Cuộc đua sản xuất vắc xin Covid-19

QUỐC HƯNG 13/06/2020 06:28

Trong lúc dịch bệnh do vi rút Corona chủng mới gây ra (Covid-19) trên thế giới vẫn còn trầm trọng, Đông Nam Á bất ngờ trở thành “đối thủ” trong cuộc đua sản xuất vắc xin phòng ngừa bệnh này.

Đông Nam Á là khu vực có năng lực phát triển vắc xin. Ảnh: GLAXOSMITHKLINE, AFP, REUTERS
Đông Nam Á là khu vực có năng lực phát triển vắc xin. Ảnh: GLAXOSMITHKLINE, AFP, REUTERS

Sau khi dịch bùng phát, các nhà khoa học, các quốc gia trên thế giới chạy đua nghiên cứu và thử nghiệm các loại vắc xin và thuốc điều trị Covid-19. Tại khu vực Đông Nam Á, các dự án nghiên cứu này đạt được những bước tiến đầy hứa hẹn. Với nguồn nhân lực, tài nguyên trong lĩnh vực y học, Thái Lan đẩy mạnh việc phát triển vắc xin phòng ngừa Covid-19, đồng thời hy vọng qua đó có thể thúc đẩy du lịch y tế vốn mang về hàng tỷ USD cho đất nước này mỗi năm.

Vào tháng trước, sau khi thử nghiệm vắc xin Covid-19 thành công ở chuột, Thái Lan bắt đầu thử nghiệm trên khỉ. Đây được xem là một trong ít nhất 100 loại vắc xin tiềm năng đang được phát triển trên toàn cầu. Thái Lan cho biết nếu tiến hành thử nghiệm trên người thành công vào cuối năm nay thì sẵn sàng bào chế vắc xin Covid-19 trong năm tới.

Đến nay, Thái Lan ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm và hơn 50 trường hợp tử vong do Covid-19 và được đánh giá đã có một số thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Công cộng Thái Lan Anutin Charnvirakul nói, điều quan trọng là phải hướng tất cả nỗ lực tới việc phát triển vắc xin và đưa Thái Lan lên bản đồ y tế.

Singapore đầu tư rất nhiều vào nghiên cứu và phát triển về chẩn đoán, vắc xin và trị liệu bệnh Covid-19. Các nhà khoa học ở Singapore đang phát triển một loại vắc xin Covid-19 với hy vọng các thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn đầu có thể được tiến hành trong tháng này. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết thêm, các nhà nghiên cứu Singapore cũng đang phát triển các kháng thể đơn dòng trị liệu và thử nghiệm lâm sàng các phương pháp trị liệu khác nhau.

Tương tự, các công ty dược phẩm lớn của Indonesia và các đối tác nước ngoài tham gia cuộc đua sản xuất vắc xin chống lại loại vi rút Corona chủng mới đến nay khiến đến 2.000 người tử vong tại quốc gia đông dân thứ tư thế giới này. Đầu tháng 5 vừa qua, Viện sinh học phân tử Eijkman của Indonesia hoàn thành 3 mô hình trình tự gen của chủng vi rút Corona, có thể tăng tốc độ truy tìm nguồn gốc bệnh. Dự án này được nhà sản xuất vắc xin quốc gia Bio Farma hợp tác thực hiện. Bio Farma cũng là một trong những nhà sản xuất vắc xin lớn nhất ở Đông Nam Á, có khả năng sản xuất hai tỷ liều mỗi năm. 

Theo trang tin asia.nikkei (Nhật Bản), Việt Nam là một quốc gia Đông Nam Á có khả năng tự cung cấp vắc xin vượt trội. Việt Nam đã loại trừ bệnh bại liệt vào năm 2000 và uốn ván vào năm 2005 thông qua tiêm chủng hàng loạt. Năm 2013, một nhà sản xuất vắc xin của Việt Nam sản xuất hàng loạt vắc xin chỉ trong sáu tháng, sử dụng các kỹ thuật do Nhật Bản phát triển, để ngăn chặn dịch sởi ở nước này.

Ba năm sau đó, Việt Nam trở thành quốc gia châu Á thứ tư sản xuất vắc xin kết hợp sởi - rubella (RM) và có thể sản xuất 11 trong số 12 loại vắc xin cần thiết cho Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2017. Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, đặc biệt là cho đến nay chưa có trường hợp nào tử vong, nhận được sự quan tâm và khen ngợi của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang thực hiện thử nghiệm trên người để kiểm tra tính hiệu quả của vắc xin BCG trong việc ngăn ngừa Covid-19.

QUỐC HƯNG