Nhiều tồn tại trong xây dựng nông thôn mới

NGUYỄN SỰ 18/06/2020 04:26

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp, chậm xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản... là những vấn đề được nêu ra tại hội nghị toàn tỉnh hệ thống Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) các cấp do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì, diễn ra chiều qua 17.6.

Hiện nay, số tiền nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc Chương trình nông thôn mới vẫn còn khá nhiều. (Ảnh minh họa). Ảnh: VĂN SỰ
Hiện nay, số tiền nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc Chương trình nông thôn mới vẫn còn khá nhiều. (Ảnh minh họa). Ảnh: VĂN SỰ

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư thấp

Mặc dù các cấp, ngành đã có nhiều cố gắng nhưng thời gian qua việc thực hiện chương trình NTM vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế.

Ông Đỗ Vạn Lộc – Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho hay, công tác giải ngân vốn đầu tư năm 2019 chỉ đạt 79,9%. Ngân sách trung ương chỉ giải ngân được hơn 361,6 tỷ đồng trong tổng số 416 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 86,9%). Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân hơn 267/310,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 86,06% (còn lại hơn 43,2 tỷ đồng); kinh phí sự nghiệp giải ngân hơn 94/105,7 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 89% (còn lại hơn 11,6 tỷ đồng).

Còn ngân sách tỉnh chỉ giải ngân được gần 298,6 tỷ đồng trong tổng số hơn 585,6 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 51%. Trong đó, vốn đầu tư phát triển giải ngân được hơn 198,8/405,5 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 49,02% (còn lại hơn 206,7 tỷ đồng); kinh phí sự nghiệp giải ngân được hơn 99,7/180,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 55,4% (còn lại hơn 80,3 tỷ đồng).

Thêm nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh cho biết, tính đến ngày 31.5.2020, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn của 200 xã tham gia thực hiện mô hình NTM trên toàn tỉnh (giảm 4 xã so với năm 2019 do sắp xếp, sáp nhập xã và xã lên thị trấn không xây dựng NTM) là 15,28 tiêu chí/xã (tăng 1,18 tiêu chí so với năm 2018); có thêm 14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2019 lên 99 xã, đạt tỷ lệ 48,52%. Nếu không tính 2 xã sáp nhập xã là Quế Cường (Quế Sơn), Quế Bình (Hiệp Đức) và 1 xã lên thị trấn là Hương An (Quế Sơn) thì số xã đạt chuẩn NTM hiện nay trên cả tỉnh là 96 xã, đạt tỷ lệ 48,5%.

Theo mục tiêu đặt ra, năm 2020 Quảng Nam phấn đấu có thêm ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 116 xã, đạt tỷ lệ 58%.

Ông Đỗ Vạn Lộc cho biết, đối với vốn đầu tư phát triển năm 2019, đến ngày 31.1.2020 có đến 7 địa phương chưa phân bổ hết cho cấp xã, gồm Nam Giang 7 tỷ đồng, Tiên Phước gần 1,8 tỷ đồng, Đại Lộc 930 triệu đồng, Thăng Bình hơn 862 triệu đồng, Phú Ninh hơn 622 triệu đồng, Nông Sơn 170 triệu đồng, Tam Kỳ 100 triệu đồng. Trong khi đó, đối với kinh phí sự nghiệp, một số địa phương còn kinh phí thực hiện dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, Chương trình OCOP tương đối nhiều, phải nộp trả về ngân sách trung ương như Thăng Bình hơn 2,2 tỷ đồng, Phú Ninh hơn 2,1 tỷ đồng, Đại Lộc hơn 1,1 tỷ đồng, Tam Kỳ 816 triệu đồng, Tây Giang 748 triệu đồng, Hội An 728 triệu đồng, Hiệp Đức 550 triệu đồng, Nam Giang 450 triệu đồng, Sở NN&PTNT 619 triệu đồng...

