Quảng Nam điện tử dần được hình thành với tòa soạn báo điện tử với nhiệm vụ sản xuất song hành với báo in, cập nhật nhanh mọi thông tin thời sự chính trị, đời sống hằng ngày. Báo Quảng Nam điện tử bắt tay vào nhiệm vụ đầy thách thức, đó là tìm cách đưa sản phẩm báo chí chính thống đến người đọc, người xem một cách nhanh nhất và tin cậy nhất.

Không có điểm dừng

Đứng trước cuộc cách mạng 4.0, Báo Quảng Nam nhận ra nhiều thách thức đồng thời là cơ hội để thay đổi. Theo một đánh giá từ công cụ phân tích của Google thì độ tin cậy của Báo Quảng Nam điện tử hiện đạt hơn 77% - không thua kém các tờ báo uy tín trong nước, kết quả này là một nỗ lực tổng hợp trong thay đổi cách thức thể hiện từ nội dung, hình thức cho đến ứng dụng kỹ thuật.

Báo Quảng Nam cũng dần tiếp cận phương thức làm việc của tòa soạn hội tụ để tận dụng tốt nhất nguồn nhân lực và phương tiện. Phóng viên được đào tạo để có thể thành thạo kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh và quay video clip trong cùng một sự kiện, bảo đảm sản phẩm của họ sử dụng cho cả báo in và báo điện tử. Phương tiện tác nghiệp giờ không còn là cuốn sổ với cây bút hay máy tính xách tay mà có thể là chiếc điện thoại thông minh như một tòa soạn thu nhỏ.

Báo Quảng Nam cũng là một trong những cơ quan báo đảng địa phương thuộc tốp đầu về ứng dụng phần mềm tòa soạn điện tử để điều hành toàn bộ quy trình điều hành và sản xuất. Báo điện tử được đầu tư mạnh về trang thiết bị và kỹ thuật như phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu (CMS) để phóng viên trực tiếp tác nghiệp; giao diện báo điện tử phiên bản desktop và mobile qua nhiều lần nâng cấp, thay đổi với nhiều tính năng ngày càng hiện đại, tương tác mạnh mẽ với bạn đọc trên mạng xã hội.

Việc ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ vào tờ báo còn thể hiện ở chỗ Báo Quảng Nam điện tử ngày càng có nhiều loại hình báo chí tích hợp trong một đơn vị sản phẩm như video, audio cùng các sản phẩm đồ họa như infographic, emagazine, videogaphic… làm tăng khả năng tiếp cận người đọc, nâng cao chất lượng tác phẩm. Truyền hình online báo điện tử có bản tin truyền hình hàng tuần, sản xuất được phim tài liệu cùng nhiều chương trình truyền hình như Tinh hoa nghề Quảng, chuyên mục OCOP, Khởi nghiệp sáng tạo, phụ trang tiếng Anh Quảng Nam News…

Trong “cuộc đua” chưa biết khi nào đến điểm cuối cùng này, đội ngũ những người làm báo của Báo Quảng Nam xác định đây là cuộc đi dài, để tiến kịp thời đại thì phải không ngừng thay đổi.

HOÀNG LY