Niềm tin vương víu ở rừng…

BHƠRIU QUÂN 21/06/2020 06:45

Tháng 6. Núi rừng Tây Giang rộn ràng cờ phướn chào mừng đại hội đảng các cấp. Niềm tin đổi mới nhân sự đại hội được người dân nơi đây kỳ vọng. Bởi, công tác cán bộ luôn được đặt lên hàng đầu nhất là trong bối cảnh cần có lớp người trẻ được đào tạo bài bản, hiểu biết và trân quý văn hóa núi rừng. 

Ông Bhơriu Pố vừa hàn huyên chuyện công tác cán bộ vừa nấu nước tiếp khách dưới nhà bếp. Ảnh: BHƠRIU QUÂN
Ông Bhơriu Pố vừa hàn huyên chuyện công tác cán bộ vừa nấu nước tiếp khách dưới nhà bếp. Ảnh: BHƠRIU QUÂN

1. Đang cặm cụi chụm lửa nấu nước cho khách, khi tôi nhắc đến chuyện bố trí, đề bạt cán bộ trên địa bàn huyện, mắt ông Bhơriu Pố (ở thôn Arớh, xã Lăng) sáng bừng, như gãi đúng “chỗ ngứa thâm niên” ở vị cựu cán bộ tuổi 75 này. Vốn là người Cơ Tu đầu tiên trưởng thành về học thức ngay từ thời kỳ chiến tranh, học đại học chuyên ngành Sinh học ở miền Bắc khóa đầu tiên, ông Bhơriu Pố am hiểu lề lối làm việc, sự phát triển của xã hội nhưng không mơ màng làm “quan cao” ở huyện mà về xã Lăng, quê hương của mình để tham gia đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở. Vì theo ông, nếu cán bộ không mạnh từ thôn, xã thì sự phát triển của huyện, tỉnh sẽ yếu; cán bộ ở cơ sở nắm không đầy đủ chủ trương dẫn đến chỉ đạo sai thực tế, chủ trương mà sai thì hỏng lớn...

“Người làm quy hoạch cán bộ mà không biết trước tính cách, đạo đức, chiều hướng phát triển của cấp dưới mình thì cũng như tôi đây nấu nước mà không điều tiết ngọn lửa cho nước sôi khỏi tràn. Bố trí, quy hoạch, cơ cấu cán bộ mà thích ai đưa người đó vào cấp ủy, lên lãnh đạo để rồi tự tung tự tác thì sẽ hỏng mọi việc, như nước kia đã tràn thì sao lấy được nữa”.

(Ông Bhơriu Pố, ở thôn Arớh, xã Lăng)

Lửa cháy. Ông Pố quên rằng mình đang nấu nước để nước sôi trào ra ngoài, ông chỉ: “Người làm quy hoạch cán bộ mà không biết trước tính cách, đạo đức, chiều hướng phát triển của cấp dưới mình thì cũng như tôi đây nấu nước mà không điều tiết ngọn lửa cho nước sôi khỏi tràn. Bố trí, quy hoạch, cơ cấu cán bộ mà thích ai đưa người đó vào cấp ủy, lên lãnh đạo để rồi tự tung tự tác thì sẽ hỏng mọi việc, như nước kia đã tràn thì sao lấy được nữa”.

Ông Bhơriu Pố kể, ở xã Lăng ngày xưa, nhiều cán bộ rất có năng lực, nói đi đôi với làm, được quần chúng yêu mến, nhưng khó nhất lúc bấy giờ quy định phải đạt chuẩn về văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, mà ở vùng núi xa này thời đó dễ gì được đi học, muốn học phải được cấp trên “gọi tên”. Ở vùng đất này, cái nghèo đói có thể giải quyết dần, nhưng trí thức văn hóa mà để chậm thì sẽ kéo theo vấn đề phức tạp khó lường, nảy sinh những hệ lụy khó giải quyết cho thế hệ mai này.

2. Với trách nhiệm Bí thư Đảng ủy xã Lăng, từng học tập ở Trung Quốc và miền Bắc nên ông Pố hiểu vấn đề cần thiết phải đào tạo cán bộ kế cận trong tương lai, thích ứng kịp thời với sự phát triển chung của xã hội. Ông đề xuất với tập thể để đánh giá, phân loại từng cán bộ đương nhiệm và xem xét bố trí, tuyển dụng thêm từ các thôn về “tập làm” cán bộ xã. Thời đó, cán bộ làm việc ở xã do xã tuyển dụng, hưởng theo định suất hỗ trợ, muốn tìm cán bộ giỏi, thành thạo tiếng phổ thông thì có “khấn Giàng” cũng không có, thuộc dạng hiếm, nên những người đi học hết cấp THCS trở về làng được tuyển ngay vào vị trí tham mưu đắc lực và trở thành cán bộ chủ chốt sau này. Mới đầu, cán bộ xã nhiều người chưa học hết lớp 5, thậm chí có người không biết chữ nhưng có tiếng nói rất uy tín, am hiểu văn hóa, phong tục, cuộc sống của từng thôn, hộ gia đình. Khi những người trẻ về tiếp cận trở thành những người tham mưu rất tốt cho họ trong quản lý và điều hành công việc.

