Truyền thông quốc tế đánh giá tích cực Việt Nam phê chuẩn EVFTA
(QNO) - Nhiều trang báo quốc tế đưa tin đậm nét về việc Việt Nam chính thức phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) vào hôm qua 8.6.
Tờ asia.nikkei (Nhật Bản) có bài viết: “Việt Nam bật đèn xanh EVFTA để trở thành quốc gia Đông Nam Á thứ hai có hiệp định như vậy với EU (Liên minh châu Âu - PV), sau Singapore”.
Tờ báo này trích dẫn thông tin từ trang web của Quốc hội Việt Nam: EVFTA cũng đặt ra một số thách thức, trong đó tạo ra áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa và dịch vụ từ EU đối với các doanh nghiệp, hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam.
Sau khi EVFTA dự kiến có hiệu lực vào đầu tháng 8 tới, 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ được miễn thuế, cũng như 65% lô hàng của EU đến Việt Nam. Các mức thuế còn lại sẽ được Hà Nội miễn thuế lên tới 99% sau 10 năm và Brussels (Bỉ) sau 7 năm.
Việt Nam đang được hưởng lợi từ chương trình ưu đãi thuế quan của EU. Tuy nhiên, EVFTA chắc chắn giúp EU trở thành khách hàng lớn hơn của Việt Nam. Phòng Thương mại EU tại Việt Nam (EuroCham) khẳng định, EVFTA đại diện cho một chiến thắng cùng có lợi thực sự không chỉ đối với các doanh nghiệp EU và Việt Nam mà còn đối với công dân của cả hai bên. Bước tiếp theo là đảm bảo triển khai suôn sẻ và hiệu quả.
Hãng tin Reuters (Anh) cho rằng, EVFTA tiến tới cắt giảm hoặc loại bỏ 99% thuế quan đối với hàng hóa giao dịch giữa Việt Nam và EU. Sau đại dịch Covid-19, EVFTA được hy vọng sẽ là cú hích cho kinh tế Việt Nam, đặc biệt tăng trưởng mạnh mẽ cho hàng may mặc và giày dép, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Bangladesh. Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 5 vừa qua đánh giá EVFTA có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 2,4% và 12% xuất khẩu từ nay đến năm 2030.
Tờ DW (Đức) viết, Việt Nam chính thức phê chuẩn thỏa thuận thương mại lớn với EU. EVFTA là thỏa thuận thương mại đầy tham vọng nhất của EU với một quốc gia đang phát triển. EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và hơn 44% vào năm 2030 so với không có hiệp định. Đồng thời kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng hơn 15% vào năm 2020 và hơn 36,7% vào năm 2030.
Tờ DW cũng thông tin, Việt Nam đã sớm ngăn chặn được sự lây lan của vi rút corona mới với việc đóng cửa biên giới nghiêm ngặt và các biện pháp cách ly xã hội hiệu quả. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại khu vực Đông Nam Á. Thương mại hai chiều Việt Nam - EU lên tới 56 tỷ USD (49,5 tỷ euro) vào năm ngoái.
Trang abcnews (Mỹ) cho biết, Việt Nam phê chuẩn thỏa thuận thương mại mang tính bước ngoặt với EU, dự kiến sẽ tiếp sức cho ngành sản xuất và xuất khẩu của đất nước này. Trang báo cũng nhắc lại, EVFTA được ký kết tại Hà Nội vào tháng 6.2019 và được Nghị viện EU phê chuẩn vào tháng 2 năm nay.
EVFTA sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam, tăng cường sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất 10 năm là 38 tỷ USD vào năm 2019. Khoảng 2/3 trong số đó đi vào sản xuất và thỏa thuận này sẽ giúp duy trì xu hướng đó.
Hơn 30 năm kể từ khi tiến hành cải cách kinh tế để hội nhập với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam - quốc gia có dân số 95 triệu người đang nổi lên như một cường quốc sản xuất.