Khói thuốc lá độc hại ra sao?
(QNO) - Theo các chuyên gia y tế, khi đốt cháy, điếu thuốc lá sinh ra 4.000 - 7.000 tạp chất, trong đó có nhiều chất độc và cực độc …
100 chất độc, 43 chất cực độc từ sự cháy
Các tổ chức y tế trên thế giới cũng xác định có gần 100 các hóa chất được xác định là độc chất. Các độc chất này là nguyên nhân trực tiếp gây ra ung thư phổi, viêm nhiễm đường hô hấp, hầu, thanh quản, mạch máu, bệnh tim mạch, lão hoá, mất thị lực, bệnh răng miệng, hen suyễn, loãng xương và là tác nhân gây các bệnh ung thư tai mũi họng.
Điều đáng nói, nhiều người không hút thuốc lá, nhưng vẫn trở thành nạn nhân của khói thuốc lá. Một nghiên cứu của Viện thuốc lá Hoa Kỳ đã chỉ ra tỷ lệ ung thư trẻ hóa ngày càng tăng xuất phát từ nguyên nhân hút thuốc lá thụ động.
Khói thuốc lá đọng trên áo, cơ thể… sẽ gián tiếp xâm nhập vào người thân xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vô hình trung, đứa trẻ vô tình hút thuốc thụ động và sự nguy hại không kém người hút.
Từ bỏ thuốc lá, có dễ dàng?
Theo các chuyên gia y tế, an toàn nhất vẫn là không hút, không khói thuốc. Tuy vậy, Việt Nam hiện vẫn nằm trong top 15 nước hút thuốc lá cao nhất thế giới với tỷ lệ bỏ thuốc lá thành công rất thấp. Theo thống kê, có đến 45% người nghiện cocain (ma túy) bỏ được, nhưng chỉ có khoảng 8% người nghiện thuốc lá có thể cai nghiện thành công.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho điều này, chính là việc nghiện hành vi ở người hút thuốc lá. Anh Lê Thượng Tiến, ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tác hại của khói thuốc lá thì ai cũng biết, nhưng thực tế việc từ bỏ không dễ dàng. Tôi không thuộc dạng nghiện nicotin, mà việc hút thuốc đã trở thành thói quen hằng ngày khó từ bỏ.”
Nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng nghiện thuốc lá phần lớn do nghiện hành vi. Do đó, để cai được thuốc lá, theo ông phụ thuộc nhiều yếu tố. Trong đó nếu chỉ "hù dọa" hay chỉ dựa vào nhận thức thì rất khó.
“Lọc” nicotine sạch, cách giảm thiểu tác hại thuốc lá?
Theo bà Carrie Wade, Giám đốc Phân khoa Giảm thiểu tác hại, Viện nghiên cứu R Street thì
quá trình đốt cháy chính là mối nguy hiểm lớn nhất nếu con người tiếp xúc dài hạn. Cho nên, loại bỏ việc đốt cháy đã là phương pháp để “lọc” và sử dụng nicotin một cách an toàn hơn.
Hiện tại Y học đã công nhận tác dụng của các sản phẩm nicotin thay thế như miếng dán, kẹo ngậm nicotin hoặc các sản phẩm nicotin dạng xịt,… Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc lá thế hệ mới đã ra đời như sản phẩm thuốc lá làm nóng cũng giúp giảm thiểu tác hại thuốc lá. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế Việt Nam, thuốc lá làm nóng và các loại thuốc lá không cháy khác chỉ nên được cân nhắc là một trong những biện pháp giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá, trong trường hợp người hút thuốc lá trưởng thành có mong muốn tiếp tục lựa chọn hành vi hút thuốc, chứ không thể so sánh được với việc từ bỏ hoàn toàn thuốc lá.
Mặc dù vậy, thuốc lá làm nóng và các loại thuốc lá không cháy khác hiện bị dấy lên lo ngại là tiếp cận với giới trẻ. Vì vậy, các biện pháp quản lý chặt chẽ để tất cả các sản phẩm thuốc lá nói chung không tiếp cận tới trẻ em, thanh thiếu niên là nhiệm vụ vô cùng quan trọng cần ưu tiên hàng đầu.