Góp tiếng nói, kết tấm lòng
Dùng ngòi bút của mình, góp thêm tiếng nói để gắn kết các tấm lòng sẻ chia với phận đời kém may mắn trên chuyên mục Địa chỉ từ thiện (Báo Quảng Nam), là động lực để tôi tiếp tục trên con đường thiện nguyện.
Trên đường thiện nguyện
Năm 2017, trong một lần đi cùng đoàn thân nhân liệt sĩ tìm mộ người thân ở xã Sông Trà (Hiệp Đức), bắt gặp cô bé Hồ Thị Luyến, dân tộc Ca Dong, ngồi chơi bên vệ đường, quần áo, mặt mũi bê bết bùn. Cả hai bàn tay của bé không như những người bình thường, 2 ngón áp út dính liền vào nhau nên cả hai bàn tay chỉ còn có 8 ngón. Hỏi ra mới biết gia cảnh của bé vô cùng bi đát, cha của bé lúc nhỏ bị rớt vào nồi lửa, nên một chân bị cháy cụt hẳn, phải di chuyển bằng nạng. Vì vậy, anh chỉ làm được những việc nhẹ như bắt ốc, hái rau và chăm sóc con. Vợ anh là trụ cột của gia đình, đảm nhận mọi việc nặng nhọc, đứa con gái thứ hai vì thế mà suy dinh dưỡng nặng.
Bé Hồ Thị Luyến, chỉ 3 tuổi mà đã biết mặc cảm thân phận, mỗi khi thấy người lạ, vội giấu đôi bàn tay. Bé không được đến trường, vì đôi bàn tay lóng ngóng không làm gì được, đến cơm ăn mà mẹ cháu phải đút. Khi về lại Tam Kỳ, tôi có nhờ bác sĩ ngoại khoa tư vấn và được biết, chi phí phẫu thuật khoảng 10 triệu đồng, nếu hai ngón tay chỉ dính phần thịt; nếu dính khớp xương, chi phí cao hơn. Và đặc biệt, nếu phẫu thuật sớm, khả năng phục hồi của đôi bàn tay bé Luyến sẽ rất khả quan.
Sau khi Báo Quảng Nam đăng tải bài viết “Con muốn được đi học”, bạn đọc đã chung tay hỗ trợ em gần 10 triệu đồng. Hai tháng sau em đã được phẫu thuật và được đến trường với hai bàn tay lành lặn, năm nay em đang học mẫu giáo lớn Trường thôn Trà Va, xã Sông Trà.
Cái khổ luôn đè nặng lên gia đình chị Hồ Thị Châu Loan ở thôn 3 xã Quế Lưu (Hiệp Đức). Gia đình chị có 3 thế hệ sống chung một mái nhà, gồm 2 dì ruột, mẹ chị và 4 đứa trẻ. Chị bị ung thư túi mật, phải cắt bỏ túi mật, thời gian gần đây phát hiện thêm bệnh bướu cổ, người mệt mỏi, khó thở. Làm mẹ đơn thân mà phải nuôi 4 đứa con, con trai đầu của chị là Hồ Nhật Linh, đang học lớp 10 có nguy cơ nghỉ học. Khi bài báo “Khát khao được đến trường” đến tay bạn đọc, có một vợ chồng hưu trí xin được giấu tên muốn hỗ trợ em Linh, mỗi tháng 600 nghìn đồng cho đến khi học xong cấp 3. Vậy là Hồ Nhật Linh đã có cơ hội đến trường, năm nay đang theo học lớp 11 và vẫn là con ngoan, trò giỏi.
Bàn tay nắm bàn tay...
Nhiều trường hợp bị ung thư khi còn rất nhỏ, như bé Nguyễn Viết Cường bị mắc 2 căn bệnh ung thư hắc tố da và ung thư hạch; hay bé Võ Yến Nhã ung thư máu; em Đỗ Thị Thu Lý ung thư xương; bé Hồ Thị Hoài mồ côi mẹ khi mới 1 tháng tuổi; bé Trọng Tín bị bỏng nặng, cần tiền phẫu thuật; chị Hồ Thị Hà bị bỏng rất nặng, hai vợ chồng ở bệnh viện, 4 con nhỏ bơ vơ; em Huỳnh Văn Sỹ bị tai nạn nằm bất động trên giường bệnh, vết lở loét, nhiễm trùng, em phải trải qua 12 lần phẫu thuật...
Còn trường hợp Trần Minh Thịnh ở thôn Hóa Trung (Quế Thọ) bị tai nạn rất nặng khi lấy mật ong. Anh Thịnh là lao động chính trong nhà, nuôi em gái Trần Thị Mỹ Lệ, sinh viên năm 3 Trường Đại học Y Dược Huế năm thứ 3. Khi báo phát hành, nhiều tấm lòng thiện nguyện đã chung tay giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, có cơ hội được sống, được chữa bệnh và một điều đặc biệt hơn cả là giúp họ thêm nghị lực để vượt qua những bất hạnh trong cuộc sống. Cộng tác viên Báo Quảng Nam Võ Thị Như Trang, dành số tiền thu nhập ít ỏi của mình để hỗ trợ 300 nghìn đồng/tháng cho trường hợp Huỳnh Văn Sỹ (Thăng Phước - Hiệp Đức), chỉ để động viên người thanh niên tàn tật này thêm động lực để sống và chiến đấu với bệnh tật.
Và mới đây Như Trang tiếp tục hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng cho bạn Trần Thị Mỹ Lệ để có thể theo đuổi giấc mơ giảng đường khi anh trai gặp nạn. Ngoài ra, còn có nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ luôn âm thầm động viên tinh thần, hỗ trợ những đồng tiền nhuận bút ít ỏi của mình để làm việc thiện.
Còn trường hợp em Hồ Thị Bích Phượng, người dân tộc Ca Dong ở xã vùng cao Phước Gia (Hiệp Đức) lúc nhỏ bị rớt vào bếp lửa, phải cắt bỏ chân, mẹ mất, gia đình có đến 7 miệng ăn. Khi hình ảnh Phượng xuất hiện trên truyền thông, được nhiều người hảo tâm đồng cảm và chia sẻ đã giúp cho em có bữa cơm hằng ngày, có áo ấm để mặc đến trường… Và niềm vui đặc biệt hơn nữa, Phượng được làm chiếc chân giả đi lại thuận tiện cùng cuốn sổ tiết kiệm hơn 20 triệu đồng để duy trì việc học.
Hay mới đây nhất, một nhà hảo tâm giấu tên, hỗ trợ mỗi tháng 700 nghìn đồng cho em Nguyễn Thị Quỳnh Như học lớp 9/4 Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) học giỏi, chăm ngoan là con gái chị Trần Thị Minh nhân vật trong bài viết “Mẹ ung thư, 2 con nguy cơ bỏ học” đăng trên Báo Quảng Nam. Ngoài ra bạn đọc giúp chị Minh số tiền gần 10 triệu đồng để chữa bệnh hiểm nghèo.
Nhịp cầu đã bắc, nối những tấm lòng thiện nguyện đến được với các hoàn cảnh ngặt nghèo, càng tạo động lực cho tôi tiếp tục với hành trình đã chọn...