Nhớ thời làm báo Giải phóng Quảng Nam

HOÀNG HƯƠNG VIỆT 21/06/2020 05:57

Từ ngày Quảng Nam có tờ báo đầu tiên - báo Lưỡi cày ra đời vào năm 1930 đến nay, có lẽ chưa có tỉnh, thành nào trong nước có nhiều tờ báo qua các thời kỳ như Quảng Nam - Đà Nẵng, từ khi cách mạng còn trong trứng nước, cho đến ngày hòa bình, độc lập trọn vẹn, để chúng ta có 90 năm Báo Đảng Quảng Nam, sống trong lòng quê hương, dân tộc. Và trong chặng đường đó, có một thời đoạn tôi không thể nào quên là những ngày làm cho tờ báo Giải phóng Quảng Nam, ra đời năm 1962, mới đó mà đã gần 60 năm.

Báo Giải phóng. Ảnh tư liệu
Báo Giải phóng. Ảnh tư liệu

1. Thời gian cứ lặng lẽ, mà vùn vụt trôi đi trong bao nhiêu bận rộn của cuộc sống. Nơi thành phố quá đổi tiện nghi và thanh bình, tôi đang viết, như một nghiệp dĩ của người cầm bút, lại bỗng nhớ đến một thời làm báo kháng chiến ở căn cứ, lại muốn sống những ngày cùng các anh chị trong tòa soạn báo Giải phóng Quảng Nam.

Tôi thèm cái không gian và môi trường ngày ấy, không lệ thuộc vào trăm thứ hệ lụy trên đời, không vướng bận những lo toan thường nhật, dích dắc trên dưới mà chỉ lo làm sao dưới âm thanh gầm rú của máy bay, bom tọa độ, pháo bầy và những trận càn chớp nhoáng, Mỹ lết thất thường tìm diệt, tranh thủ viết bài thật nhanh trong cái đói quay quắt, có khi cơn sốt rét vừa nguôi... Viết rồi còn phải xúm nhau lên ma-kết, mang sang nhà in, in xong lo đóng gói để kịp cho giao liên gùi báo đến trạm giao bưu và mong báo sớm đến tận tay các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và đồng bào vùng sâu, vùng xa, đô thị tạm chiếm đang chiến đấu ngày đêm.

Những năm 1963 đến 1970, tờ báo Giải phóng 4 trang, bằng 4 tờ giấy manh nối lại (khổ bằng nửa tờ báo Quảng Nam hiện nay), là cơ quan ngôn luận duy nhất của tỉnh, giữ vai trò chủ lực trong việc thông tin, tuyên truyền đến các huyện thị và nhân dân. Ngoài ra, muốn biết tin tức gi thì chỉ nghe đài (rađio), mà đài thì cũng là của hiếm, chưa có nhiều. Có được tờ báo in li-tô, đôi khi nhem nhuốc, hàng tháng mới đến, chuyền tay nhau đọc đã là niềm vui và quý hiếm vô cùng. Báo Giải phóng sinh ra trong chiến tranh, đồng hành với lửa đạn và gian khổ ác liệt cùng nhân dân, nói tiếng nói của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên trận tuyến đánh giặc, vì thế mà lãnh đạo tỉnh chăm lo chỉ đạo, ưu tiên, ưu đãi bộ phận báo chí tuyên truyền và anh chị em làm báo để bất kỳ trong tình huống nào báo Giải phóng như một mũi xung kích luôn có mặt trong sinh hoạt tinh thần của đông đảo người đọc.

