Hoài niệm... tre
Theo Tổ chức Tre Thế giới (WBO), mỗi năm các sản phẩm bằng tre trên toàn cầu đã đạt giá trị hơn 2,5 tỷ USD và giá trị trao đổi thương mại lên tới 4,5 tỷ USD. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 2,5 tỷ người sống dựa vào cây tre hoặc làm việc liên quan đến nó như một loại tài nguyên thiên nhiên quý giá.
Tại Malaysia, chính phủ của họ triển khai chương trình hiện đại hóa các rừng tre (khoảng 300.000ha) để đẩy mạnh công nghiệp hóa sản xuất các sản phẩm từ loại cây bình dị này.
Thái Lan, tre được coi là “giống cây tiên phong” với nhiều lợi ích. Nhiều tỉnh và trường đại học từ lâu đã có chương trình hợp tác nghiên cứu lâm sinh và phát triển sản phẩm từ tre với tổ chức UNDP của Liên hợp quốc. Hàng năm, Thái Lan xuất khẩu hàng triệu tấn sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các loại măng tươi, măng khô và măng đóng hộp ra nước ngoài. Các rừng tre tư nhân được khuyến khích phát triển để làm nguyên liệu chế biến hàng thủ công và tổ chức các tour du lịch…
Tại Trung Quốc, chỉ riêng khu rừng tre từng làm phim trường cho bộ phim đoạt giải Oscar Long hổ quyết đấu (Crouching Tiger hidden Dragon) ở Tứ Xuyên đã trở thành một công viên du lịch thu hút nhiều triệu du khách nước ngoài mỗi năm. Tre phổ biến ở đất nước này nên được gọi là “một nền văn hóa tre”, vì nó tham dự mọi mặt đời sống tinh thần của cả nước…
Việt Nam chắc cũng chẳng kém gì. Tre Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc, tre trong thi ca, truyện cổ tích, văn học dân gian và cả văn chương hiện đại. Tre chống sạt lở bờ sông, tre hiện diện trong cơ man các dụng cụ sinh hoạt hằng ngày. Từ đôi đũa tre đến sợi lạt, từ cái rổ cái rá đến giường chõng, rui mè… Nhiều kiến trúc sư Việt Nam ngày nay giành các giải thưởng kiến trúc khi quay lại với loại vật liệu từ tre và các phong cách trang trí đậm vẻ Á Đông, nhiều loại vật liệu thân thiện môi trường cũng đang được nghiên cứu ứng dụng từ loài tre…
Thế nhưng, gần đây tôi thường đi về các xã nông thôn mới, lại thấy mất dần hình bóng cây tre, cây trúc. Nhiều con đường rợp bóng tre xanh, nhiều hàng rào trúc xinh xắn đã bị chặt bỏ để xây dựng các hàng rào bê tông, cốt thép sau khi bê tông hóa các đường làng. Đi bộ quanh nhiều thôn xóm giữa trưa hè, tìm ra một bóng tre râm mát để nghỉ chân quả là điều hiếm. Vào nhiều gia đình nông thôn ngày nay, tìm cái rổ, các rá, cái nia cái sàng bằng tre thì chỉ còn thấy đồ nhựa xanh đỏ, đồ kim khí sáng bóng. Thậm chí đôi đũa tre thân thuộc cũng có nơi thay bằng đũa kim loại, đũa nhựa.
Tôi đã đọc lại nhiều lần các tiêu chí mà một địa phương cố xây dựng để được công nhận danh hiệu “xã nông thôn mới”, thì tuyệt nhiên chưa thấy khoản mục nào yêu cầu chặt bỏ những hàng tre thân thuộc từ bao đời để làm hàng rào bê tông cả. Và tôi tự hỏi: Nếu không còn những bóng tre râm mát thân gần ấy thì mới gọi là nông thôn mới sao? Cái không gian sống ở vùng nông thôn Việt mà không còn bóng tre xanh tự bao đời, liệu nó sẽ tác động thế nào đến tâm hồn chúng ta?
Trong hàng vạn câu ca dao tục ngữ Việt liên quan lấy cây tre làm hình ảnh diễn tả, từ sinh hoạt hàng ngày đến sản xuất, yêu đương trai gái, đối nhân xử thế, đến thời tiết, khí hậu… không biết rồi đến vài thế hệ nữa sẽ đi về đâu? Bọn trẻ có khi sẽ hỏi người lớn: Cây tre là cây gì, ông bà cha mẹ ơi? Mà chúng ta thì chưa có một cái bảo tàng nào để gìn giữ và phát huy bộ gene quý giá của loài cây này!
Nghĩ đến đó mà chạnh lòng bởi sự vắng bóng dần của cây tre!