Sau khi tái lập huyện Tây Giang năm 2003, lực lượng cán bộ trẻ được ông Bhơriu Pố cử đi học văn hóa bổ túc, đối với những người học xong THPT thì tiếp tục cho đi học chuyên môn và học thêm vi tính; một số người lớn tuổi không đi học văn hóa thì được cử đi học thêm lý luận chính trị để về triển khai chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được kịp thời, chính xác cho nhân dân. Những người được ông Bhơriu Pố cử đi, sau này đều trở thành cán bộ chuyên môn vững chắc trong công việc, làm lãnh đạo xã có uy tín trong nhân dân, một số người được rút lên huyện và trở thành cán bộ chủ chốt tại các phòng ban của huyện, trong đó có cả cán bộ nữ.

Ông Pố bảo, ngày ấy khi cử đi học nhiều người có ý chần chừ, sợ rằng đi sẽ mất vị trí đang làm hoặc học xong sẽ không ai dùng nữa, một số thì hoàn cảnh khó khăn, lao động chính nên không muốn xa nhà. Những trường hợp như thế ông phải “say men” thường xuyên với từng cán bộ để nói hết lòng sự cần thiết phải đi học. “Cho nên có người đi học thì gửi luôn cả vợ con cho lãnh đạo xã chịu trách nhiệm chăm sóc, nhưng việc của Đảng thì không ai làm vậy, phải nhờ đến cộng đồng làng đùm bọc, giúp đỡ. Bây chừ thấy mừng. Mừng vì chủ trương lúc ấy kịp thời và đúng đắn, nếu không xem xét sớm vấn đề phát triển thì giờ đây xã Lăng này không tìm được cán bộ tại chỗ, phải chờ cán bộ tăng cường từ huyện như ở một số xã khác” - ông Pố nói.

3. Ông Pố mừng. Mừng trong niềm vui chung khi có nhiều cán bộ mẫu mực, chất phác được trưởng thành từ bàn tay mình đã cử chọn đưa đi đào tạo. Ông Pố cũng tự hào việc một cán bộ trẻ ở xã mình khi đề cử đảm nhiệm chức vụ cao nhất trong nhiệm kỳ đến mà thẳng thừng từ chối. Ông bảo, đó là người cán bộ có tính Đảng, biết tự trọng, không ham chức quyền, vì thấy mình còn trẻ, cần tu dưỡng thêm để có năng lực hơn nữa mới dám nhận, mà mục tiêu cuối cùng khi gánh vác trọng trách là phải phục vụ nhân dân, lợi ích của dân được đặt lên hàng đầu.

“Ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ nhiệm kỳ đến của xã và huyện?” - tôi hỏi ông Pố. “Cũng lo lắm. Lo vì thiếu cán bộ kế cận, nhất là ở huyện. Quy hoạch cán bộ không cơ cấu đúng thành phần, phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng miền, địa phương thì cán bộ lãnh đạo sau này rất khó thực thi công vụ, thực tế đó đã xảy ra nhiều ở vùng Tây Nguyên trước đây, chúng ta phải nhìn nhận rõ vấn đề của công tác cán bộ. Bây giờ cán bộ rất trẻ, có bản lĩnh, đáp ứng mọi điều kiện quy định, nguồn cán bộ người địa phương rất dồi dào, đủ chuẩn, có người đã là thạc sĩ mà ở vùng này trước đây luôn mơ cũng không được. Việc cơ cấu sau này rất cần phải hài hòa, hợp lý, có như thế trong công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước sẽ suôn sẻ, niềm tin của người dân sẽ lớn, đoàn kết dân tộc vững mạnh” - ông nói.

Ông Pố đưa ra nhận định, ở các xã giữa cán bộ già và trẻ đang cân bằng nhau, nhiệm kỳ này sẽ xem xét tinh giản hoặc cho nghỉ hưu dần để cho những người trẻ làm, phù hợp với thời kỳ cách mạng số, cơ bản đủ chuẩn theo quy định, đáp ứng được mọi công việc hiện nay. Ở huyện cũng vậy, cán bộ trẻ rất nhiều, nhưng cần phải tính đến cơ cấu hợp lý, tuyệt đối không để người địa phương tham gia ít trong cấp ủy, vì nếu ít, dự nguồn cán bộ tại chỗ sẽ thiếu ngay từ đầu nhiệm kỳ, vai trò lãnh đạo của người địa phương sẽ không có, từ đó dẫn đến khi triển khai công việc sẽ gặp nhiều khó khăn, thiếu trách nhiệm. Thời kỳ chiến tranh Đảng luôn quan tâm đào tạo con em các dân tộc thiểu số, ngày nay có điều kiện hơn thì càng quan tâm hơn nữa trong quy hoạch, cơ cấu cán bộ lâu dài vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Tây Giang nói riêng.

Uống ly trà đắng, nhìn vợ mới bước vào nhà, ông chia sẻ luôn: “Đi T’mooi về đó, đi thăm thân lúc cần nhau trong đau ốm, không có tiền thì mang gà, thịt tươi cho người thân dưỡng bệnh, họ quý vì tấm lòng chứ không phải vì đồng tiền. Tiền bây chừ chạy nhiều ngõ ngách quá, phá hỏng tình người”.

Nắng chiều khuất sau đỉnh núi. Ông Pố dừng câu chuyện đi lên chòi duông ở rừng thăm đàn bò đang chờ chủ mang vỏ sắn để ăn. Bước đi chậm chạp nhưng vững chắc, tính cách của người lãnh đạo một thời vẫn dáng vẻ nông dân giản dị, nghiêm túc với chính mình. Vừa đi ông vừa nói: “Làm lãnh đạo thì cũng phải về với rừng thôi, sợ nhất khi niềm tin không còn vương víu ở rừng…”

BHƠRIU QUÂN