Có một biên niên sử báo chí cách mạng Quảng Nam (tiếp theo và hết)
Ở tòa soạn báo Giải phóng Quảng Nam cũng có sự phân công, mỗi anh chị theo dõi một mảng, nhưng khi cần đều viết được các mảng khác như vũ trang, đấu tranh chính trị, văn hóa, văn nghệ, giáo dục, tin trong nước, quốc tế v.v.
Được giao nhiệm vụ ghi tin chậm Đài Tiếng nói Việt Nam (từ 8 giờ đến 10 giờ sáng hằng ngày) và Đài Phát thanh Giải phóng (từ 12 giờ đến 13 giờ hàng ngày), hai chị Phan Thị Minh, Phạm Thị Như Lại đi đâu, ở đâu cũng mang theo bên mình chiếc đài bán dẫn để nghe, ghi lại rồi chọn lọc làm bản tin cho báo. Công việc này đòi hỏi phải tinh nhạy, có nhãn quan chính trị, phát hiện nhanh bản tin nào cần phải sử dụng nguyên văn hoặc tóm tắt.
Ngoài công việc chính, báo Giải phóng có lúc còn cử phóng viên xuống tổ chức các đợt tập huấn cho cộng tác viên, hoặc nói thời sự ở một số huyện. Năm 1966, báo tổ chức Cuộc thi sáng tác thơ trên toàn tỉnh. Năm ấy bài thơ “Qua đồn Đất Đỏ” của tác giả Triều Phương đạt giải Nhất (đồn Đất Đỏ ở Tam Kỳ bị qquân giải phóng Quảng Nam san bằng năm 1965). Sau đó, bài thơ in trong tập thơ tuyển chọn của báo cùng các bài “Dũng sĩ diệt Mỹ”, “Bình Dương quê ta”, “Bài ca chào mừng”, “Thư ra tiền tuyến”, “Đường về mùa Xuân”... của các tác giả khác. Năm nào báo Giải phóng cũng in được vài tập ca dao khổ nhỏ, số lượng lớn, phát hành rộng rãi, vào tận huyện lỵ, thị xã tạm chiến (Tôi còn giữ được mươi tập đến nay).
Chưa bao giờ tòa soạn ở lâu một nơi được vài tháng, dù là ở trên núi, chỗ hiểm trở, mà luôn di dời để tránh địch càn quét, đánh phá. Vất vả nhất là làm lán trại và đào hầm. Có khi làm xong, chưa ở, lại phải đi nơi khác, hoặc bị tàu gáo (rọ) Mỹ lùng sục bắn cháy. Suốt những năm tháng ấy, tòa soạn xê dịch, lúc đóng quân ở thôn 4 xã Phước Sơn, lúc xuống Phước Cẩm, rồi lên xã Phước Hà, huyện Tiên Phước. Sau đó, tòa soạn vào ở dốc Ông Đồi xã Kỳ Quế, rồi sang Kỳ Sơn, huyện Tam Kỳ. Lúc phải lên tận nóc Ông Đề gần mỏ vàng Bồng Miêu. Mỹ lết, B52 nhiều quá, lại đùm túm nhau lên Phương Đông, Dương Yên, xa nhất là Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước. Cách đây 10 năm, thôn 4 Phước Sơn là nơi được đặt bia đá kỷ niệm địa chỉ lịch sử của Ban Tuyên huấn Quảng Nam đóng quân đầu tiên tại vùng căn cứ địa cách mạng Sơn Cẩm Hà của tỉnh, trong đó có báo Giải phóng Quảng Nam, ở nhà bác Sơn. Bây giờ, chỗ ấy không có nhà dân, chỉ có cây cối um tùm, bao phủ bạt ngàn rừng núi.
