Kích cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh

TRỊNH DŨNG 05/06/2020 03:58

Sản xuất, kinh doanh đã dần hồi phục, nhưng có đạt kế hoạch tăng trưởng hay không là điều chưa thể định lường. Những giải pháp hữu hiệu, lưỡng toàn để phục hồi nền kinh tế được xem là “khẩn cấp” hậu Covid-19 là chuyện được bàn nhiều nhất tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5.2020, diễn ra vào chiều qua 4.6, do Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì, với sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường.

Sản xuất công nghiệp đã vận hành trở lại giúp chỉ số tháng 5 tăng nhưng có đạt kế hoạch hay không, vẫn chưa được định lường. Ảnh: T.D
Sản xuất công nghiệp đã vận hành trở lại giúp chỉ số tháng 5 tăng nhưng có đạt kế hoạch hay không, vẫn chưa được định lường. Ảnh: T.D

Chưa thể phục hồi nhanh

Nền kinh tế Quảng Nam đã vận hành trở lại bình thường, sinh khí hơn khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ hơn tháng qua. Sở KH&ĐT công bố chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 30,6%, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa khoảng 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8% và doanh thu dịch vụ khoảng 215 tỷ đồng, tăng 24,7%.

Mức tăng cao nhất thuộc về các dịch vụ GD-ĐT (92%); dịch vụ hành chính, hỗ trợ tăng 55%; dịch vụ phục vụ cá nhân và cộng đồng tăng 46,6%. Khách sạn, nhà hàng… mở cửa với tổng khách lưu trú gần 12.000 lượt, tăng 68,8%.

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT cho hay, tăng trưởng tháng 5 đáng kể so với tháng trước. Hiện tại hầu hết doanh nghiệp dần trở lại nhịp độ sản xuất bình thường nhưng vẫn còn chậm.

Nông lâm thủy sản dường như ít chịu tác động của khủng hoảng khi những con số thống kê về trồng trọt, năng suất, sản lượng cây trồng, chăn nuôi, sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp... đều gia tăng. Sức khỏe doanh nghiệp đã dần hồi phục khi lượng tiền gửi các ngân hàng đã tăng 1,3% và lượng tiền vay đã tăng 3,65%. Tuy nhiên, những con số thống kê ấy vẫn chưa đủ để lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế.

Khó khăn của nền kinh tế thể hiện ở các con số sau 5 tháng suy giảm nhiều so với cùng kỳ. Cụ thể: chỉ số sản xuất công nghiệp giảm gần 26% ở hầu hết các ngành, doanh thu dịch vụ giảm 28%, lượng khách giảm 67,6%, tổng doanh thu bán lẻ giảm 2,8%, chỉ số sử dụng lao động giảm 3,6%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 15,6%, ngành du lịch lữ hành giảm 58,5%.

Sản xuất kinh doanh chưa thể phục hồi nhanh, kéo theo thu ngân sách không thể đạt tiến độ. Hiện thu ngân sách mới chỉ đạt 7.241 tỷ đồng, giảm 35% (thu nội địa 5.702 tỷ đồng, bằng 28% dự toán và giảm 32% so cùng kỳ).

Không chỉ sản xuất hay ngân sách sụt giảm, khối lượng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước do địa phương quản lý thực hiện cũng đã giảm 4,6% so cùng kỳ. Tỷ lệ giải ngân cũng chỉ đạt 24% kế hoạch, thấp hơn nhiều so tiến độ giải ngân trung bình, chậm ở hầu hết các nguồn vốn.

Ông Phong nói, doanh nghiệp thiếu nguồn nguyên liệu đầu vào, hàng hóa không thể tiêu thụ được nên hoạt động cầm chừng. Sản xuất công nghiệp còn chịu sức ép khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát trên toàn cầu. Sẽ phải xác định khả năng nền kinh tế phục hồi sau vài năm nữa.

Giải pháp nào?

Chỉ còn hơn 6 tháng nữa là kết thúc năm - năm bản lề để quyết định các chính sách tăng trưởng cho 5 năm tới, nhưng những thống kê trên cho thấy không dễ dàng gì để có thể phục hồi, tái thiết nền kinh tế theo đúng như kế hoạch. Một trong những giải pháp được xem là hiệu quả thời điểm này chính là đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí năm 2020.

Kế hoạch sẽ đưa ra các gói kích cầu phục hồi hoạt động du lịch, dịch vụ; đưa ra cơ chế, chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, dịch vụ theo thẩm quyền, gỡ bỏ rào cản cho các dự án đầu tư tiến hành thi công đúng dự định, nhất là dự án, công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, phải mất nhiều tháng ngành du lịch mới có thể phục hồi. Mọi kích cầu hay phương án cũng phải theo dõi các động thái từ thị trường khách và du lịch thế giới. Thị trường khách quốc tế dự kiến sẽ chưa thể phục hồi kịp, nên hướng về thị trường nội địa và chuẩn bị đón dòng khách ở các thị trường quốc tế trong những tháng tới. Sẽ tổ chức nhiều hội nghị, giao lưu văn hóa, các festival… nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động kinh doanh sau ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng thời nâng cấp các sản phẩm du lịch, dịch vụ hiện có và xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới…, gắn với chính sách miễn, giảm vé tham quan tại các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý; đặc biệt, miễn vé tham quan các khu, điểm du lịch do Nhà nước quản lý cho khách du lịch đang lưu trú tại Quảng Nam, chính sách này áp dụng trong năm 2020 cho đến hết ngày 31.5.2021…

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương nói, một trong những giải pháp nhanh và hữu hiệu là thực thi hiệu quả các chính sách tài khóa, tín dụng của Chính phủ theo dạng mở rộng hơn.

Ông Thử đề xuất có thể miễn, giảm các khoản thuế để giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, hoặc mở một hội nghị trực tuyến để thu nhận kiến nghị của doanh nghiệp, tiến tới giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp có thể tái gia nhập thị trường một cách hữu hiệu hơn…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, phát triển, phục hồi kinh tế hậu Covid -19 mới là câu chuyện cần thiết và lớn. Nhất là đẩy nhanh tiến độ đầu tư công (chủ yếu vốn Trung ương). Nếu không giải ngân hết sẽ bị cắt hoặc điều chuyển. Các ngành, địa phương phải chủ động thay đổi, xây dựng các kế hoạch tăng trưởng thông qua gia tăng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiến độ thi công, hoàn thành các công trình đưa vào sử dụng để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

“Đưa ra các giải pháp, phương án phục hồi sẽ rất khó khăn, nhưng trong thẩm quyền của địa phương (ngoài việc phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, kinh tế thế giới, kinh tế vĩ mô và các gói hỗ trợ) đến đâu sẽ làm đến đó. Không thể hỗ trợ tất cả ngành công nghiệp nhưng hỗ trợ được gì cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải nhanh chóng tiến hành” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

TRỊNH DŨNG