Mười năm - một hành trình nhân ái
Hoạt động chữ thập đỏ (CTĐ) ở Quảng Nam ngày càng lan tỏa sâu rộng, nhất là từ khi thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8.6.2010 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội CTĐ Việt Nam (viết tắt là Chỉ thị 43). Các phong trào, cuộc vận động, mô hình hoạt động của hội thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhiều tổ chức, cá nhân.
Lan tỏa rộng
Ngày 14.9.2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 988-CV/TU triển khai thực hiện Chỉ thị 43. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động của hội CTĐ, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở ban ngành, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; tăng cường quan hệ phối hợp, củng cố, phát triển tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội CTĐ các cấp, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức đối với công tác của hội CTĐ và phong trào nhân đạo, từ thiện.
Theo lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh, việc này đã tạo tâm lý phấn khởi đối với cán bộ hội và hội viên trong việc tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện ở các địa phương. Hoạt động của các cấp hội đã thu hút ngày càng nhiều người tham gia, đóng góp lớn vào công tác an sinh xã hội của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận định: “Các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác nhân đạo, từ thiện, công tác này góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đó là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị”.
Ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết, các phong trào, cuộc vận động được các cấp hội CTĐ triển khai phù hợp với tình hình thực tiễn, thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; thường xuyên biểu dương mô hình hay, các hoạt động hiệu quả; hoạt động nhân đạo, từ thiện thêm phong phú, đa dạng. Các cấp hội CTĐ luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tổ chức ký kết và triển khai thực hiện các chương trình phối hợp với các ngành liên quan về hoạt động xã hội nhân đạo… Chẳng hạn, mô hình “Bếp ăn tình thương” được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phát động trong cán bộ, chiến sĩ; mô hình tuyên truyền và phổ biến kiến thức về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng được Hội Người khuyết tật áp dụng để đề xuất các dự án tập huấn, tuyên truyền cho người khuyết tật và người dân tại cộng đồng; phòng GD-ĐT một số huyện xây dựng mô hình “Câu lạc bộ truyền thông thích ứng biến đổi khí hậu trong các trường học”; mô hình “Câu lạc bộ tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện” được một số huyện đoàn áp dụng triển khai... Hay như trên cơ sở ký kết liên tịch giữa hội CTĐ với ngành y tế và các ngành liên quan trong việc thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân hằng năm, đã có nhiều đoàn y bác sĩ trong và ngoài tỉnh tổ chức thăm khám, phát thuốc miễn phí, tư vấn sức khỏe cho các đối tượng nghèo, khó khăn, gia đình chính sách xã hội.
Hiệu quả cao
Toàn tỉnh hiện có 241 hội CTĐ cơ sở xã, phường, thị trấn với 371 cán bộ hội (trong đó 103 người kiêm nhiệm); 340 tổ chức hội ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, tổ chức tôn giáo,... với hơn 26 nghìn hội viên, hơn 13.560 tình nguyện viên. Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 43, các cấp hội CTĐ trong tỉnh đã vận động hỗ trợ hơn 1,7 triệu lượt người với tổng giá trị hơn 642 tỷ đồng. Trong đó, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” vận động được gần 700 nghìn suất quà, trị giá gần 259 tỷ đồng; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” giúp đỡ được 13.984 địa chỉ trong số 16.737 địa chỉ khảo sát, trị giá hơn 34,7 tỷ đồng; chương trình “Ngân hàng bò” được các cấp hội vận động trao tặng 1.813 con bò, trị giá gần 18 tỷ đồng. Trong 10 năm qua, các cấp hội đã tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo hơn 556 nghìn lượt người, trị giá hơn 70 tỷ đồng; tổ chức vận động và tiếp nhận hơn 115.210 đơn vị máu.
“Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Hiến máu nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”… là những phong trào nổi bật của hội CTĐ các cấp trong 10 năm qua. Lãnh đạo Hội CTĐ tỉnh cho biết, hiến máu tình nguyện là một trong những hoạt động xã hội mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc, thu hút được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân. Đến nay 18/18 huyện, thị xã, thành phố và 182/241 xã, phường, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Phong trào hiến máu tình nguyện có chiều hướng phát triển rộng khắp, tạo thành nét đẹp văn hóa trong đời sống, sinh hoạt của người dân và trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động nhân đạo chuyên nghiệp của các cấp hội CTĐ.
Ông Phan Công Ry nói, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp hội CTĐ chú trọng là phòng ngừa và ứng phó thảm họa. Hằng năm, các cấp hội CTĐ chủ động xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó thảm họa, lập sơ đồ vị trí hiểm họa, chuẩn bị tiền, hàng, các trang thiết bị cần thiết và lực lượng để sẵn sàng tổ chức các hoạt động cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tham gia xây dựng phương án di dời, cứu hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng thiên tai đến nơi an toàn trong mùa mưa bão. Hội CTĐ các cấp là thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, Tỉnh hội, 18/18 huyện, thị, thành hội và 207/241 hội xã, phường, thị trấn là thành viên ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cùng cấp.