Hỏi đáp chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (tiếp theo)
(QNO) - Hỏi: Tôi năm nay 58 tuổi, đóng BHXH được 23 năm, bị tai biến mạch máu não hiện điều trị ngoại trú nên không còn khả năng tiếp tục làm việc. Vậy muốn giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi thì thủ tục như thế nào?
Trả lời: Hồ sơ khám giám định để thực hiện chế độ hưu trí đối với người lao động được quy định tại Khoản 3 Điều 5 Chương II Thông tư số 56/2017/TT-BYT, ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế quy định chi tiết thi hành Luật BHXH và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế: Giấy giới thiệu của người sử dụng lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo thông tư này đối với người lao động đang đóng BHXH bắt buộc hoặc Giấy đề nghị khám giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 kèm theo thông tư này đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng;
- Bản chính hoặc bản sao hợp lệ của một hoặc các giấy tờ khám, điều trị bệnh, tật sau đây: Tóm tắt hồ sơ bệnh án, Giấy xác nhận khuyết tật, Giấy ra viện, Sổ khám bệnh, bản sao Hồ sơ bệnh nghề nghiệp, Biên bản giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động đối với người đã được khám giám định bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động;
- Một trong các giấy tờ quy định tại Điểm đ Khoản 1 điều này. Điểm đ Khoản 1 Điều 5 Chương II Thông tư số 56/2017/TT-BYT quy định như sau: “Một trong các giấy tờ có ảnh sau đây: Chứng minh nhân dân; Căn cước công dân; Hộ chiếu còn hiệu lực. Trường hợp không có các giấy tờ nêu trên thì phải có Giấy xác nhận của công an cấp xã có dán ảnh, đóng giáp lai trên ảnh và được cấp trong thời gian không quá 3 tháng tính đến thời điểm đề nghị khám giám định”.
Căn cứ quy định nêu trên, người lao động đang đóng BHXH bắt buộc thì người sử dụng lao động có Giấy giới thiệu giới thiệu người lao động đến Hội đồng giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động.
Hỏi: Chúng tôi được biết Nhà nước có quy định về việc người sử dụng lao động (SDLĐ) phải bồi thường, chi trả trợ cấp cho người lao động (NLĐ) bị tai nạn lao động (TNLĐ). Vậy trong trường hợp NLĐ bị tai nạn ngoài nơi làm việc; NLĐ đã được mua bảo hiểm tai nạn (bảo hiểm kinh doanh) thì người SDLĐ có phải thực hiện trách nhiệm này không? Nếu NLĐ không được tham gia BHXH, BHYT thì ai phải chịu trách nhiệm giải quyết?
Trả lời: Vấn đề bạn đọc hỏi đã được quy định rõ tại Điều 5, Thông tư số 04 ngày 2.2.2015 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế của người SDLĐ đối với NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (có hiệu lực kể từ ngày 20/3/2015). Theo đó:
1. Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người SDLĐ ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân NLĐ bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người SDLĐ vẫn phải bồi thường cho NLĐ theo quy định tại Điều 3 thông tư này.
2. Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân NLĐ bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người SDLĐ vẫn phải trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại Điều 4 thông tư này.
3. Trường hợp người SDLĐ đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị TNLĐ tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị TNLĐ được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị TNLĐ thấp hơn mức quy định tại Điều 3, Điều 4 thông tư này, thì người SDLĐ phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị TNLĐ hoặc thân nhân của người bị TNLĐ nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 3, Điều 4 thông tư này.
4. Nếu người SDLĐ không đóng BHXH cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 3, Điều 4 thông tư này, người SDLĐ phải trả chế độ BHXH thay cơ quan BHXH cho NLĐ bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp như sau:
a) Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì người SDLĐ phải trả trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp một lần bằng mức quy định của Luật BHXH;
b) Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì người SDLĐ phải trả trợ cấp TNLĐ, bệnh nghề nghiệp hằng tháng bằng mức quy định của Luật BHXH. Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hàng tháng theo thỏa thuận của các bên.