2. Báo đi đâu, nhà in theo đó. Không như Quảng Đà có nhà in, in ti-pô rất sớm (xếp chữ chì dàn trang, chạy máy). Ở Quảng Nam, chủ yếu viết li-tô (viết chữ ngược) trên bản đá mài nhẵn. In li-tô được thực hiện như sau: khi viết xong các khổ báo được bố cục cân đối (dàn trang), lấy nước chanh hoặc lá bứa có chất chua lăn qua mặt chữ (chỉ có nước chua mới giữ được cốt chữ trên đá), sau đó dùng ru-lô làm bằng cao su ruột xe đạp cuốn lại, có cán cầm, lăn vào mực in (mực làm bằng dầu rái trộn với khói đèn dầu hỏa) một lớp vừa phải, sau khi khéo tay đặt chính xác tờ giấy trắng lên mặt đá và dùng ru-lô  sạch lăn đều, để mực “ăn” vào mặt giấy, rồi dùng tay lột tờ báo ra. Báo đẹp, sáng rõ đều phải thành thạo các bước như trên, kể cả nghệ thuật viết chữ trái (kiểu chữ in), chế mực in, mài nhẵn mặt đá, lăn ru-lô mực, ru-lô in và lột tờ báo in xong đem phơi, là cả một công đoạn phức tạp, nặng nhọc vô cùng. Còn nhớ, hai bản đá to, liên hệ tìm được từ Non Nước (Ngũ Hành Sơn) chuyển về, mỗi khi di chuyển phải hai người gùi và giữ gìn như của quý, nếu bị bể vỡ, kể như nhà in nghỉ việc và báo đình bản.

Ban đầu (năm 1962), nhà in chỉ có mỗi anh Hoàng Minh Hiệp, thoát ly lên chiến khu rất sớm, có hoa tay viết li-tô xịn nhất. Về sau, có anh Nguyễn Xuân Yêm, Nguyễn Hồng Sơn ở  Nhà in Quảng Đà chi viện vào. Anh Yêm được cử làm Trưởng Nhà in Giải phóng cho đến năm 1975. Cũng là thời gian nhà in có hơn 20 anh chị em, được phân công nhau làm các khâu từ mài bản đá, viết li-tô, in, gùi cõng giấy, dán nối giấy, đóng gói, chuyển báo, sản xuất, phối hợp với địa phương nơi đóng quân chống càn, vì nhà in có tổ bảo vệ trang bị vũ khí, sẵn sàng đánh địch, thú dữ khi cần.

Suốt những năm kháng chiến, nhà in với tòa soạn báo Giải phóng như hình với bóng. Hai bộ phận thường ở cách nhau không xa và thường di chuyển cùng nhau. Khi di dời phải đảm bảo bí mật, an toàn cho nhà in vì đông người tập trung làm việc, đồ đạc cồng kềnh. Bên báo Giải phóng, đi nhiều, làm việc tản mác. Chỉ chiếc gùi nhỏ, đủ bỏ một bộ quần áo bà ba, chiếc võng dù, vài lon gạo, bắp, lọ muối, chén nhựa hoặc sắt để ăn cơm, uống nước, ít bông băng, thuốc đỏ cứu thương, chiếc đèn con (làm bằng lọ thủy tinh có nắp vặn, khi mở thì trồi tim đèn lên, đủ thắp sáng để làm việc ban đêm), cuốn sổ ghi chép, viết bản thảo, ai có súng, lựu đạn thì mang (súng, lựu đạn, tự đi xin, chứ không phải cấp phát) trừ khẩu AK cơ quan giao cử anh nào khỏe mạnh thì mang giữ để bảo vệ đơn vị khi bất trắc.

“Phong cách” làm việc của anh chị em phóng viên, biên tập là không có giờ giấc, đi đâu ở đâu cũng viết được, ngồi trên võng, trên mỏm đá, tại lán trại, kể cả lúc chạy càn, miễn sao tin, bài viết chỉn chu, nhanh chóng, viết được càng nhiều càng tốt. Khi nào về tòa soạn thì ăn chung, đến bữa mỗi người tự góp gạo từ ruột tượng cá nhân đổ ra 1/3 lon, cơm nấu độn 3/4 sắn là chính, thức ăn chủ yếu mắm cái khuấy nước, cho chút dầu và bột ngọt, thỉnh thoảng thêm canh rau má, rau lang, rau dớn do các bạn nữ đi tìm hái. Họa hoằn lắm mới có thịt heo, thịt rừng và cá tự đánh bắt ở khe suối, được coi là “bồi dưỡng, cải thiện” đời sống…

3. Cách đây chưa lâu, tôi cùng nhà báo, nhà thơ Thanh Hồ, bạn tôi từ Nha Trang ra, đến Nhà văn hóa Bảo tàng Quân khu 5 để nhìn tận mắt bức chân dung Hồ Chủ tịch do họa sĩ Hoàng Kim vẽ trong chiến khu, nay được trưng bày bên cạnh tờ báo Giải phóng Quảng Nam, Xuân 1965. Có lẽ đây là một trong những hiện vật về báo chí còn sót lại sau chiến tranh ở chiến trường Quảng Nam.

