Làng nghề truyền thống khôi phục sản xuất

VIỆT NGUYỄN 15/06/2020 04:26

Trái ngược với cảnh đìu hiu thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, hiện nay, một số làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đã khôi phục sản xuất với đơn hàng ngày càng nhiều hơn.

Ông Nguyễn Tấn Ký vui mừng vì sản xuất hương đã hồi phục. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Ông Nguyễn Tấn Ký vui mừng vì sản xuất hương đã hồi phục. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Năng động sản xuất

Làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) nhộn nhịp. Ở cơ sở sản xuất hương của gia đình ông Nguyễn Tấn Ký (khu phố 8, thị trấn Hà Lam), 3 máy làm hương hoạt động hết công suất. Với 230kg nguyên liệu khô, 70kg nhang tre, mỗi ngày gia đình ông Ký sản xuất được 300kg hương. Tùy theo chất liệu quế, trầm, tùng... mỗi ký hương thành phẩm có giá dao động 18 - 65 nghìn đồng. Hương được gia đình ông Ký bán cho các đối tác ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, TP.Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế...

Để duy trì các làng nghề, theo Sở Công Thương, các nghệ nhân cần chú trọng truyền nghề cho lớp trẻ. Đồng thời các làng nghề cần tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, tập trung xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm làng nghề. Trong xu thế hội nhập ngày càng rõ nét, tác động nhiều mặt, các làng nghề cần hăng hái tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại, giao thương, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm để  thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở hơn.

“Qua rồi những ngày lận đận vì Covid-19. Nhu cầu của đối tác tăng nên chúng tôi ra sức làm việc, quần quật từ sớm tinh mơ đến tối mịt. Vất vả nhưng tôi và 12 lao động rất vui mừng vì thị trường sôi động trở lại” - ông Ký nói.

Bà Trần Thị Biên, ở khu phố 8, thị trấn Hà Lam năm nay đã hơn 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn miệt mài làm hương. Bà bảo, như hồi Covid bùng phát, phải ở nhà, không làm lụng nên mệt mỏi. Còn khi làm việc liên tục thì khuây khỏa, lại có nguồn thu nhập khá, 250 nghìn đồng/ngày.

Quảng Nam vốn có nhiều làng nghề làm trống. Ngoài làng trống Lâm Yên (xã Đại Minh, Đại Lộc), làng nghề sản xuất trống Đọi Tam ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) cũng dần khởi sắc khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi.

Ông Lê Ngọc Hiển - chủ cơ sở sản xuất trống Lê Hiển (khu phố 9, thị trấn Hà Lam) than ngắn thở dài khi nhắc lại thời điểm dịch Covid-19 hoành hành. Ông Hiển nói: “Đơn hàng bị thu hẹp. Không tập trung đông người nên lao động nghỉ việc. Một số khách hàng yêu cầu trống thì không có xe vận chuyển để giao hàng. Lúc đó hiu hắt, tiêu điều”.

Đến nay, cơ sở sản xuất trống Lê Hiển đã hồi phục. Ông Hiển cho biết, những ngày qua đơn hàng mua trống ngày càng nhiều, nhu cầu phục vụ cho lễ hội trung thu sắp tới cũng như hoạt động của các nhà thờ, trường học.

“Trống Đọi Tam là thương hiệu quốc gia, xuất xứ từ tỉnh Hà Nam. Họ hàng nhà tôi vào Thăng Bình cư trú, mưu sinh với nghề làm trống nhưng đến nay chỉ còn gia đình tôi gắn bó với nghề. Vất vả nhưng giữ nghề và có nguồn thu khá nên yên tâm” - ông Hiển nói.

Hỗ trợ làng nghề

Ông Phạm Phú Hòe - Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình cho rằng, sự tồn tại, hoạt động của các làng nghề truyền thống không chỉ giải quyết việc làm, sinh kế mà còn giữ gìn vốn liếng văn hóa. Huyện Thăng Bình đã có chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm làng nghề xuyên suốt từ trước đến nay.

Trống Đọi Tam của cơ sở sản xuất trống Lê Hiển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Trống Đọi Tam của cơ sở sản xuất trống Lê Hiển. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Qua các mô hình khuyến công, đã hỗ trợ máy móc, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, giúp các làng nghề hồi sinh, phát triển khá mạnh trong thời gian qua, ngoài sản xuất hương, làm trống còn có sản xuất bánh đa nem, phở khô, bún khô, nước mắm... Hiện tại, Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thăng Bình đang phối hợp chặt chẽ với Sở KH-CN thực hiện đúng các thủ tục, quy trình để đăng ký nhãn hiệu độc quyền cho làng nghề Quán Hương.

“Được Bộ KH-CN công nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền là rất quan trọng. Đó là cơ sở để thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, chống hàng giả, hàng nhái, tạo tiền đề để mở rộng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hương, góp phần bảo đảm đời sống cho người sản xuất, duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” - ông Hòe nói. 

Theo ông Đinh Văn Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - xúc tiến thương mại & quản lý cửa khẩu (Sở Công Thương), trong năm nay, triển khai 4 đề án để hỗ trợ, phát triển các sản phẩm nổi bật của các làng nghề, trong đó có nghề làm trống và làm hương ở Thăng Bình. Các làng nghề khôi phục sản xuất khi dịch Covid-19 bị đẩy lùi là tín hiệu rất khả quan. Ngành chức năng ghi nhận nỗ lực, sự năng động ở các làng nghề truyền thống vì nhìn chung sản xuất nhỏ, đầu ra sản phẩm không thuận tiện như các doanh nghiệp sản xuất lớn.

“Để tạo thuận lợi cho phát triển, chúng tôi hỗ trợ các làng nghề truyền thống xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua đổi mới công nghệ, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, giúp đỡ các địa phương mở lớp đào tạo nghề, tổ chức hội thi tay nghề thợ giỏi, khuyến khích các làng nghề phát huy tài năng, trí tuệ, tạo ra những sản phẩm độc đáo, có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề một cách bền vững” - ông Phúc nói.

VIỆT NGUYỄN