Trợ lực cho hoạt động văn hóa cơ sở
Hai tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí số 6 và tiêu chí số 16) trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) mang đến nhiều khởi sắc cho các địa phương. Tuy nhiên, để có một môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, ngoài nỗ lực của chính quyền và người dân, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.
Khởi sắc
Một chiều cuối tuần, tại Trung tâm VH-TT xã Điện Hồng (thị xã Điện Bàn), rất đông thanh thiếu niên tập trung trong khuôn viên để hoạt động thể thao. Trung tâm VHTT xã Điện Hồng được đánh giá là một trong các nơi duy trì và tổ chức tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thu hút nhân dân tham gia.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 168/204 xã, phường, thị trấn thành lập trung tâm văn hóa cấp xã, có ban chủ nhiệm và quy chế hoạt động, trong đó có 155 trung tâm đáp ứng cơ sở vật chất theo quy định; ở cấp thôn có 1.062 nhà văn hóa (đạt tỷ lệ 90%), trong đó khoảng 750 nhà văn hóa đạt chuẩn. Toàn tỉnh có 373 điểm vui chơi cho trẻ em và người cao tuổi (kể cả tư nhân và Nhà nước), trong đó, cấp tỉnh có 4 điểm, cấp huyện 8 điểm, cấp xã 141 điểm và thôn 220 điểm.
Ông Lê Ngọc Ba - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Hồng cho biết, triển khai phong trào xây dựng NTM và “Khu dân cư NTM kiểu mẫu”, địa phương đã nhận được sự đồng tình ủng hộ cả về của cải, vật chất, tinh thần rất lớn từ nhân dân. Nhiều hoạt động thể dục thể thao được tổ chức tại trung tâm phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương.
Ông Lê Ngọc Ba cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, xã đã chú trọng huy động các nguồn lực, vận động nhân dân chung tay xây dựng thiết chế văn hóa trên địa bàn, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tất cả nhà văn hóa thôn của xã hiện nay đều có sân thể thao đơn giản, nhà vệ sinh, hệ thống âm thanh… đáp ứng yêu cầu sinh hoạt, hội họp, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong nhân dân…
Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí số 6 và 16. Điều này góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Theo đánh giá từ Sở VH-TT&DL, hằng năm các địa phương đều xây dựng kế hoạch, chương trình công tác và triển khai các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt và hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Ngoài ra, việc tổ chức hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao được chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên, phong phú về hình thức và nội dung. Các hoạt động này đã thúc đẩy và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào xây dựng NTM, đô thị văn minh và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”... tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Thiếu người “cầm trịch”
Hiện nay, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa - thể thao ngày càng được tăng cường, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo các giá trị văn hóa tinh thần, bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở các xã xây dựng NTM, việc ưu tiên nguồn lực cho các tiêu chí văn hóa giúp các địa phương từng bước đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, nhiều cán bộ văn hóa cơ sở thừa nhận, dù được ưu tiên nhưng nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao chưa đồng bộ. Kinh phí vẫn chủ yếu tập trung các xã xây dựng NTM và các thôn, xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong khi đó, nhiều nhà văn hóa cấp thôn hay nhà làng truyền thống xây dựng lâu đã xuống cấp nhưng nguồn vốn hỗ trợ sửa chữa chưa kịp thời.
Đáng nói, trong khi có nơi khu vui chơi giải trí công cộng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân, thì không ít nơi đã bỏ hoang, lãng phí nhiều thiết chế văn hóa. Điều này được lý giải vì thiếu kinh phí tổ chức hoạt động cũng như thiếu con người.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ làm công tác này ở cơ sở còn quá mỏng, thu nhập không nhiều, nên tìm kiếm người “cầm trịch” những hoạt động văn hóa tại các thiết chế rất khó. Nhiều nơi, một cán bộ văn hóa phải kiêm rất nhiều nhiệm vụ, từ quản lý di tích, tổ chức hoạt động VH-TT đến tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa... Hoặc cũng có địa phương khi sử dụng cán bộ văn hóa thường chỉ tìm kiếm những người có năng khiếu văn nghệ, chưa được đào tạo bài bản về công tác quản lý cũng như kinh nghiệm tổ chức hoạt động. Thiếu người quản lý chuyên nghiệp, các thiết chế văn hóa sẽ mau chóng lụi tàn sau thời gian rầm rộ xây dựng. Đây chính là vấn đề đặt ra sau khi các tiêu chí văn hóa đã hoàn thiện về mức độ cơ bản.