Hạnh phúc trong tầm tay
Mặc dù mang bệnh phù thận suốt 10 năm liền, nhưng chị Nguyễn Thị Như Nga (30 tuổi, thôn Phú Nam, xã Tam Xuân 2, Núi Thành) chưa bao giờ đầu hàng với số phận, luôn lạc quan yêu đời, nỗ lực mưu sinh vươn lên trong cuộc sống.
Không từ bỏ giấc mơ giảng đường
Với niềm đam mê thương yêu trẻ con, năm 2010, chị Nguyễn Thị Như Nga đã thi đỗ vào ngành Giáo dục mầm non, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang với số điểm tương đối cao. Thế như căn bệnh phù thận khiến chị Nga phải bỏ dở ước mơ, trở về quê nhà vừa điều trị bệnh và theo học một ngành khác tại Trường Đại học Quảng Nam.
“Năm lớp 12, tình cờ mình phát hiện trên đầu ngón tay, chân có màu trắng bạc và đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thì nhận được kết luận bị hội chứng thận hư (phù thận). Sau khi nghe kết quả xét nghiệm, mình suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần. Tủi thân cho số phận và thấy ba mẹ buồn càng thêm lo, mình chỉ còn biết trông chờ vào phép màu may mắn” - chị Nga chia sẻ.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, đời sống kinh tế chật vật, khó khăn nên điều kiện chữa trị cũng không được chu đáo. Dù gia đình đã cố gắng chạy chữa khắp nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm.
Bà Trương Thị Nhựt, mẹ của chị Nga cho hay: “Từ nhỏ đến lớn Nga luôn là một đứa con hiếu thảo, học lực khá giỏi suốt 12 năm liền. Những năm cuối cấp, khi phát hiện bị bệnh thận phù, cháu tiều tụy lắm, mất ăn, mất ngủ. Biết là căn bệnh luôn hành hạ mỗi ngày nhưng Nga vẫn cố gắng học tốt để theo đuổi niềm mơ ước vào giảng đường”.
Cười để sống
Không thể theo đuổi ước mơ trở thành cô giáo, chị Nga đã theo học và tốt nghiệp loại khá hệ cao đẳng ngành Công tác xã hội, Trường Đại học Quảng Nam. Sau tốt nghiệp vì không xin được việc như mong muốn, chị Nga đi làm công nhân cho một công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh (TP.Đà Nẵng) để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ, mua thuốc và lo cho cuộc sống. Không nản lòng, bi quan, chị đã cố gắng từng ngày để làm việc.
Chị Nga kể: “Mình làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Khánh tuy vất vả, nhưng có đồng lương nên rất hạnh phúc. Chỉ cần có tiền với sức lao động chính đáng, việc gì mình cũng làm được, để mua thuốc và điều trị cầm bệnh. Nhiều lúc nằm bệnh viện, mình cũng thấy sợ khi chứng kiến những cảnh đời còn quá trẻ nhưng mãi ra đi khi bệnh thận nặng hơn và chuyển qua giai đoạn chạy thận nhân tạo. Mình cảm thấy mình may mắn hơn so với nhiều người khác”.
Được biết, chị Nga đã trải qua nhiều công việc để mưu sinh kiếm sống dù sức khỏe hạn chế. Mỗi tháng chị Nga đều đến bệnh viện để điều trị theo yêu cầu của bác sĩ. Hạnh phúc thay, có người con trai cùng quê đã đồng cảm và thương yêu cưới chị về làm vợ.
Anh Bùi Đức Tuấn, chồng chị Nga chia sẻ: “Hạnh phúc nhất của gia đình tôi là khi Nga có con. Tưởng căn bệnh đã tước đi quyền làm mẹ nhưng trời đất đã thương tình cho vợ chồng một đứa con trai kháu khỉnh. Năm 2016, vợ đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cũng là lúc sắp sinh em bé, bác sĩ bệnh viện đã tư vấn với gia đình vì sức khỏe Nga yếu, sợ sinh con sẽ khó khăn. Điều bất ngờ là Nga có thể sinh thường với sự trợ giúp của đội ngũ y bác sĩ. Lúc em bé chào đời, cả bệnh viện ai cũng mừng, vì nghĩ Nga không thể nào vượt cạn được”.
Từ khi có con, vợ chồng chị Nga thêm động lực để vượt qua nghịch cảnh. Do bệnh tình thay đổi thất thường, nên chị Nga không còn đi làm ở các công ty mà mở quán ăn nhỏ tại nhà.
“Ngày nào cũng vậy, mình luôn thức khuya dậy sớm để làm bánh bèo, xoa xoa, bột bán kịp bán cho người dân địa phương. Được mọi người ai cũng hiểu cho hoàn cảnh và thương mình nên đến ăn rất đông. Mỗi tuần, riêng tiền thuốc để duy trì sức khỏe của mình từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng, nếu không có thuốc mình không làm được việc gì cả”.
Biết là cuộc sống với muôn ngàn khó khăn, thêm bệnh tật nhưng chị Nga lúc nào cũng vui vẻ, niềm nở với mọi người. Gia đình luôn đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc. Không chỉ thế, chị còn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, từ việc đi chợ mua đồ giúp cho người khác bán kiếm tiền mà không lấy công, tiền lời hoặc tham gia công tác từ thiện khi có phát động của thanh niên địa phương.