Chuyện làm báo ở huyện
(QNO) - Mặc dù đài cấp huyện (nay là Trung tâm Văn hóa thông tin và Truyền thanh - truyền hình) không được công nhận là cơ quan báo chí, nhưng đối với tôi, làm báo ở huyện cũng có nhiều điều thú vị và nếu được sự tiếp sức của báo, đài cấp trên thì những bài viết của các “lều báo” huyện cũng sẽ có sức lan tỏa rộng và mang lại hiệu quả cao…
Từ chuyện “nuôi bồ câu kiếm tiền” và “quạnh quẽ mộ Thủ Thiệm”
Cách đây gần chục năm, tình cờ nghe người bạn kể về một cựu chiến binh nuôi bồ câu thương phẩm ở thị trấn Núi Thành, tôi thấy hơi lạ và tìm đến viết phóng sự.
Lâu nay, ở Núi Thành chỉ nghe người ta nuôi bồ câu làm cảnh, thi thoảng còn dư, họ bán đi ít cặp ra ràng chứ chưa có ai nuôi nhiều để bán.
Vào tìm hiểu cơ sở nuôi bồ câu của anh Lâm ở khối phố 4, thị trấn Núi Thành, tôi về làm phóng sự phát thanh - truyền hình và viết bài “Nuôi bồ câu kiếm tiền” đăng trên báo in và Báo Quảng Nam điện tử. Sau đó, khi gặp lại chủ nuôi bồ câu, anh rối rít cảm ơn và kể: "Có nhiều người ở các nơi xa tìm đến và cho hay, qua đọc bài “Nuôi bồ câu kiếm tiền” trên Báo Quảng Nam, thấy mô hình phù hợp nên tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Không chỉ nhờ hướng dẫn kỹ thuật nuôi, họ còn mua con giống nên mình có thêm nguồn thu nhập"…
Vào đầu năm 2010, tôi về công tác ở xã Tam Hòa. Vì có thời gian rảnh rỗi, tôi nhờ anh Lê Văn Phú - cháu gọi cụ Thủ Thiệm bằng ông cố ngoại dẫn đến thăm ngôi mộ cụ Nguyễn Tấn Nhơn (tức Thủ Thiệm).
Tận mắt chứng kiến ngôi mộ nằm chơ vơ bên vết lở sâu hoắm sát bờ sông Trường Giang, cảnh quan xung quanh lại nhếch nhác bừa bộn, tôi về viết bài “Quạnh quẽ mộ Thủ Thiệm”, trong đó có kể hành trình đi vận động kinh phí xây dựng mộ của ông Nguyễn Tấn Cự - cháu thứ tôn của Thủ Thiệm. Bài được đăng trên báo Quảng Nam số ngày 23.4.2010 và đã có hiệu ứng rất cao, sức lan tỏa mạnh mẽ, sau đó Đài PT-TH Quảng Nam, các báo đài ở trung ương và phía nam tiếp tục vào cuộc phản ánh tình trạng xuống cấp của ngội mộ danh nhân Thủ Thiệm.
Điều đáng mừng, sau đó không lâu, lăng mộ cụ Thủ Thiệm đã được UBND tỉnh đầu tư xây dựng khang trang ở một vị trí khác rất bề thế tại xã Tam Hòa…
Đến những chiếc xe chạy bằng than củi
Vào đầu những năm 1980, ô tô vận tải hành khách (gọi là xe rờ-nôn) đi tuyến Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Tam Kỳ, Núi Thành - Đà Nẵng... dùng nhiên liệu bằng than củi để chạy vừa gây ô nhiễm môi trường vừa là nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng phá rừng lấy củi đốt than.
Sau khi tìm hiểu thực tế và làm việc với những cán bộ Hạt Kiểm lâm Núi Thành lúc ấy, tôi viết bài “Nhức nhối những rừng xanh yêu thương”, tiếp đó là bài “Chừng nào những thùng than trên xe khách được tháo dỡ?”, trong đó nêu tình trạng phá rừng đốt than, phân tích rõ mức độ tiêu thụ than củi của lượng ô tô vận tải khách khi đó trên địa bàn và phân tích việc “lợi bất cập hại” của việc dùng nhiên liệu than củi chạy ô tô… Bài được Báo Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đăng. Từ bài báo cùng với nhiều tác động khác, sau đó không lâu, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) đã ban hành quyết định cấm ô tô khách chạy bằng nhiên liệu than củi trên địa bàn. Qua sự việc này tôi cảm thấy rất vui vì vấn đề tôi phát hiện rất thiết thực, bài báo đã góp phần để tỉnh ra một quyết định phù hợp.
Trong đời làm báo ở cấp huyện của tôi có rất nhiều kỷ niệm vui, buồn và có những lúc xen lẫn… nỗi lo, nhất là khi viết những bài phản ánh tiêu cực hoặc những vấn đề bức xúc. Tôi cũng đã không ít lần được cơ quan chức năng hoặc một số nhân vật trong bài báo điện thoại mời “gặp trao đổi”, “hỏi thăm” về một số vấn đề bài báo nêu... Nhưng những bài báo “có vấn đề” của tôi đều có đủ tư liệu, chứng cứ, nhân chứng... để chứng minh.
Làm báo cấp huyện vui - buồn lẫn lộn, nhưng có lẽ vui nhiều hơn buồn. Nhân Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6), tôi mạo muội kể lan man về những bài báo đáng nhớ của một người làm báo ở huyện, ngõ hầu chia sẻ với độc giả về cái nghề khá vất vả và tự hào này ở cơ sở...