Đi đâu, ở đâu anh em phóng viên, biên tập của chúng tôi cũng bám theo các chiến dịch, hoạt động đánh địch của bộ đội ta. Rồi báo phản ánh các phong trào, các đợt phát động thi đua giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, tòng quân, vận chuyển lương thực, đấu tranh chính trị, binh vận, xây dựng vùng giải phóng... Hay các đại hội, liên hoan chiến sĩ thi đua, dũng sĩ diệt Mỹ, đoàn thể nông dân, thanh niên, phụ nữ; các hội nghị ban, ngành, tỉnh đội; các tấm gương tiên tiến, người tốt việc tốt... Đi đâu chúng tôi cũng ghi chép, viết tin, bài, tích lũy tư liệu để sau này có điều kiện viết ký, truyện.
Tôi đã vài lần được lãnh đạo ban, chủ yếu là tòa soạn báo, cử sang Tỉnh đội, đi theo các đồng chí chỉ huy áp sát trận địa. Như trong trận đánh xáp lá cà của quân Giải phóng với bọn Mỹ ở Núi Thành năm 1966 lừng danh cả nước, được tặng 8 chữ vàng “Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ” (Tôi có viết bài thơ “Lời thề diệt Mỹ”, in trên báo Giải phóng và in trong tập thơ tuyển “Tiếng thơ đất Quảng”, nay tôi còn giữ tập thơ). Hay trận đánh đốt cháy đoàn xe quân sự của địch trên quốc lộ 1, đoạn Mộc Bài - Bà Rén huyện Quế Sơn, năm 1967. Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, tôi và anh Nguyễn Đình Khôi được phân công theo cánh quân Huyện đội Tam Kỳ vào thị xã trong đêm quân ta nổ súng đánh địch, làm nhiệm vụ chiếm phòng thông tin, dùng ô tô gắn loa đọc tin chiến thắng, kêu gọi ngụy quân ngụy quyền ra hàng, phát báo chí, tờ tin tới đồng bào và viết tin, bài, chụp ảnh tại chỗ. Nhưng chiến sự không thuận lợi, sáng hôm sau phải rút về hậu cứ, thì anh Nguyễn Đình Khôi bị địch phản kích bắt ngay tại tỉnh đường Quảng Tín đưa đi cầm tù. Mùa xuân đó, báo Giải phóng dốc toàn lực làm tờ báo Xuân Mậu Thân 8 trang, với nội dung phong phú, in số lượng lớn, cùng với các tập thơ, ca dao chọn lọc, các tờ rơi và áp-phích được anh em tòa soạn mang theo vào các quận lỵ, thị xã được phân công đi chiến dịch...
*
* *
Ngày 26 tháng 3, rồi 29 tháng 3 năm 1975, Quảng Nam, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Tôi không có may mắn được cùng anh chị em trong Ban Tuyên huấn, đặc biệt là báo Giải phóng Quảng Nam - nơi tôi công tác - đón chào ngày quê nhà sạch bóng quân thù, vì đang vào học năm đầu đại học báo chí ở Hà Nội. Ngày ấy, chắc anh chị tòa soạn báo vui mừng và hạnh phúc, vì sau chặng đường xuôi ngược lại được trở về giữa lòng thành phố Đà Nẵng và đất trời xứ Quảng thân yêu, để bước vào một thời kỳ mới trong quê hương hòa bình, độc lập, bỏ lại đằng sau bao nhiêu nhọc nhằn, gian khổ, những vui buồn, mất mát không tránh khỏi trong chiến tranh. Nhưng một điều khẳng định, chúng tôi có những năm tháng sống đẹp bằng cây bút, trang giấy như những chiến sĩ ngoài mặt trận, đánh giặc, cứu nước, góp một phần đáng kể vào sự nghiệp cách mạng, được Đảng và nhân dân tin yêu, nuôi dưỡng. Có vinh dự và hạnh phúc nào bằng!
Với dung lượng cho phép, tôi chỉ ghi lại được bấy nhiêu chi tiết chưa đầy đủ, coi như chút ký ức của một người được làm việc trong tòa soạn báo Giải phóng Quảng Nam, một thời đã qua.