Khuyến mãi du lịch: Giảm giá, không giảm giá trị dịch vụ
“Khuyến mãi”, “kích cầu du lịch” đã trở thành những cụm từ được nhiều người quan tâm kể từ khi Bộ VH-TT&DL ban hành kế hoạch “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Câu hỏi đặt ra, “khuyến mãi” có phải giảm giá hoặc giảm chất lượng dịch vụ.
Khách sạn Muca Hoi An Boutique Resort & Spa (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) đã giảm giá phòng từ hơn 1,8 triệu xuống chỉ còn khoảng 500 - 600 nghìn đồng/ngày đêm, tuy nhiên khách phải tự túc ăn sáng… còn lại hầu như hạ tầng, dịch vụ vẫn được đảm bảo. Mục đích triển khai chương trình khuyến mãi trên nhằm thu hút lớp người bình dân thu nhập thấp có cơ hội đi du lịch, trải nghiệm lưu trú tại một nơi đẳng cấp như Muca.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 62 công ty kinh doanh du lịch, dịch vụ tại Hội An thông báo triển khai khuyến mãi bằng nhiều chương trình khác nhau như giảm giá phòng, tăng dịch vụ hỗ trợ, thêm suất ăn, đưa đón khách tại sân bay…, để từng bước đưa khách trở lại Quảng Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh - Tổng Giám đốc Khách sạn Phú Thịnh, dù lượng khách vẫn còn khá ít nhưng đơn vị vẫn duy trì mở cửa để bảo quản tài sản. Thời gian qua, nhiều gói khuyến mãi đã được đơn vị tung ra với cam kết chất lượng dịch vụ vẫn đảm bảo.
“Chỉ cần nguồn thu đủ trang trải chi phí vận hành và trả công người lao động là được, khuyến mãi nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách ở tốt nhất” - bà Thanh khẳng định.
Khuyến mãi, kích cầu du lịch nội địa đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động du lịch. Một trong những gói kích cầu được xem là khá hấp dẫn hiện nay ở Quảng Nam là “Ở 3 đêm trả tiền 2 đêm”. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, khuyến mãi, kích cầu không đơn thuần chỉ là giảm giá mà mà nên tập trung vào tăng chất lượng dịch vụ.
Ông Lê Ngọc Thuận - chủ đầu tư nhà hàng The Deck House An Bang Beach chia sẻ, việc khuyến mãi có thể giảm số lượng, nhưng khách vẫn được hưởng chất lượng dịch vụ, phục vụ văn minh cao cấp. Trong tình huống nào cũng phải giữ chất lượng, bởi đó là uy tín, là thương hiệu.
“Hiểu rộng hơn, khuyến mãi thực chất là điều chỉnh lại cách kinh doanh cho phù hợp. Với những nơi trước đây khách muốn vô phải có nhiều tiền, nhưng bây giờ không cần nhiều tiền nhưng họ vẫn được ngồi một tại vị trí sang trọng được đến những nơi họ thích. Nên có thể khẳng định, kích cầu không phải là giảm giá, giảm chất lượng mà tạo cơ hội tốt nhất để khách đến với mình bằng cái giá hợp lý. Do đó không thể bán giá rẻ, doanh nghiệp thua lỗ thì không thể trụ vững được, nên chí ít cũng phải huề vốn. Đặc biệt, không thể vì khuyến mãi mà bán sản phẩm rẻ mạt, chất lượng kém để kéo khách tới, đây là điều tối kỵ” - ông Thuận phân tích.
Ý tưởng về tái cơ cấu thị trường khách và sản phẩm sau dịch Covid-19 cũng đã được Sở VH-TT&DL tính đến, nhưng cụ thể tái cơ cấu như thế nào thì vẫn chưa thành hiện thực.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, tái cơ cấu sản phẩm và thị trường khách là điều nên làm hiện nay, bởi sau dịch hoạt động du lịch dường như quay lại xuất phát điểm ban đầu nên rất dễ làm. Quan điểm của hiệp hội là khuyến mãi phải gắn với tăng chất lượng giá trị dịch vụ bằng các gói chăm sóc khách hàng tốt hơn.
“Khuyến mãi không phải giảm giá mà là tạo ra một giá trị tốt nhưng giá hợp lý hơn cho khách hàng trong giai đoạn khó khăn. Tất nhiên, vẫn có một số đơn vị giảm giá gắn liền với giảm dịch vụ, nhưng chương trình khuyến mãi đó phải minh bạch, khách hàng phải biết trước để lựa chọn. Nếu doanh nghiệp nào làm ăn gian dối thì họ sẽ phải chịu trách nhiệm và hậu quả” - ông Thanh nói.