Những chặng đường rong ruổi

HOÀNG LIÊN 21/06/2020 08:56

Tròn 10 năm làm báo, tôi dành kha khá thời gian để rong ruổi qua nhiều vùng đất, nhiều ngôi làng trên khắp mọi miền xứ Quảng, là hành trình học hỏi, chiêm nghiệm, để sống cùng niềm vui, nỗi khổ của người dân sau từng con chữ.

Núi rừng xã vùng cao Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Núi rừng xã vùng cao Tây Giang. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Kỷ niệm khó quên

Còn nhớ năm 2018, cơn lũ dữ tràn về với sức tàn phá nặng nề, nước lớn nhanh đến chóng mặt. Toàn bộ hệ thống điện bị tê liệt nhiều ngày. Để có được bản tin, bài viết về tòa soạn trong ngày, tôi ngồi bó gối trên gác nhà quan sát xung quanh, liên tục điện thoại cho bà con, cho chính quyền huyện, xã, thị trấn, email ở chế độ cập nhật thông tin về lũ. Ngày thứ 3, lũ rút đến đâu, bà con tranh thủ dọn nhà tới đó, song đường sá, kể cả tuyến tỉnh lộ (ĐT) 609, nhiều đoạn vẫn còn ngập sâu trên 1m nước.

Tôi quyết tâm lội 5 cây số còn ngập sâu để về đài huyện, nhưng mọi việc không đơn giản như tôi nghĩ. Chân tay mỏi nhừ do vừa đi vừa dò dẫm, máy móc trên vai nặng ì, một vài đoạn nước còn chảy xiết tưởng có lúc tôi không thể trụ vững. Nhưng có một thứ lửa thôi thúc tôi đi, đó là động lực vượt khó, làm sao để có tin bài sớm nhất chuyển về tòa soạn.

Không ít lần tôi là người đầu tiên chạy tới được hiện trường vùng rốn lũ, các nhà dân, hoa màu, đường sá bị ảnh hưởng nặng do lũ xoáy, rồi lũ cát, bùn non bồi lấp làng ở Thạnh Đại, Đại Mỹ (Đại Hưng)... và những vùng lân cận trong khả năng tôi có thể tiếp cận. Và cũng đôi lần, tôi và một phóng viên trẻ của báo bạn phóng xe về vùng chịu hậu quả nặng nề bởi lũ khi nước vừa rút, bùn non còn dày, xe máy chuồi trên đường trơn trượt. Có lúc, phải hứng chịu cảnh cả người cả xe ngã dúi dụi xuống bùn non, lấm lem quần áo, máy ảnh... Mỗi lần nhớ lại, tôi vui vì 10 năm tuổi trẻ của mình đã dấn thân vào nghề với niềm hăng say.

Chẳng quản ngại mưa nắng, tôi có hành trình qua các huyện Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Tiên Phước... Những chuyến đi nhọc nhằn nhưng lại gợi lên trong tôi cảm xúc mãnh liệt. Đèo Phường Rạnh, con đèo hiểm trở nối liền giữa Duy Xuyên và Nông Sơn. Mãi tới năm 2011, rồi 2013 - 2014, đèo vẫn còn ngổn ngang đá núi lởm chởm, gồ ghề với đá tảng. Thay vì đi Đèo Le - Suối Mát rồi đến trung tâm huyện, chúng tôi men theo đèo Phường Rạnh để có thể tìm hiểu, phản ánh đời sống người dân chân thực.

Suốt đoạn đường, cả người lẫn xe nhảy chồm chồm trên đá, hay có khi phải bỏ lại xe bên đường (do chết máy) mà đi bộ qua làng rồi tìm phương tiện đi tiếp. Nhiều lần qua lại, chúng tôi cũng kịp thời có bài viết, hình ảnh về khó khăn của đất và người, niềm ước mong có con đường lớn... Năm 2015 - 2016, tuyến đường đèo Phường Rạnh cũng được khởi công, san lấp mặt bằng, với cả chục cây số đường đã được bê tông hóa, nối Nông Sơn - Duy Xuyên, xóa đi bao cách trở. Và riêng tôi mỗi lần nhớ lại vẫn là kỷ niệm khó quên...

Đi dọc Trường Sơn

Năm 2018, tôi và đồng nghiệp quyết định băng con đường nhỏ bằng xe máy, đi một mạch từ An Điềm (Đại Lộc) đi Đông Giang, đi dốc Bà Nga, thẳng tiến về hướng thủy điện A Vương, qua làng Z’lao (xã Dang, huyện Tây Giang) để khám phá con đường mòn này với những bí ẩn. Từ An Điềm đi Đông Giang, sau khi qua những chặng đường êm với bê tông phẳng lỳ, bắt đầu hiện ra những con đường đất với dốc, ngầm, khe suối, lèn đá...

Sau khi băng nốt qua cung đường ngoằn nghèo, ngóc ngách, dốc dựng đứng, chúng tôi cũng đến được xã Dang, chỉ còn cách trung tâm huyện chừng 1 tiếng. Bản làng hiện ra xơ xác, rồi cả trầm tích từ hồ A Vương với những xác cây khô, hệ sinh thái bị phá hủy tàn khốc. Đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà hoang nằm bên dòng A Vương giữa tịch liêu. Tò mò, vô tình bắt gặp một phụ nữ lấy củi bên bìa rừng, chúng tôi lân la hỏi chuyện. Thì ra, đó là những căn nhà tái định cư bởi thủy điện A Vương đã bị bỏ hoang gần 10 năm bởi nhà xây xong bị sạt lở, người dân đã tháo chạy khỏi khu tái định cư đi ở xen ghép các làng lân cận trong khi đất canh tác, nhà cửa, nương rẫy bị thu hẹp hoặc mất trắng. Mờ tối, chúng tôi phải rời xã Dang, về trung tâm huyện Tây Giang.

Sáng sớm mai, chúng tôi quyết tâm quay lại làng, phá vỡ kế hoạch ban đầu. Được sự giúp đỡ của hai thanh niên xã Dang, chúng tôi cũng đến với Z’lao, ngôi làng bên bờ sông A Vương. Nói là làng nhưng thực ra làng đã mất, đã chìm dưới sóng nước A Vương. Nhà cửa bỏ hoang bên bờ thủy điện, còn người Z’lao trôi dạt, chọn khoảng giữa sườn đồi lợp nhà sinh sống. Nếu không thông thạo địa hình thì khó mà biết đến ngôi làng “5 không” (không đường, không trường, không trạm, không điện, không sóng điện thoại) nằm giữa sườn núi cheo leo kia.

Sau những bài báo của tôi và đồng nghiệp báo bạn, có khoảng chục tờ báo viết về ngôi làng này. Nhiều chuyến thiện nguyện cũng được đến với làng thông qua báo chí. Năm 2018, từ nguồn kinh phí của Trung ương và địa phương, UBND huyện Tây Giang đã mở con đường dài 11km, san ủi 2 khu tái định cư mới cho người dân Z’lao và vùng lân cận tái định cư với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng. Điều đáng mừng khi lần quay trở lại vào đầu năm 2020 này, Z’lao không còn cô lập trên sườn núi và chặng đường từ làng đến xã được rút ngắn đi 1/3. Nơi làng mới, người dân Z’lao đã bắt đầu dựng nhà. Niềm vui an cư lạc nghiệp trỗi dậy giữa đại ngàn, bên bờ A Vương...

HOÀNG LIÊN