Mô hình cộng đồng không chất thải

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 11/06/2020 11:24

Khởi động lại những gì mà cộng đồng cư dân Hội An lâu nay xao nhãng trong việc quản lý chất thải để hoàn thiện năng lực phân loại rác tại nguồn từ chính hộ gia đình là mục đích mà dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn” tổ chức triển khai thí điểm tại hai xã Tân Hiệp và Cẩm Thanh.

Cộng đồng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. Ảnh: T.L
Cộng đồng đóng vai trò quyết định đến sự thành công của dự án. Ảnh: T.L

Thí điểm quản lý rác thải

Đều là những làng quê có hoạt động du lịch phát triển sôi động trong những năm gần đây ở TP.Hội An nên môi trường xã Cẩm Thanh và Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp) đối mặt với áp lực rác thải ngày càng lớn từ cộng đồng cùng khách du lịch. Từ đó, mục tiêu của dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại cộng đồng châu Á được lựa chọn” nhằm truyền thông nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải cho cộng đồng 2 xã này để hình thành ý thức bảo vệ môi trường, hướng đến không rác thải và thí điểm các cơ sở thực hành quản lý rác thải (MRF).

Bà Huỳnh Thị Thùy Hương - Phó Trưởng phòng Truyền thông (Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm - đơn vị được giao chủ trì thực hiện dự án) cho biết: “Cái đích lớn nhất mà dự án hướng đến không phải là buộc người dân không tạo ra phát thải mà là biết vận dụng rác thải như tài nguyên; cộng đồng biết từ chối, giảm thải những thứ không cần thiết; tận dụng rác hữu cơ để làm phân compost…”.

Mục tiêu của dự án là giúp người dân vận dụng rác thải như một loại tài nguyên có thể tái chế. Ảnh: T.L
Mục tiêu của dự án là giúp người dân vận dụng rác thải như một loại tài nguyên có thể tái chế. Ảnh: T.L

Dự án sẽ có khoảng 12 tháng để triển khai hành động các vấn đề như: tập huấn phương pháp phỏng vấn, giám sát và kiểm toán rác thải; giám sát rác thải và kiểm toán thương hiệu; xây dựng thí điểm các cơ sở thực hành quản lý rác thải; xây dựng kế hoạch 5 năm về quản lý rác thải rắn; tập huấn và các chiến dịch truyền thông, giáo dục tại địa phương và nâng cao năng lực thu gom rác hộ gia đình.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ, xét về nguồn lực thực hiện, đây là một dự án không lớn, nhưng nếu biết cách triển khai thì ý nghĩa, sự hiệu quả của nó về lâu dài rất lan tỏa, trong bối cảnh mà Hội An nói chung cũng như Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm nói riêng phải đối mặt với áp lực rác thải hiện nay.

Người dân quyết định sự thành công

Dự án “Xây dựng và chia sẻ mô hình không chất thải tại các cộng đồng châu Á được lựa chọn” được UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định phê duyệt vào tháng 3.2020 do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng) tài trợ thông qua chương trình Tái chế rác thải đô thị (MWRP) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ban hành. Dự án được thực hiện tại xã Cẩm Thanh, Tân Hiệp (TP.Hội An) từ tháng 5.2020 đến 3.2021.

Tại hội thảo khởi động dự án diễn ra vào sáng 10.6, các đại biểu thống nhất rằng, từ thực trạng quản lý rác thải cũng có thể hình dung, đánh giá được thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này, nhất là trong điều kiện đô thị du lịch sôi động như Hội An. Ông Lê Ngọc Thảo - cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, điểm nhấn của dự án nằm ở việc đưa ra bộ chỉ số kiểm toán rác thải.

“Chúng ta hãy triển khai dự án một cách có trách nhiệm thay vì quá chú trọng vào tiến độ mà làm một cách vội vã. Qua dự án chúng ta xác định được đường đi rõ ràng của rác thải và đi tới đâu sẽ quy trách nhiệm cụ thể từng phần việc phải giải quyết cho từng người, từng đơn vị” - ông Thảo nói.

Ông Bùi Minh Thuận - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh chia sẻ, địa phương có thuận lợi trong triển khai dự án này khi mỗi thôn đều đã hình thành tổ thu gom tập trung, tuy nhiên cái khó hiện nay là chưa có nguồn hỗ trợ để trang bị thùng rác nhằm phân loại ngay tại nguồn.

Theo ông Nguyễn Thế Hùng, việc triển khai dự án này cần đồng bộ với một số dự án cũng liên quan đến quản lý rác thải đang triển khai trên địa bàn thành phố để khớp nối nhịp nhàng, tránh sự lãng phí nguồn lực, đồng thời tăng thêm hiệu quả.

Còn đại diện lãnh đạo Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.Đà Nẵng (đơn vị tài trợ dự án) cho rằng, Cẩm Thanh và Tân Hiệp là những địa phương mà người dân đã có nền tảng tốt, sớm tiếp cận các quy trình quản lý rác thải nên rất thích hợp để thí điểm triển khai mô hình. Nếu hai xã này thí điểm không thành công thì rất khó để có thể triển khai rộng rãi ở các địa phương khác của TP.Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC