Cánh đồng điện gió giúp đối phó biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 10/06/2020 18:23

(QNO) - Với tiềm năng to lớn dọc theo bờ biển dài hơn 3.000km, những cánh đồng điện gió ngoài khơi rộng lớn của Việt Nam sẽ góp phần giải quyết các thách thức biến đổi khí hậu.

Một cánh đồng điện gió tại Việt Nam. Ảnh: vietnaminsider
Một cánh đồng điện gió tại Việt Nam. Ảnh: vietnaminsider

Kênh tin tức nổi tiếng của Singapore - Channel NewsAsia (CNA) số ra ngày 10.6 cho biết, Việt Nam có thể trở thành một trong những nhà sản xuất hàng đầu toàn cầu trong tương lai về sản xuất năng lượng gió hay năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Công suất phát điện hiện tại của Việt Nam vào khoảng 54GW và Chính phủ có kế hoạch tăng hơn gấp đôi, lên 130GW trong thập kỷ tới. Công nghệ gió ngoài khơi có thể chứng minh là một cách hấp dẫn và khả thi để thực hiện bước nhảy vọt đó. Thậm chí, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) phân tích rằng nếu được khai thác triệt để, những tua bin gió ngoài khơi có thể tạo ra công suất lên tới 160GW tại Việt Nam.

Theo ông Erik Kjær - cố vấn cao cấp của DEA, Việt Nam may mắn có đường bờ biển rất dài và tốc độ gió tốt. Vì vậy, nếu đề ra các mục tiêu khung và chính sách phù hợp, tiềm năng kỹ thuật đối với gió ngoài khơi là rất lớn, công nghệ có thể đóng góp đáng kể vào việc cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Còn theo bà Liming Qiao - Giám đốc khu vực châu Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC), lợi thế tuyệt đối trên có thể đưa Việt Nam trở thành vị trí thủ lĩnh trong khu vực Đông Nam Á khi đầu tư vươn xa hơn, thay vì tập trung vào ven bờ như hiện nay.

Dựa trên báo cáo hồi tháng 3.2020 của một nhóm chuyên gia về năng lượng tái tạo, hiện Việt Nam khai thác được 14,7GW điện năng gió cả ngoài khơi và gần bờ. Dự đoán đến năm 2030, Việt Nam có thể tạo ra 10 - 12GW năng lượng gió ngoài khơi trực tiếp, chiếm khoảng 1/3 công suất điện gió ngoài khơi thế giới.

Chi phí lắp đặt và vận hành các tua bin khổng lồ trong đại dương đang nhanh chóng giảm đi. Cạnh đó, trước những câu hỏi về tác động của bão đối với các hoạt động ngoài khơi, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng gió ngoài khơi ổn định hơn so với trên bờ, mang lại độ tin cậy quanh năm.

Giám đốc GWEC Liming Qiao cũng cho hay, chi phí năng lượng tái tạo đang giảm đáng kể và đây là thời điểm tốt nhất để năng lượng tái tạo đóng vai trò lớn hơn trên thị trường. Gió và những nguồn năng lượng tái tạo khác hiện là công nghệ hứa hẹn nhất trong việc bù lấp các lỗ hổng của Thỏa thuận khí hậu Paris, có thể giúp Việt Nam chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vốn vẫn là một trở ngại lớn để đạt được các mục tiêu biến đổi khí hậu. Bởi theo hãng Fitch Solutions, sản xuất điện than vẫn là lựa chọn thiết thực và hợp lý nhất cho Việt Nam hiện nay.

Hãng tin CNA không quên nhắc đến Việt Nam là một câu chuyện thành công hiếm hoi trong việc giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19 và vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 5,4% trong năm nay. 

Chính phủ đang hoàn thiện kế hoạch phát triển sức mạnh quốc gia mới nhất của mình, trong đó nhấn mạnh vai trò của năng lượng tái tạo trong những thập kỷ tới, có khả năng mang lại sự rõ ràng hơn cho các nhà đầu tư.

NAM VIỆT