Cái ngày còn còng lưng bên giá vẽ ở phòng vẽ hoạ sĩ Nguyễn Viết Hậu, số 86 Hùng Vương, Đà Nẵng, các anh Thanh Hồ, Hoàng Kim, Hoàng Âu, Ngọc Tân, Lê Nguyên, Song Em, Huyền Châu, Hải Triều và tôi đều là những “bạn chiến đấu” thân nhau, “khoác áo” mấy cậu học trò học vẽ để hoạt động trong tổ chức học sinh, sinh viên Huế, Đà Nẵng, nối vào đường dây cơ sở các huyện Tam Kỳ, Thăng Bình, Quế Sơn, Hòa Vang. Ở chỗ 86 Hùng Vương ấy lần lượt ra đi, rồi không hẹn, lại gặp nhau ở vùng giải phóng và gần như chúng tôi đều là những cán bộ báo chí, văn nghệ Mặt trận Dân tộc Giải phóng xông xáo, lăn lộn chừng ấy năm. Và chừng ấy thời gian khốc liệt, các anh Hoàng Âu, Huyền Châu, Lê Nguyên, Ngọc Tân đã hy sinh, Hoàng Kim thì qua đời trong một tai nạn oan ức.

Tôi và Thanh Hồ thấy lại tờ báo Giải phóng như gặp lại những gương mặt bạn bè, trong nỗi xúc động lẫn tự hào. Hoàng Kim không những vẽ giỏi những bức tranh cổ động vào những số đặc biệt, số tết, mà còn làm ma-kết báo rồi xuống hẳn nhà in viết li-tô (chữ trái lên mặt đá), ngồi lăn ru-lô in báo cùng anh em trong những cơn đau dạ dày tái phát hành hạ, vì thường nhật ăn sắn và bắp quá nhiều. Thanh Hồ sau này làm ở báo Khánh Hòa. Anh bảo, không thể nào quên những năm 1960 ở Đà Nẵng với Hoàng Kim, có những hôm thức trắng đêm in thơ Tố Hữu, tranh đả kích Mỹ ngụy do hai anh vẽ và truyền đơn trên giao, rồi đi rải và dán lên tường nhà ở một số đường phố, đóng góp vào việc gây xôn xao, chấn động phong trào chống Mỹ ở đô thị đang lan rộng. Có lẽ vì thế mà Thanh Hồ có những dòng thơ gan ruột đề tặng các đồng nghiệp đã qua đời: “...Những người bạn, những hòn than nồng nhiệt/ Nhóm lửa đời tôi/ Suốt cuộc đời đi qua/ Tôi không thể/ Một mình uống ly rượu đắng/ Mà không có bạn cùng san sẻ ngọt bùi”.

4. Báo Giải phóng Quảng Nam đã để lại trong tôi quá nhiều kỷ niệm. Đôi điều tôi ghi lại như một nhát cắt trong toàn bộ truyền thống báo chí Đất Quảng - Có một khoảnh khắc chưa xa, có một tòa soạn, một ban biên tập, một đội ngũ viết báo không chuyên, nay thì người đã già yếu, thương tật, người tách sang ngành nghề khác, người đã trưởng thành trong làng báo chuyên nghiệp và có người đã nằm lại chiến trường, ra đi mãi mãi không về như các bạn tôi, Văn Đức Hiếu, Đào Thị Mai, Thanh Tuyền, Hoàng Kim, Chí Cao, Nhị Văn, Triều Phương, Nguyễn Ri, Đinh Thành Lê, Xuân Giao... - ở báo Giải phóng Quảng Nam.

HOÀNG HƯƠNG VIỆT