Những sáng kiến bảo vệ đại dương
Trong tiếng kêu cứu của đại dương vì ô nhiễm nhựa, những sáng kiến tham gia bảo vệ “sức khỏe” của đại dương, bảo vệ môi trường sống luôn dành được sự quan tâm đặc biệt.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu chúng ta không hành động giảm thiểu rác nhựa đổ ra đại dương thì đến năm 2050, lượng rác nhựa ở đây sẽ nhiều hơn lượng cá. Trong đó, chất ni lông được sử dụng phổ biến trong lưới đánh cá nhưng cũng thường bị vứt bừa bãi khi nó không còn được sử dụng. Hiệp hội Bảo vệ động vật thế giới thống kê hơn 600.000 tấn lưới là rác nhựa mỗi năm đổ vào đại dương và tích tụ trên các bãi biển. Bureo - một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại California (Mỹ) và Santiago (Chile) bắt đầu thu thập lưới đánh cá cũ được vứt bỏ chồng chất dọc bờ biển Chile để tái chế thành những sản phẩm thân thiện môi trường như áo thun, mũ, ván trượt và kính râm…
Vào mùa hè năm nay, Mayflower Autonomous Ship (MAS) - loại thuyền buồm không người lái chạy bằng năng lượng gió và mặt trời sẽ chính thức vượt Đại Tây Dương để phục vụ nghiên cứu trên biển, một cách mới để thu thập dữ liệu đại dương. MAS được trang bị công nghệ thông minh từ tự động đến điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, cảm biến… Con tàu thu thập dữ liệu để giám sát động vật biển, lập bản đồ mực nước biển và đặc biệt là những hạt vi nhựa trong đại dương. Công việc này sẽ được điều phối bởi Đại học Plymouth của Vương quốc Anh với sự cộng tác của hãng công nghệ nổi tiếng IBM của Mỹ. Con tàu này có chiều dài 15m, trọng lượng 5 tấn và tốc độ gần 40km/giờ.
Trong khi đó, Guatemala là quốc gia khá thành công với hàng rào chắn công nghệ có tác dụng quy tập những loại chai nhựa khác nhau bẫy rác nhựa trên biển. Thiết kế được đánh giá đơn giản, chi phí thấp nhưng mang lại hiệu quả ấn tượng. Sau khi được thu gom, số rác nhựa này được tập trung xử lý đúng cách tại các nhà máy tái chế, tạo thu nhập cho người dân địa phương. Với sáng kiến này, lượng rác thải ra biển tại nước này ít hơn 60% và giải pháp này đang được một số nước áp dụng.
“Cá mập dọn rác” WasteShark là sản phẩm do công ty công nghệ RanMarine tại Hà Lan phát triển để hút rác thải, từ các hạt nhựa nhỏ đến các mảnh vụn khác trên các sông hồ, kênh rạch. Không những thế, WasteShark cũng có thể phân tích các chỉ số trong nước như độ mặn, độ pH, nhiệt độ và độ sâu của nước. Hiện có hai phiên bản của WasteShark: tự lái và điều khiển từ xa. Thiết bị “Cá mập dọn rác” có kích thước 1,5m x 1,1m, nặng gần 40kg nhưng có thể chứa gần 160kg rác và có thời lượng pin hoạt động 16 giờ và được được vận hành tại Hà Lan, Nam Phi, Mỹ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). RanMarine cam kết hoạt động của thiết bị không ảnh hưởng đến đời sống sinh vật dưới nước.
Chiến dịch cấm đồ nhựa sử dụng một lần là yếu tố không thể thiếu trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa trên toàn cầu. Đến nay, phong trào nói không với túi ni lông lan tỏa khắp thế giới và được hàng chục thành phố ủng hộ và thực hiện. Như vào năm 2018, đảo Bali của Indonesia cấm túi nhựa sử dụng một lần. Tháng 3 mới đây, Chính phủ Oman tuyên bố sẽ cấm hoàn toàn túi nhựa dùng một lần từ năm tới, tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị phạt 5.200USD. Hay, để giảm rác nhựa ra đại dương, Thái Lan ban hành lệnh cấm các loại túi ni lông dùng một lần tại các cửa hàng lớn từ đầu năm 2020, nhằm hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021.
Diễn đàn kinh tế thế giới cũng vừa tổ chức cuộc đối thoại trực tuyến diễn ra từ ngày 1 - 5.6 vừa qua để tìm thêm các giải pháp bảo vệ “sức khỏe” của đại dương.