Từ thực tế trên cho thấy, các địa phương, đơn vị chưa quan tâm trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất – phần việc rất quan trọng trong xây dựng NTM. Nhiều địa phương, đơn vị chưa chủ động trong việc thực hiện các nguồn vốn được giao; khi xét thấy khả năng giải ngân không hết kế hoạch vốn năm 2019 nhưng vẫn không đề nghị điều chuyển sang cho các địa phương, đơn vị khác có nhu cầu, mặc dù nội dung này đã được UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo NTM cấp tỉnh chỉ đạo, đôn đốc rất nhiều lần.

Không chỉ năm 2019, việc giải ngân vốn Chương trình NTM trong 5 tháng đầu năm 2020 vẫn rất chậm. Tính đến ngày 30.5.2020, tỷ lệ giải ngân trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 9,1%, trong đó có rất nhiều huyện tỷ lệ giải ngân dưới 5% như Nông Sơn 0,4%, Đông Giang 0,7%, Phước Sơn 0,6%, Hiệp Đức 3,3%, Nam Giang 2,2%… thậm chí có địa phương tỷ lệ giải ngân 0% là Hội An.

“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 622/TTg-KTTH (ngày 26.5.2020), đến ngày 30.9.2020 địa phương nào nguồn vốn đầu tư ngân sách trung ương giải ngân dưới 60% thì điều chuyển cho địa phương khác để thực hiện” – ông Lộc nói.

Chậm xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản

Theo Văn phòng điều phối NTM tỉnh, thời gian qua việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản thuộc chương trình NTM vẫn còn nhiều hạn chế. Ông Đỗ Vạn Lộc cho biết, tính đến ngày 31.5.2020, tổng số nợ đối với các xã giai đoạn 2011 - 2015 còn lại đều thuộc huyện Đại Lộc với số tiền hơn 10 tỷ đồng (huyện nợ 559 triệu đồng và cấp xã nợ hơn 9,5 tỷ đồng). Trong đó, nợ công trình đã quyết toán hơn 6,2 tỷ đồng và nợ công trình chưa quyết toán hơn 3,8 tỷ đồng.

“Điều này cho thấy huyện Đại Lộc chưa quan tâm trong việc chỉ đạo xử lý dứt điểm nợ và quyết toán dự án như chỉ đạo của tỉnh và trung ương (vẫn còn 7 công trình chưa quyết toán, mặc dù quá thời hạn quyết toán hơn 24 tháng). Trước tình trạng đó, UBND tỉnh ban hành Công văn số 2541/UBND-KTN (ngày 8.5.2020) chỉ đạo xử lý nợ và yêu cầu kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân liên quan. Trường hợp đến ngày 10.7.2020, nếu địa phương chưa xử lý xong số nợ nêu trên thì thu hồi bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM” – ông Lộc nói.

Quang cảnh hội nghị diễn ra chiều qua 17.6. Ảnh: VĂN SỰ
Quang cảnh hội nghị diễn ra chiều qua 17.6. Ảnh: VĂN SỰ

Trong khi đó, tổng số nợ trong giai đoạn 2016 - 2019 là hơn 415,5 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương và tỉnh nợ hơn 125,7 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện nợ hơn 148 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 141,8 tỷ đồng. Trong đó, nợ công trình đã quyết toán gần 59 tỷ đồng (trung ương và tỉnh nợ hơn 5 tỷ đồng, cấp huyện nợ hơn 17 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 36,6 tỷ đồng); nợ công trình chưa quyết toán hơn 356,6 tỷ đồng (trung ương và tỉnh nợ hơn 120,6 tỷ đồng, cấp huyện nợ hơn 130,8 tỷ đồng, cấp xã và các nguồn khác nợ hơn 105 tỷ đồng).

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, thời gian qua một số huyện chưa quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các xã duy trì, nâng chuẩn NTM nên năm 2019 cả tỉnh có 29 xã bị “rớt” tiêu chí. Trong đó, có 23 xã đạt chuẩn NTM đến cuối năm 2016 và 6 xã đạt chuẩn NTM năm 2017 - 2018.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, thời gian tới, các cấp, ngành cần nỗ lực huy động và linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh. Đồng thời tập trung nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ người dân nông thôn phát triển mạnh sản xuất nhằm nâng cao nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là ở khu vực miền núi...

NGUYỄN SỰ